Những ý tưởng sáng tạo hữu ích

Thứ Sáu, 27/11/2020, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Tại lễ trao giải cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 vừa diễn ra ở Hà Nội, tỉnh BR-VT có 4 công trình, sáng kiến được chọn vào vòng chung kết, trong đó có 1 dự án đạt giải Nhất và 3 dự án đạt giải Cống hiến. Những sáng kiến của GV, HS này có giá trị sử dụng trong thực tế, phục vụ vào hoạt động dạy và học.

Thầy Hà Quốc Trung, giảng viên Khoa Điện của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT giảng bài cho SV của khoa trên Thiết bị công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động.
Thầy Hà Quốc Trung, giảng viên Khoa Điện của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT giảng bài cho SV của khoa trên Thiết bị công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động.

CẢI TIẾN THIẾT BỊ DẠY NGHỀ

Thầy Hà Quốc Trung, GV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT là tác giả của sáng kiến “Thiết bị công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động”. Sáng kiến này là 1 trong 3 công trình đạt giải Nhất cuộc thi. Thầy Quốc Trung chia sẻ, việc dạy nghề đòi hỏi các dụng cụ thực hành trực quan, có tính tích hợp cao, giúp người học tiếp thu bài hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều thiết bị đã lạc hậu, không còn phù hợp thực tế sản xuất của DN hoặc có giá thành cao. Từ đó, thầy Trung đã nảy ra sáng kiến tận dụng một số thiết bị của nhà trường để tạo ra mô hình dạy thực hành mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN, tạo điều kiện cho học viên tiếp cận với trang thiết bị hiện đại.

Sáng kiến này có tên gọi “Thiết bị công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động”, đang được giảng dạy tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, áp dụng trong các bài tập thực hành theo phương pháp tích hợp cho các mô đun nghề điện công nghiệp, cơ điện tử, điện công nghiệp ở trình độ trung cấp và CĐ. Các mô đun được thực hành trên mô hình gồm: điều khiển điện khí nén, kỹ thuật cảm biến, lập trình PLC và bảo trì hệ thống cơ điện tử. Sáng kiến này giúp người học tiếp cận được nhiều ứng dụng, nhiều phương thức điều khiển trong sản xuất như điều khiển giám sát HMI, SCADA, Web server; trực quan hóa khái niệm trừu tượng; bổ sung các thiết bị dạy học tiên tiến, đáp ứng được quá trình tự động hóa trong sản xuất. Học viên học được nhiều mô đun mà các thiết bị khác không đáp ứng; rèn luyện tay nghề và tiếp cận công nghệ mới; giảm chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cho nhà trường. “Thiết bị này có chi phí khoảng 40 triệu đồng, có thể ứng dụng được trong nhiều mô hình điều khiển tự động như: bãi giữ xe tự động, phân loại sản phẩm theo màu sắc, hệ thống định lượng, kiểm tra và phân loại sản phẩm. Các mô hình có thể hoạt động riêng lẻ hoặc kết hợp tạo nên dây chuyền liên trạm, tạo hứng thú cho SV trong quá trình học tập, nghiên cứu”, thầy Quốc Trung nói thêm.

Cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Cuộc thi được phát động vào tháng 6/2020, thu hút 1.132 công trình, sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả trên khắp cả nước gửi về tham dự. Kết quả có 15 sáng kiến, công trình được chọn vào vòng chung khảo. Trong đó có 3 giải Nhất (giải thưởng 100 triệu đồng/giải, cùng Bằng khen, biểu trưng của chương trình); 12 giải Cống hiến (10 triệu đồng/giải).

 

NHỮNG Ý TƯỞNG NHÂN VĂN

Trong khi đó, sáng kiến “Cá nhân hóa thiết bị định vị bằng âm thanh cho HS khiếm thị” của em Phạm Ngọc Anh (lớp 12 Toán 1) và Trần Tuấn Minh (lớp 12 Tin) Trường THPT Lê Quý Đôn là dự án có ý nghĩa nhân văn. Ngọc Anh cho hay, thị trường có bán một số thiết bị định vị đồ vật bằng âm thanh dành cho người khiếm thị, nhưng lại phát ra âm thanh giống nhau, dẫn đến nhầm lẫn. Để khắc phục hạn chế này, Ngọc Anh và Tuấn Minh lên ý tưởng thực hiện đề tài “Cá nhân hóa thiết bị định vị bằng âm thanh cho HS khiếm thị”. Thiết bị có sự trợ giúp của công nghệ hỗ trợ thu âm. Khi cần tìm đồ vật, người dùng bấm vào nút điều khiển, thiết bị sẽ phát ra âm thanh (đã được ghi âm sẵn hoặc bản nhạc ưa thích được cài vào thiết bị) để người khiếm thị nhận diện đồ vật của mình, tránh nhầm lẫn với đồ của người khác. Thiết bị được thiết kế nhỏ, gọn, HS khiếm thị dễ sử dụng.

Cũng là sáng kiến dành cho HS khiếm thị, 2 em Đinh Thị Giàu và Lữ Xuân Minh (Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ) đã thiết kế “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho HS khiếm thị”. Dự án gồm một bàn chữ nổi có 18 ô ký tự, hoạt động dựa trên nguyên lý đóng ngắt của rơ-le có khả năng hiển thị các nội dung GV viết và truyền đạt, chỉ cần có dữ liệu dạng văn bản gửi từ bộ phận quản lý của người dạy. Hệ thống quan sát bằng camera được lắp ở mỗi bàn học để quản lý HS tiện hơn. GV có thể nhắc nhở HS và dạy cho từng em ở xa bằng loa - Mic bluetooth. Hơn nữa, bàn học còn có nút báo gọi GV để nhờ giúp đỡ khi cần thiết. Với việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy cho HS khiếm thị, sáng kiến “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho HS khiếm thị” đã khắc phục những hạn chế của việc dùng sách chữ nổi, mang lại hiệu quả cao hơn trong giảng dạy và học tập; rút ngắn khoảng cách giữa GV và HS.

Ngoài ra, sáng kiến “Sgarden-Thiết bị hỗ trợ trồng cây cho HS” của 3 HS Trường THPT Phú Mỹ gồm: Cao Thọ Hoàng Long (lớp 12A2), Hoàng Lý Đình Duy (lớp 12A1) và Đinh Thị Yến Nhi (lớp 11A1) cũng đạt giải Cống hiến. Thiết bị sử dụng cảm biến thông minh, tương tác giọng nói trong cung cấp thông tin, trạng thái của cây trồng đến người dùng; hỗ trợ người dùng theo dõi tiến trình phát triển của cây. Nhờ đó, thiết bị giúp kích thích trí tò mò, tạo hứng thú học tập cho HS.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.