TÙY BÚT

Đậm đà cơm rang ngày lũ

Thứ Sáu, 16/10/2020, 13:10 [GMT+7]
In bài này
.

Nhìn dòng nước lũ đục ngầu chảy xiết trước thềm nhà, xa xa ngoài kia từng đám lục bình trôi bồng bềnh, tôi thấy thương mảnh đất quê, thương từng dáng người lam lũ hơn bao giờ hết. 

Tôi sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung gian khổ. Từ khi chúng tôi còn thơ bé đã tập cho mình nhiều nếp sống, để thích nghi với mảnh đất này. Trong đó có cả việc sống chung với lũ. Hàng năm, sau khi tiếng trống tựu trường vang lên, sau khi trải qua những giờ học đầu tiên trên lớp, trong khung cảnh mùa thu mát mẻ, với mùi giấy vở mới thơm tho. Rồi sau đó, mưa lác đác kéo về trên dải đất miền Trung, cho đến khi mưa nặng hạt và lũ ùa đến. 

Sau khi chào đón những giây phút êm đềm của ngày thu đến trường, khoảng thời gian sau đó, chúng tôi lại đón lũ, và tạm gác việc học tập. Mùa tựu trường và mùa lũ cách nhau khoảng một gang tay. Đối với chúng tôi, mùa lũ là những ký ức không bao giờ quên, và đó cũng là thói quen chống lũ hàng năm cho đến bây giờ chúng tôi đã trưởng thành.

Trong lúc người lớn loay hoay với công việc của mình như chuẩn bị lương thực để lên ghe. Chuẩn bị đèn dầu, và buộc con heo lên chiếc giường xập xệ tránh lũ. Hay gom những thứ cần thiết treo lên nóc nhà. Thì lũ trẻ chúng tôi lại sắp xếp sách vở, quần áo để cất lên cao, qua lũ còn có để đến trường. 

Và trong lúc chúng tôi say sưa ngủ, mơ những giấc mơ về ngày nắng có ông bụt, bà tiên. Thì cha mẹ chúng tôi lại nháo nhác lo sợ, thức trắng đêm dài để canh chừng mực nước lũ lên xuống. Trong những ngày chống chọi với cơn lũ dài, là những chảo cơm rang khéo léo của mẹ để chúng tôi vượt qua từng ngày đói khổ.

Mẹ tôi vốn là phụ nữ rất cần kiệm. Ngày nắng, mỗi khi còn cơm thừa, mẹ đổ cơm vào những chiếc nia, đem phơi trước hiên nhà. Phơi khô và để tơi thành từng hạt. Sau đó cho vào lọ thủy tinh cất trong bếp. Mùa mưa kéo về, những ngày không ra chợ được mẹ mang chảo ra rang cho cả nhà. Cơm rang của mẹ không cầu kỳ, không hoa lá cành, trang trí sặc sỡ vài ba cánh hoa, cánh ớt. Món cơm rang ấy giản dị như chính con người mẹ vậy. 

Vẫn chiếc chảo nhỏ xíu, mẹ cho chút dầu đậu phộng quê thu hoạch từ mùa hè năm ngoái, vài ba hạt nén, củ hành vào khử cho thơm, sau đó mẹ đổ cơm khô vào chảo chờ cho đến khi những hạt cơm chuyển màu từ trắng sang vàng xuộm, mềm dẻo. Với chén mắm tỏi, ớt mẹ chuẩn bị từ trước, sau đó dùng để rưới vào chảo cơm trên bếp. Chảo cơm thơm và đậm đà làm ấm bụng trong những ngày mưa lũ.

Tuy sống trong những ngày mưa bão, nước lũ thì cứ dâng lên rồi hạ xuống nhưng mẹ vẫn chăm sóc chị em chúng tôi chu đáo. Mẹ chăm từng miếng ăn, giấc ngủ. Còn ba mẹ thì gầy đi, với ánh mắt sâu hoắm vì lo lắng. 

Năm nay, miền Trung lại đón một cơn lũ dữ dằn và đau thương. Tôi không còn bập bềnh trên những chiếc ghe, để đón lũ cùng với gia đình, vì tôi đã lập nghiệp ở phố xa. Qua chương trình thời sự, qua những hình ảnh trên facebook của nhiều gia đình miền Trung, tôi thấy lòng đau quặn thắt, thấy thương cho mảnh đất quê nhà. 

Như mọi năm, mẹ tôi luôn chuẩn bị cơm khô, cá khô để đối phó với cơn lũ dài ngày. Nhưng lần này lại khác, mẹ không chỉ chuẩn bị cho gia đình chúng tôi, mẹ làm nhiều hơn cho những gia đình sát bên, giúp đỡ họ gói mỳ, chén cơm. Tôi thương mẹ. Và cảm phục trái tim nhân ái của mẹ. Mẹ đã dạy cho chúng tôi bài học về sự chia sẻ, lòng thương yêu con người, trong những ngày đất trời u ám như thế. Nhớ mãi chảo cơm rang của mẹ ngày mưa gió, nhớ tình người đậm đà của thôn xóm bé nhỏ nơi tôi lớn lên.

THÂN THỊ THANH TRÂM  

;
.