"Trái ngọt" từ công tác đào tạo nghề

Thứ Tư, 09/09/2020, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 80% và giải quyết việc làm cho khoảng 160 ngàn lao động. Đến nay, các chỉ tiêu trên đều đạt và vượt mức Nghị quyết.

Chất lượng đào tạo nghề được đánh giá đổi mới cơ bản, toàn diện và có nhiều bước đột phá. Trong ảnh: SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT trong giờ học thực hành.
Chất lượng đào tạo nghề được đánh giá đổi mới cơ bản, toàn diện và có nhiều bước đột phá. Trong ảnh: SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT trong giờ học thực hành.

CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO NGHỀ TRỌNG ĐIỂM

BR-VT hiện có 46 cơ sở dạy nghề, trong đó 11 cơ sở dạy nghề công lập và 35 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo cho hơn 30 ngàn lượt người ở trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC), sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Để nâng cao chất lượng dạy nghề, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề. Một số trường đã triển khai đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế. Điển hình như tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, các lớp CĐ chất lượng cao cấp độ quốc tế nghề gồm: nghề Cơ điện tử (theo chuẩn Úc), nghề Hàn và Cắt gọt kim loại (theo chuẩn Đức)... được triển khai hiệu quả. Với những nghề này, SV được học tập theo chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài.

Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề cho HS-SV với thời lượng giờ học thực hành chiếm 70% chương trình đào tạo. Từ năm 2018, nhà trường đã đào tạo 2 lớp thí điểm quốc gia theo chương trình chuyển giao của Úc với nghề CĐ Quản trị nhà hàng và CĐ Hướng dẫn du lịch. Với các nghề này, việc giảng dạy và học tập thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Việc đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo và kiểm định chất lượng được các chuyên gia Úc đánh giá định kỳ 3 tháng một lần. Những SV tham gia học 2 lớp này đều đạt trình độ tiếng Anh B1 quốc tế, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng quốc tế của Úc và bằng CĐ của trường... 

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, việc thu hút được nhiều DN tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở đào tạo nghề duy trì quan hệ mật thiết với DN để “đào tạo kép”. Ths.Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề bảo đảm đầy đủ, hiện đại, trường còn tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho GV. Đồng thời, chương trình đào tạo được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của DN, trong đó tăng thời gian học thực hành lên 60-70% thời lượng chương trình. Trường cũng đưa các nội dung kỹ năng mềm, kỹ thuật an toàn lao động, 5S, ngoại ngữ và tin học theo chuẩn quốc tế vào chương trình đào tạo; đẩy mạnh hợp tác với DN để tổ chức cho 100% HS-SV đến thực tập và tham quan tại DN. 

ĐÀO TẠO NGHỀ THEO NHU CẦU XÃ HỘI 

Trong 5 năm qua, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai linh hoạt với từng nghề, từng đối tượng, gắn với tình hình sản xuất và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ đổi mới giáo dục nghề nghiệp, chất lượng đào tạo nghề qua các năm trên địa bàn tỉnh dần nâng cao. Anh Lê Thanh Nhân (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) là một ví dụ. Trước đây, anh Nhân làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập thấp và bấp bênh. Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề hàn và lái xe nâng dành cho lao động nông thôn vào cuối năm 2018, anh Nhân đã được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Dầu khí Biển Đông tuyển dụng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh Nhân cho hay: “Nhờ được học nghề, tôi đã có việc làm và thu nhập cao hơn nhiều lần so với trước đó. Đời sống gia đình tôi cũng được cải thiện hơn”. 

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) cho biết, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn chú trọng đào tạo những ngành, nghề mà xã hội đang cần, đồng thời khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề... “Đầu tư mạnh về cơ sở vật chất và thu hút được nhiều DN tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp là giải pháp giúp BR-VT nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, một số ngành nghề được đầu tư theo chuẩn đào tạo quốc tế đã giúp học viên nâng cao kỹ năng nghề khi tham gia thị trường lao động”, ông Triều khẳng định. 

Đối với các ngành nghề phi nông nghiệp, Sở luôn gắn nhiệm vụ giải quyết việc làm với đào tạo nghề. Theo đó, Sở đã triển khai nhiều chương trình như: ký cam kết về việc các cơ sở đào tạo nghề phải giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo; khảo sát nhu cầu trước khi đào tạo, đồng thời liên kết với các DN để đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ. Đến nay, các cơ sở đào tạo nghề đều bảo đảm giải quyết việc làm cho học viên sau học nghề, với tỷ lệ đạt từ 88-90%. “Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương và các trường nghề thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS (hiện UBND tỉnh đã có kế hoạch về chương trình này). Ngoài ra, Sở sẽ làm tốt công tác “đặt hàng” đào tạo nghề, nhất là các lĩnh vực phục vụ kinh tế mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp hỗ trợ, logistics”, ông Huỳnh Việt Triều thông tin thêm.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh có hơn 10.200 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% (Nghị quyết đến năm 2020 đạt 71%). Số lao động được giải quyết việc làm là hơn 210 ngàn lượt người, vượt 31,71% chỉ tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm từ 3,25% năm 2015, xuống còn 2,28% năm 2019.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.