SỐ HÓA THU CHI TRONG TRƯỜNG HỌC: Tiện lợi đủ đường

Thứ Bảy, 09/01/2021, 08:01 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, tại cuộc họp diễn ra chiều 5/1, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học và lựa chọn ứng dụng quản lý nguồn thu trường học SSC để “chạy” thử nghiệm. Phương thức này hứa hẹn sẽ “tiện cả đôi đường” vì phụ huynh có thể thanh toán các khoản phí bằng nhiều kênh, thay vì phải đến bộ phận kế toán trường học và trường học cũng giảm tải công việc kế toán do nhiều công đoạn đã được số hóa. 

Việc đóng các khoản phí trong trường học “truyền thống” sẽ mất nhiều thời gian và phiền toái cho phụ huynh.
Việc đóng các khoản phí trong trường học “truyền thống” sẽ mất nhiều thời gian và phiền toái cho phụ huynh.

CÔNG KHAI MINH BẠCH

Ông Ngô Doãn Chính, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Ngôi nhà xanh cho biết, hệ thống quản lý nguồn thu trường học SSC viết riêng cho công tác quản lý trường học, được chuẩn hóa ngiệp vụ kế toán và các chứng từ báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành.

Đây là công cụ hữu hiệu cho bộ phận kế toán tài chính tại các trường học để quản lý thông tin tài chính tập trung, tự động, số hóa. Các chức năng chính của SSC là quản lý HS, quản lý miễn giảm, quản lý học phí, quản lý giao dịch, biên lai/hóa đơn và báo cáo.

SSC còn cung cấp cho các nhà trường dịch vụ khai thuế, hỗ trợ chuẩn hóa dữ liệu, dịch vụ nhắc nợ học phí qua 

ứng dụng…

Việc chuyển đổi phương thức thanh toán từ thủ công sang không dùng tiền mặt sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động cho phụ huynh. Với hình thức này, phụ huynh không còn phải xếp hàng, chờ đợi khi đóng học phí, đồng thời từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng và hình thành thói quen không dùng tiền mặt trong các giao dịch, thanh toán.

Hiện, SSC đã kết nối 9 ví điện tử như ViettelPay, Momo, VNPT Pay, ZaloPay… và 4 ngân hàng quản lý chuyên thu và đối soát: Sacombank, MB Bank, Agribank, BIDV; ngoài ra còn có hệ thống 12.000 cửa hàng tiện lợi như: VinMart, Viettel Store, FPT Shop… để hỗ trợ phụ huynh thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Ngô Doãn Chính nhấn mạnh, hệ thống quản lý thanh toán phí và học phí SSC còn tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý có công cụ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khoản thu theo quy định của ngành, chi tiết từng trường, từng khoản thu học phí, thu thỏa thuận và thu chi hộ nếu có phát sinh, từ đó hạn chế tiêu cực trong việc thu theo hình thức thủ công và quản lý tiền thu bằng tiền mặt, bảo đảm sự công khai, minh bạch.

XU THẾ TẤT YẾU

Ông Ngô Doãn Chính, đại diện đơn vị tư vấn nhận định, khó khăn trong việc ứng dụng hệ thống SSC là các nhà trường phải minh bạch hoàn toàn các khoản thu, kể cả các khoản thu theo quy định và xã hội hóa. Bên cạnh đó, do không thể sửa chữa dữ liệu trên phần mềm nên công tác tập huấn cho các trường phải được thực hiện chu đáo, nhân viên kế toán phải tuân thủ các bước tập huấn.

“Với kinh nghiệm triển khai tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy, trong 6 tháng đầu, có thể sẽ có nhiều ý kiến trái chiều do các nhà trường, người dân chưa quen với hình thức thanh toán này”, ông Chính nói.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, việc ứng dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp quản lý nguồn thu của các trường học để bảo đảm sự minh bạch, công khai. Trước đây, ngành cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, nhưng hiện tại chỉ có TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa thực hiện. Tại TP.Vũng Tàu, hiện đã có tới 80% các trường từ MN tới THCS thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng chỉ có 10% phụ huynh tham gia.

Còn tại TP. Bà Rịa mới chỉ lẻ tẻ một vài trường triển khai hình thức này. Như vậy, phòng GD-ĐT các địa phương phải vào cuộc bởi thực tế triển khai, nhiều trường sẽ từ chối tham gia vì không muốn bị quản lý. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng cần có chủ trương để việc triển khai thuận lợi, đồng loạt.

Tiếp lời bà Trần Thị Ngọc Châu, ông Ngô Doãn Chính cho rằng, để triển khai hiệu quả, thuận lợi cần phải lập đề án và Ban chỉ đạo. Về phương thức triển khai, không nên thí điểm mà nên thực hiện theo lộ trình, lựa chọn một số đơn vị làm trước, sau đó các đơn vị này sẽ tham gia vào việc đào tạo, hướng dẫn các đơn vị còn lại.

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn khẳng định: “Việc ứng dụng CNTT vào quản lý nguồn thu trong trường học là xu thế tất yếu. Tuy vậy, trong quá trình triển khai có thể phát sinh nhiều vướng mắc xảy ra nhưng phải quyết tâm, vừa triển khai vừa phát hiện và khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại”.

Đồng thời, yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp các sở, ngành có liên quan thúc đẩy việc triển khai càng sớm càng tốt, hướng tới mục tiêu 100% trường học, phụ huynh, HS tham gia. Hệ thống được đưa vào sử dụng phải bảo đảm các tiêu chí: an toàn, thân thiện, gần gũi, dễ sử dụng nhằm tạo thuận lợi cho mọi phụ huynh đều có thể tham gia, kể cả những phụ huynh chưa có tài khoản ngân hàng hoặc cư trú ở những địa bàn khó khăn.

UBND tỉnh chấp thuận đề xuất đưa hệ thống SSC vào thử nghiệm. Tuy nhiên, sau thời gian chạy thử nghiệm, hệ thống SSC chỉ được lựa chọn để sử dụng chính thức nếu đáp ứng được các tiêu chí trên. Để chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm, ông Trần Văn Tuấn yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương lập danh sách các khoản thu này bảo đảm minh bạch, công khai; đồng thời làm rõ vấn đề về kinh phí để vận hành hệ thống. Sở GD-ĐT cũng cần nghiên cứu việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, đề xuất thời điểm, lộ trình phù hợp.

KHÁNH CHI

;
.