Sếp không ưa nịnh…

Chủ Nhật, 12/05/2019, 17:57 [GMT+7]
In bài này
.

- Ông là người uyên bác, chuyện gì cũng có thể “tám” say sưa. Vậy sao có chuyện hổng thấy ông bàn đến, có vẻ như muốn né đi. 

- Tui né chuyện gì?

- Chuyện CBCC không được nịnh bợ, lấy lòng sếp đó. 

- Nịnh bợ, lấy lòng sếp là chuyện tế nhị. “Tám” mấy vụ ấy rất dễ bị… mệt, chẳng dại!

- Ông ngại bàn mấy chuyện đó vì sợ bị người này buồn, người kia trách khi cho rằng đã nói xa, nói gần đến họ?

- Chứ không phải à. Ở đời, ai đó nói ông “thằng đó là Hòa Thân, siêu nịnh”, ông có chịu hông?

- Nhưng luật hóa quy định không nịnh bợ cấp trên cũng tốt. Nó giúp phát hiện, ngăn chặn được những hành vi nịnh bợ không trong sáng, nâng đỡ không trong sáng. 

- Tui cũng hiểu tính tích cực của quy định đó. Nhưng thói nịnh hót, bợ đỡ đã có từ ngàn xưa, rất thiên hình vạn trạng, có thể làm một… luận văn tiến sĩ về nó…

- Ý ông là…?

- Định nghĩa như thế nào là nịnh rất khó!

- Dễ mà, thấy tay nào nhậu giỏi nhưng yếu kém về trình độ, năng lực mà vẫn được sếp tin dùng, cất nhắc, vào vị trí lãnh đạo thì chắc chắn là đó là tay nịnh. 

- Còn những câu như: “Khả năng sếp còn phải ngồi cao nữa mới xứng tầm!”, “Tầm nhìn xa chiến lược của anh không chê vào đâu được! Không có anh, cơ quan không biết trông cậy vào đâu!” có thể gọi là nịnh không?

- Cái này… cái này…

- Đó, quy định không nịnh bợ cấp trên nghe quá hay nhưng áp dụng trong thực tế coi bộ không đơn giản. 

- Ờ há! Nhưng mà tui nghĩ  như vầy…

- Nghĩ sao?

- Sếp không ưa nịnh thì cấp dưới muốn cũng chẳng nịnh được!. 

SÁU BẾN ĐÌNH

;
.