TẠP BÚT

Lá rụng về cội

Thứ Sáu, 11/09/2020, 15:50 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày tôi còn bé, cứ vào dịp hè, cha lại cho tôi về quê. Một chặng đường dài hơn trăm cây số trên chuyến xe đò chật ních, cha con tôi mới về đến quê. Từ đường quốc lộ xuống làng quê tôi khá xa, ngày đó, về quê cha thường mang theo chiếc xe đạp. Xuống xe đò, cha chở tôi về làng trên chiếc xe đạp ấy, bao giờ về đến quê trời cũng sâm sẩm tối.

Đường làng tôi là con đường đất đỏ với những con dốc dựng đứng, lởm chởm là đá. Hai bên đường bạt ngàn ruộng nương, hương đất, hương lúa lẫn trong làn gió chiều mát rượi. Cha ngồi đằng trước, chở tôi vắt vẻo đằng sau, thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ cho tôi xem ngọn đồi ngày hồi nhỏ ông thường lên chăn bò, hái củi. Đường về làng có một cái ao sâu, cha kể rằng ông chú tôi ngày xưa đi chơi về, đến ao dừng lại xuống ngựa và tắm. Và ông chú tôi không bao giờ lên nữa. Cả nhà nội tôi ngày đó đi tìm, đến hôm sau tìm thấy con ngựa nằm bên ao mới biết ông chú tôi đã chết, con ngựa cũng bỏ ăn và cuối cùng nó cũng chết bên mộ ông. Cha tôi còn kể nhiều, nhiều lắm chuyện làng tôi, chuyện ông bà nội tôi ngày còn trẻ...

Lần nào tôi mới về đến đầu làng, ông bà tôi cũng đã hay, người quê tôi mộc mạc, xởi lởi. Các bà, các cô đi chợ thấy cha con tôi liền reo lên “Cha con chú Năm về đó hử?” rồi loan tin nhau, mấy đứa trẻ chăn bò chạy về báo cho ông bà tôi, nên bao giờ về cũng thấy bà nội tôi đứng chờ ở ngõ. Mở màn bao giờ cũng là cảnh “lâm li”, đôi khi có cả nước mắt nước mũi của bà tôi nữa. Đầu tiên là ôm đầu cháu nội dụi dụi vào ngực hít hà “Tội nghiệp, tội nghiệp” sau đó sờ nắn cánh tay, cẳng chân, kèm theo hàng loạt tiếng chép miệng “Ăn uống ra sao, tay chân như cẳng gà”. Sau “màn sụt sùi” bà tôi mặt mày vẫn đau khổ, quày quả xách rổ đi chợ. Ông tôi, có phần điềm tĩnh hơn, thong dong chống gậy từ từ đi ra. Ông tôi cao dong dỏng, đẹp như một tiên ông trong truyện cổ. Ông kéo tôi lại gần, bập bập điếu thuốc hút dở, vất ra sân, yên lặng ôm đầu cháu xoa xoa, bảo cô tôi “Ra sau coi có cái trứng, tao mới nghe như gà nó đẻ, đem vô luộc cho em ăn”.

Trưa tôi không ngủ, toàn chạy ra đồng, cũng có khi quanh quẩn xem ông đan rổ. Thỉnh thoảng ông dừng tay kéo tôi lại gần, vén tóc chỉ lên trán tôi âu yếm “Giống ông cái trán cao đây” xong ông lại chỉ vào mắt “Giống ông con mắt sáng, mày khôn dữ”. Ngồi một lúc, kiểu gì tôi cũng giống ông “toàn tập”.

Cứ đến sâm sẩm tối là tôi thích nhất, giờ đó chú tôi lùa bò từ ngoài đồng về chuồng, trong bếp, bà tôi đã nấu xong bữa cơm chiều. Ông tôi cứ đến chạng vạng là thắp cây đèn dầu cao, để giữa cái sân gạch cho bà tôi thấy đường dọn cơm. Xong, ông ngồi đập muỗi, muỗi ở quê nhiều như trấu, cứ đến chạng vạng bay ra cả đàn. Bữa cơm chiều dọn ra trên cái sân gạch, bà tôi tíu tít xới cơm cho từng người, nồi cơm ghế toàn khoai măng, chỗ nào nhiều cơm bà nhường cho ông và tôi. Nồi cá kho lõng bỏng nước, tanh tanh nhưng tôi ăn ngon lành. Giờ muốn nếm lại mùi vị cá kho của bà nội tôi cũng chẳng tìm thấy ở đâu...

Ăn xong, ông tôi vội vàng vào nhà, leo lên phản nằm, kiếm cớ đi ngủ, nhưng thật ra là ông sợ ma. Rồi bà tôi, cô chú tôi cũng đi nằm, còn lại cha con tôi ngồi ngoài hiên chờ trăng lên, nhìn đom đóm lập lòe. Những đêm như vậy, cha tôi trầm ngâm đốt thuốc, lòng ông có lẽ an yên. Tôi đọc được trong mắt ông, rằng ông yêu quê, không nơi nào bằng…

Chỉ có cha tôi là xa quê hương, chú bác tôi vẫn còn ở lại. Ngày ngày chú thím tôi vẫn ra đồng làm ruộng. Các em tôi đứa nào cũng đen nhẻm, nhưng mặt mũi sáng sủa, hiền lành. Còn nhỏ nhưng chúng đã biết cắt cỏ, chăn bò, gặt lúa. Ngày nào tôi cũng được nhìn thấy chúng bày trò chơi, nào bẫy chim, lội xuống ao mò ốc, đi hái thơm, vắt vẻo trên lưng bò… Trẻ con quê tôi mặt mũi lúc nào cũng lấm lem. Thấy tôi về, chúng kéo đến rất đông để “xem” tôi, nhưng chỉ hiếu kỳ một lát thôi lại tản đi ngay, rồi lại bày trò chơi. Tôi chỉ được đứng ngoài nhìn chúng chơi, tuyệt nhiên chẳng bao giờ chúng cho tôi tham gia. Có lẽ một đứa con gái thành phố yếu ớt trong mắt chúng chẳng có gì là thú vị. Những lúc đó tôi thường chạy về chơi với nội, giúp ông phơi khoai ra nắng, rút rơm bỏ vào chuồng cho bò. Chán, tôi lại theo mấy đứa em lên núi lấy củi, hái sim, tìm những chùm dủ dẻ vàng mọng nước...

Tôi về lại mảnh vườn ngày xưa ông bà tôi để lại, giờ bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, không ai chăm sóc, tôi bỗng rưng rưng. Nhìn chỗ nào cũng thấy bóng dáng ông tôi, râu tóc bạc phơ, thấy bóng dáng bà tôi gầy gò, khắc khổ, lúc nào cũng cau có, gắt gỏng nhưng yêu thương con cháu chẳng ai bằng. Cái sân gạch vẫn còn đó, giờ đã rêu phong.

VŨ NGỌC GIAO

;
.