NHỮNG BỘ SƯU TẬP TIÊU BIỂU Ở BẢO TÀNG BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Kỳ 4: Ngắm cổ vật trục vớt tại vùng biển BR-VT

Thứ Năm, 03/09/2020, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Bước vào phòng trưng bày chuyên đề cổ vật trục vớt ở vùng biển BR-VT, du khách như bước vào một thế giới đầy bí ẩn. Một con tàu đắm thân vỡ làm 2 mảnh, khoảng giữa là đáy biển với nhiều loài sinh vật biển sinh sống dưới tầng đáy của rạn san hô và nhiều mảnh gốm, sứ, đất nung… như mời gọi du khách khám phá.

Khách tham quan khu trưng bày cổ vật trục vớt tại vùng biển BR-VT.
Khách tham quan khu trưng bày cổ vật trục vớt tại vùng biển BR-VT.

CỔ VẬT HÒN CAU

Do ngư dân thị trấn Long Hải, huyện Long Điền phát hiện vào năm 1990, tại  vùng biển Hòn Cau, huyện Côn Đảo. Đây là con tàu chở đồ gốm, sứ sản xuất từ các lò Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây), Đức Hóa (tỉnh Phúc Kiến) của Trung Hoa, trên đường sang châu Âu. Bộ sưu tập gồm các chất liệu: gốm, sứ, đá, đất nung, đồng với nhiều kiểu dáng, trang trí hoa văn đa dạng, tinh xảo. Bộ sưu tập cổ vật Hòn Cau là di sản lịch sử văn hóa có giá trị, góp phần làm sáng rõ “con đường tơ lụa” trên biển nối giữa Đông và Tây bán cầu. Những cổ vật thuộc nhiều loại hình, kiểu dáng: chóe, bình, lọ, bát, tô, đĩa, ống cắm bút, tách pha trà, ly chân cao, lá dâu, nấm linh chi, bình ngọc... 

Các nhà khảo cổ tìm thấy 2 thỏi mực với dòng chữ nổi “Canh Ngọ”, cho biết niên đại chính xác con tàu đắm vào năm 1690, thời Khang Hy, đời Thanh, Trung Hoa, cách ngày nay hơn 300 năm.

Khách tham quan khu trưng bày cổ vật trục vớt tại vùng biển BR-VT.
Khách tham quan khu trưng bày cổ vật trục vớt tại vùng biển BR-VT.

SƯU TẬP CỔ VẬT X3

Được khai quật, trục vớt vào tháng 7/2013 tại vùng biển ngoài khơi huyện Côn Đảo. Bộ sưu tập gồm 300 cổ vật với các chủng loại: tô, bình, hũ, chén, quả cân, quả rọi, gương, tiền cổ Trung Hoa, viên đá trang trí hoa văn… bằng chất liệu gốm, sứ, kim loại, đá được tìm thấy trong xác con tàu gỗ, nằm sâu dưới mực nước biển 42m. Việc phát hiện một số đồng tiền Trung Hoa Thiên Hy thông bảo, đời Tống Chân Tông (977-1022) đúc năm 1017-1021… có thể đoán định con tàu đắm cổ X3 có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIV…

CỔ VẬT HÒN BÀ

Do ngư dân phát hiện vào năm 1993, tại khu vực Hòn Bà, cách Bãi Sau, TP. Vũng Tàu, 2 hải lý. Đây là con tàu gỗ chở hàng gia dụng tại vùng biển Nam Trung Bộ chìm dưới mực nước biển 20m. Quá trình thăm dò, khai quật đã thu được 569 hiện vật, phần lớn là đồ gia dụng: nồi, hũ, nắp chất liệu bằng đất nung và một số đồng tiền Minh Mạng thông bảo (1820-1840). Niên đại con tàu vào giữa thế kỷ XIX.

CỔ VẬT CỦA PHÁP 

Do ngư dân Bùi Văn Tri (chuyên lặn tìm phế liệu dưới biển), ở phường Thắng Nhì phát hiện vào đầu năm 1997 tại  khu vực Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu, cách bờ khoảng 4 hải lý. Con tàu chìm dưới độ sâu 15m. Trong thân tàu bị cát bùn phủ lấp, các nhà khảo cổ tìm thấy 105 cổ vật gồm các loại: tô, đĩa, thố, hộp, tách, ly bằng chất liệu sứ men trắng, pha lê, thủy tinh, đèn đi biển, đèn hoa tiêu. Những hiện vật này được sản xuất tại Pháp, vào khoảng giữa thế kỷ XIX. 

SƯU TẬP CỔ VẬT UNG CHÍNH

Được ngư dân thị trấn Long Hải, huyện Long Điền phát hiện từ con tàu chìm ngoài biển vào năm 2000. Bộ sưu tập cổ vật thời Ung Chính (1723-1735), Trung Hoa, thế kỷ XVIII gồm 2.342 hiện vật. Chủng loại gồm có chóe, bình, hũ, chén, bát, đĩa, hộp, tượng… với nhiều kiểu dáng, kỹ thuật chế tác, trang trí độc đáo của nghệ thuật gốm sứ Trung Hoa. 

SƯU TẬP CỔ VẬT GỐM SỨ THÁI LAN

Năm 1999, tàu đánh cá của ông Phan Cao Thạch, ngư dân phường 11, TP. Vũng Tàu đã phát hiện một con tàu cổ bị vùi lấp dưới đáy biển. Bộ sưu tập gồm 298 hiện vật là đồ gốm men màu với các loại: vò, hũ, bình, bát, đĩa, thố… Nét đặc trưng của các hiện vật là được phủ men màu đen, nâu, men ngọc, kỹ thuật trang trí hoa văn khắc vạch, đắp nổi. Những cổ vật này có nguồn gốc sản xuất từ các tỉnh Sukhothai và Sawankhalok của Thái Lan vào khoảng thế kỷ XV, cách ngày nay hơn 500 năm.  

SƯU TẬP SÚNG THẦN CÔNG

Do ngư dân phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu phát hiện vào tháng 6/1991, tại khu vực Bãi Rạng, gần Bãi Dâu, thuộc vùng biển Vũng Tàu, dưới độ sâu 25m so với mực nước biển. Trong khu vực này, ngư dân còn tìm thấy một vài mảnh ván gỗ dày, mục nát vùi sâu dưới cát, có thể là dấu tích của một xác tàu cổ bị chìm. Bộ sưu tập gồm 7 súng thần công, được đúc bằng hợp kim đồng đỏ. Bộ sưu tập súng thần công được đúc từ Trung Hoa. Súng hình trụ, thân súng có những viền đai đúc nổi, bên trong rỗng dưới các thời Gia Tĩnh, Vạn Lịch, triều Minh (1551, 1588).  

NGUYỄN DUYÊN
(Còn nữa)

;
.