Từ tiếng loa truyền thanh

Thứ Hai, 14/06/2021, 22:20 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này, đến từng thôn ấp trên địa bàn huyện Châu Đức, ai nấy đều được nghe các thông tin: “Ban phòng, chống dịch COVID-19 xã thông báo, tạm dừng hoạt động các cơ sở ăn uống tại chỗ, nơi tập trung đông người”, “huyện đã thành lập khu cách ly tập trung những người về từ vùng dịch”… trên hệ thống loa truyền thanh. Thông qua tiếng loa này giúp người dân nắm bắt kịp thời các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Xuân Tường, Công chức Văn hóa-Xã hội UBND xã Hòa Long đang đọc các thông báo, thu âm chuẩn bị bản tin trưa phát trên loa truyền thanh của xã.
Ông Nguyễn Xuân Tường, Công chức Văn hóa-Xã hội UBND xã Hòa Long đang đọc các thông báo, thu âm chuẩn bị bản tin trưa phát trên loa truyền thanh của xã.

Địa bàn huyện Châu Đức gồm 16 xã, thị trấn được lắp đặt 560 cụm loa truyền thanh, phủ khắp các khu dân cư. Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, thay vì phát 2 lần/ngày vào mỗi sáng và chiều, với thời lượng 30 phút/lần, để tuyên truyền, phổ biến các nội dung: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ Y tế, chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện về phòng, chống dịch bệnh, thì nay được tăng lên 3 lần/ngày. Nhờ đó, người dân nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về diễn biến, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, tỉnh và cả nước.

Bà Trần Thị Chín (xã Quảng Thành) cho biết, nhiều năm nay, bà vẫn có thói quen dậy sớm để theo dõi các thông tin thời sự được phát từ hệ thống loa truyền thanh. Từ ngày có dịch, bà thường xuyên theo dõi hơn. “Năm nay tôi đã 70 tuổi, mắt mờ, tay yếu nên tôi không thể ngồi đọc hay xem tin tức trên ti vi, điện thoại. Nhờ có loa truyền thanh liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh một cách rõ ràng, dễ hiểu nên dù ở nhà, lúc đang làm việc nhà tôi vẫn nắm được đầy đủ thông tin cần thiết”, bà Chín nói.

Ông Cao Hoàng Vũ, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua ngoài tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 cho người dân trên địa bàn huyện được treo ở những trục đường chính, khu vực tập trung dân cư, huyện Châu Đức còn thông báo các thông tin chỉ đạo của TW và của tỉnh BR-VT xung quanh nội dung phòng, chống dịch trên hệ thống loa phát thanh.  Cách tuyên truyền này đưa thông tin đến người dân nhanh chóng, kịp thời.

Tương tự, TP. Bà Rịa có 488 loa truyền thanh được lắp đặt tại 244 cụm là những khu phố, thôn ấp trên địa bàn thành phố, mỗi cụm có 2 loa. Giữa thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, hệ thống loa truyền thanh cơ sở càng phát huy hiệu quả, giúp người dân nắm bắt thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh và tăng cường các biện pháp phòng tránh. Đơn cử như tại xã Hòa Long (TP.Bà Rịa), những ngày gần đây, 25 cụm loa truyền thanh được lắp đặt ở các tổ, ấp đã hoạt động hết công suất. Cùng với việc tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh thành phố, cứ đều đặn 3 lần/ngày, hệ thống loa truyền thanh còn phát những thông tin liên quan đến phòng, chống dịch  COVID-19. 

Ông Nguyễn Xuân Tường, Công chức Văn hóa-Xã hội UBND xã Hòa Long cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, xã đã tăng cường thêm thời lượng phát sóng vào buổi trưa. Thực hiện tuyên truyền 4 bản tin/ngày, trong đó có 2 thông báo mới của xã trên loa truyền thanh, còn lại là các bài ngắn tuyên truyền của Bộ Y tế và của tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Phong, người dân xã Hòa Long cho biết, thông tin được đọc từ loa truyền thanh được người dân đặt sự tin tưởng về độ chính xác tuyệt đối. “Việc tăng thời lượng phát sóng giúp người dân nắm được nội dung văn bản, chỉ đạo của tỉnh cũng như biết rõ các ca tiếp xúc là F1, F2 họ đi đến những nơi nào của địa phương để cùng phối hợp cơ quan chức năng truy vết, phòng tránh”, ông Phong nói.

Còn tại địa bàn phường Phước Nguyên (TP.Bà Rịa), 15 cụm loa truyền thanh và loa không dây được lắp đặt tại 5 phu phố, mỗi cụm 2 loa để thực hiện công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, công suất loa chỉ lan tỏa trong phạm vi vài trăm mét. Vì vậy để phát huy hiệu quả hơn nữa trong phòng dịch, cán bộ truyền thanh phường Phước Nguyên đã sử dụng hệ thống loa trên xe lưu động, đi đến từng con hẻm nhỏ thông báo thông tin liên quan đến dịch bệnh để bà con dễ nắm bắt.

Có thể nói, bên cạnh sự quyết liệt, bám sát tình hình dịch bệnh của chính quyền địa phương thì tiếng loa truyền thanh đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.