"Địa phương 15" vẫn dạy học trực tuyến, trừ Côn Đảo

Thứ Năm, 16/09/2021, 00:17 [GMT+7]
In bài này
.

Trước việc phân vùng giãn cách, việc dạy và học được triển khai như thế nào? Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT để làm rõ hơn về vấn đề này.

Giai đoạn này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục giảng dạy bằng hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Em Đỗ Gia Khiêm, HS Trường THCS Nguyễn An Ninh đang học trực tuyến.
Giai đoạn này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục giảng dạy bằng hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Em Đỗ Gia Khiêm, HS Trường THCS Nguyễn An Ninh đang học trực tuyến.

 Thưa bà, việc tổ chức dạy và học giai đoạn này có gì mới khi toàn tỉnh đang có sự phân vùng giãn cách xã hội, 4 huyện, thị, thành phố có nguy cơ cao thực hiện Chỉ thị 16, các địa phương còn lại thực hiện chỉ thị 15?

- Dù có phân vùng giãn cách xã hội nhưng việc tổ chức dạy và học trong toàn tỉnh cơ bản chưa thay đổi. Các trường THCS và THPT vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến. Riêng huyện Côn Đảo, đến tháng 8, toàn huyện đã có 1.603 người tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và 5.286 người được tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 70,5% người từ 18 tuổi trở lên, việc kiểm soát dịch bệnh tại địa phương cũng được thực hiện tốt, giữ vững vùng xanh. Vì lý do đó, UBND tỉnh đã cho phép các trường TH, THCS, THPT trên địa bàn huyện Côn Đảo dạy học trực tiếp tại trường. Nhưng các trường vẫn phải bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như bố trí mỗi lớp không quá 20 HS, thực hiện nghiêm quy định 5K. Riêng các trường MN ở Côn Đảo chưa tổ chức dạy học trực tiếp.

 Bà đánh giá như thế nào về công tác giảng dạy đến thời điểm này?

- Các thầy cô giáo và các em HS đã rất cố gắng khắc phục khó khăn để thích nghi với việc học trực tuyến. Đến thời điểm này, HS tham gia học đạt tỷ lệ khá cao, bậc THCS đạt 97,1%, THPT đạt 98,52%. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên thực học, một số trường vẫn cứng nhắc “áp” thời khóa biểu học trực tiếp vào học trực tuyến, gây áp lực cho HS. Ngành giáo dục đã nhắc nhở, chấn chỉnh để các cơ sở có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Năm học này là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6. UBND tỉnh đã cho chủ chương xây dựng và phát sóng các chuyên đề môn Ngữ Văn và Toán trên đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (BRT) để hỗ trợ cho việc học trực tuyến. Đối với cấp học MN, các nhà trường đã gửi video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà. Đồng thời, ngành cũng thiết lập kho học liệu chung để các trường MN công lập và tư thục chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.

Từ ngày 20/9, HS TH sẽ bắt đầu thực học. Đối với lớp 1 và lớp 2, ngành ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi HS đi học trở lại, các nhà trường tổ chức ôn tập cho HS trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đối với lớp 3 đến lớp 12, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ. Với chương trình Tiếng Việt lớp 1, lớp 2, các nhà trường phổ biến lịch phát sóng môn học này trên Đài Phát thành-Truyền hình TP. Hồ Chí Minh cho HS theo dõi (do BR-VT và TP.Hồ Chí Minh có cùng sự lựa chọn SGK Tiếng Việt). Riêng bộ môn Toán, tổ bộ môn của tỉnh sẽ xây dựng chương trình để phát sóng trên đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Ngoài ra, các nhà trường cũng phổ biến chương trình số của Bộ GD-ĐT để HS các khối lớp tiếp cận.

 Cá nhân tôi thấy rất khó để học sinh lớp 1 có thể học online mà bảo đảm chất lượng? Ngành đã có những giải pháp gì?

- Đối với lớp 1, 2, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT tổ chức nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong SGK để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Trong đó, ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho HS tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh. Các cơ sở giáo dục bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với HS, bảo đảm cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình.

Đối với các lớp 3, 4, 5, các phòng GD-ĐT tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, SGK, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Trên cơ sở đó thực hiện tinh giản nội dung để tập trung giúp HS hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng: tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học, tinh giản nội dung có trong SGK nhưng vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức kỹ năng ở từng lớp, tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học, tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định của chương trình.

Trong quá trình triển khai chương trình từ ngày 20/9 cho tới khi HS đi học trở lại, các cơ sở giáo dục TH cần linh hoạt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học. Khi HS đi học trở lại, các cơ sở giáo dục tận dụng thời gian dạy học trực tiếp để tổ chức ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho các em trước khi thực hiện dạy học nội dung mới và kiểm tra đánh giá theo quy định.

 Trong giai đoạn này, ngành còn những khó khăn, tồn tại nào cần giải quyết, thưa bà?

- Đến thời điểm này, toàn tỉnh còn hơn 2.000 HS chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai các giải pháp vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, DN chung tay hỗ trợ thiết bị cho các em, không để một HS nào bị mất cơ hội học tập do đại dịch.

Một khó khăn không nhỏ đối với ngành GD-ĐT trong giai đoạn này là việc tiêm vắc xin cho đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên của ngành còn rất thấp. Trong đó, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT mới chỉ có 49,61% đội ngũ được tiêm mũi 1. Tỷ lệ được tiêm vắc xin của đội ngũ trực thuộc phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố cũng không cao hơn. Riêng địa bàn huyện Xuyên Mộc chỉ có 7,1% đội ngũ được tiêm mũi 1, còn tại TP. Vũng Tàu tỷ lệ này cũng chỉ đạt 26%. Sở GD-ĐT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét phân bổ vắc xin cho đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên của ngành được tiêm chủng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học theo quy định.

 Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

KHÁNH CHI (Thực hiện)

;
.