.

Hạt vi nhựa và những tác hại đến sức khỏe

Cập nhật: 16:51, 19/04/2024 (GMT+7)

Kể từ khi bắt đầu sản xuất công nghiệp vào những năm 1950, các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa ngày càng nhiều, kéo theo những nguy hiểm cho sức khỏe con người từ thực thể vật chất siêu nhỏ- hạt vi nhựa.

Hạt vi nhựa tìm thấy trong bao tử bò, phóng đại 100 lần dưới kính hiển vi.
Hạt vi nhựa tìm thấy trong bao tử bò, phóng đại 100 lần dưới kính hiển vi.

Vi nhựa là gì?

Vi nhựa là các hạt polyme hoặc nhựa tổng hợp cực nhỏ, kích thước dưới 1.000 micromet (ký hiệu là µm - 1 µm bằng 1 phần triệu mét).  Nó có trong các sản phẩm như mỹ phẩm, chất tẩy rửa, hộp đựng thực phẩm, ly, chén, muỗng, ống hút, vỏ (lốp) xe, ống dẫn nước, quần áo bằng sợi tổng hợp...

Ở mỹ phẩm như son môi, phấn trang điểm, hạt vi nhựa giúp màu sắc tươi tắn, bám chặt vào da, không bị lem, không bị chảy nếu lỡ tay bôi quá nhiều. Bên cạnh đó, hạt vi nhựa còn sinh ra từ sự mài mòn lốp xe khi di chuyển, quần áo bằng sợi tổng hợp khi giặt giũ, các đồ dùng bằng nhựa lão hoá, đặc biệt là dưới ánh nắng mặt trời, nước thải công nghiệp trong sản xuất nhựa, cao su… Chúng di chuyển theo gió, dòng chảy sông ngòi, nước mưa, nước biển. Hạt càng nhỏ thì khả năng đi vào cơ thể con người càng cao, còn nhanh hay chậm là tùy thuộc vào thành phần riêng của chúng (kích thước, trọng lượng, mật độ).

Hạt vi nhựa nguy hiểm như thế nào?

Trong số những hạt vi nhựa gây nguy hiểm trực tiếp đến cơ thể người và động vật là các chất dẻo và các hợp chất hóa học khác, chiếm đến 50% trong các sản phẩm bằng nhựa, chẳng hạn như polyetylen (các loại bao bì, màng che…) và polypropylene (chai đựng nước, sữa, hộp đựng thức ăn…). Nếu chỉ sử dụng một lần thì tác hại của nó hầu như không đáng kể nhưng nếu tái sử dụng nhiều lần, dưới tác động của thức ăn, đồ uống nóng, của ánh sáng mặt trời, của sự va chạm, mài mòn sẽ khiến các hạt vi nhựa được giải phóng. Sau đó chúng xâm nhập vào cơ thể người qua thực phẩm, nước uống, không khí khi hít thở.

Với động vật như heo, bò, dê, cừu, gà vịt…, hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể chúng theo nước, chuỗi thức ăn rồi tích tụ trong máu, phổi, ruột, bao tử. Với các loài thuỷ sản, nó có trong máu, mang, ruột, bao tử, vi (vây). Khi chúng ta ăn những loại này, hạt vi nhựa cũng theo thức ăn vào người. Lúc ấy, độc tính của vi nhựa phụ thuộc vào hình dạng, kích thước và mật độ của chúng. Hạt càng nhỏ thì càng dễ xâm nhập các mô, tế bào.

Thông thường, nếu đã nhiễm hạt vi nhựa, chúng ta không thể ngay lập tức nhận ra những tác hại của chúng mà phải mất một thời gian khá dài, thậm chí là 10 hoặc 15 năm mới bắt đầu xuất hiện những triệu chứng, phần lớn là viêm hoặc ung thư. Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 2023 cho thấy 18% bệnh nhân ung thư phổi trên toàn cầu có nguồn gốc từ hạt vi nhựa, 27% ung thư bao tử và 9% ung thư tiền liệt tuyến cũng cùng căn nguyên như trên.

Vẫn theo nghiên cứu của WHO, sau khi ăn thực phẩm nhiễm vi nhựa, khoảng 90% lượng vi nhựa sẽ được thải ra ngoài qua phân. Tuy nhiên những hạt vi nhựa có kích thước dưới 150 µm sẽ được hấp thụ qua niêm mạc ruột rồi đi vào hệ bạch huyết, các hạt nhỏ dưới 110 µm đi vào máu qua đường tĩnh mạch và các hạt dưới 20 µm theo máu đến các cơ quan nội tạng, qua hàng rào nhau thai vào thai  nhi.

Ở đường hô hấp, các hạt vi nhựa mà ta hít vào có thể được đẩy ra qua chất nhầy khi hắt hơi, ho, khạc nhổ…, nhưng với những hạt nhỏ hơn 1,1 µm, nó thường tích tụ ở phổi. Tuy nó không gây ra biểu hiện cấp tính nhưng về lâu về dài, nó là một trong những nguồn gốc của viêm phổi, suyễn, dung tích của các phế nang giảm, tắc nghẽn phế quản phổi, ung thư...

Phòng ngừa nhiễm hạt vi nhựa

Với những kích thước và con đường tán phát như đã nói ở trên, thật khó mà đề ra cách phòng ngừa nhiễm hạt vi nhựa vì chúng ta không thể không thở, không ăn thịt, cá, rau, củ, quả, không thể không sử dụng các sản phẩm nhựa.

Vì thế, các chuyên gia chỉ khuyên hạn chế tối đa việc dùng lại những sản phẩm nhựa dùng một lần. Với những đồ vật bằng nhựa nếu xuất hiện dấu hiệu lão hóa (phai màu, giòn, dễ nứt, vỡ, bề mặt giảm sự nhẵn bóng…) thì nên vứt bỏ.

Tuyệt đối không để trẻ con ngậm những đồ chơi bằng nhựa, cao su, nhất là những đồ chơi có màu sắc sặc sỡ (trong đó bong bóng là thứ đồ chơi tán phát hạt vi nhựa nhiều nhất), đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, ít nhất mỗi năm 1 lần, đặc biệt với những người có liên quan trực tiếp đến sản xuất, tái chế nhựa…

Dược sĩ NGUYỄN VĂN ĐẠT

.
.
.