Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Thứ Ba, 15/09/2020, 19:13 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 5 năm qua, các bệnh viện (BV), Trung tâm y tế (TTYT) cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

TRIỂN KHAI NHIỀU KỸ THUẬT CAO

Các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cho bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cho bệnh nhân.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một trong những kỹ thuật cao được Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, BV Bà Rịa triển khai từ năm 2018. Mỗi tuần, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cho 2-3 bệnh nhân. Ngoài ra, khoa còn triển khai một số kỹ thuật mới như: phẫu thuật thanh quản, thực quản; phẫu thuật đại tràng, phẫu thuật tim… Bà Trần Thị Lượm (50 tuổi, ở phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) vừa được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tại BV Bà Rịa. Ca phẫu thuật thành công. “Tôi đã được thay đĩa đệm nhân tạo ở cột sống. Hiện tại, sức khỏe tôi đã bình phục, việc đi lại và vận động dễ dàng hơn trước, tôi phấn khởi lắm”, bà Lượm nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa cho biết, BV đang từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Trong giai đoạn 2015-2020, BV đã thành lập thêm 6 khoa, phòng mới; triển khai 34 kỹ thuật mới, trong đó có các kỹ thuật chuyên khoa sâu như: can thiệp mạch vành, phẫu thuật nội soi khớp, nội soi tiêu hóa, phẫu thuật ung thư và hóa trị cho bệnh nhân ung thư. “BV còn phát triển các kỹ thuật chuyên khoa nhi; ký hợp đồng với các chuyên gia tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật chuyên môn. Việc triển khai các kỹ thuật này đã tạo điều kiện cho bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh và giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên”, bác sĩ Nguyễn Văn Hương nói.

Dù cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực còn hạn chế, nhưng thời gian qua, TTYT huyện Châu Đức cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh.

Ông Đinh Văn Sáng (65 tuổi, ở ấp Da Hòa Yên, xã Bình Giã) bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính 25 năm qua nên thường xuyên ho, khó thở, người mệt mỏi. Ông đã đến TTYT tế huyện Châu Đức để siêu âm tim - kỹ thuật mới được triển khai từ năm 2019 tại đây. “Trước đây, muốn siêu âm tim, tôi phải lên BV Bà Rịa hoặc các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. TTYT huyện Châu Đức triển khai kỹ thuật này đã tạo thuận lợi hơn cho người dân, giảm được chi phí và thời gian đi lại”, ông Sáng cho hay.

NÂNG MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Châu Đức siêu âm tim cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Châu Đức siêu âm tim cho bệnh nhân.

Bên cạnh việc áp kỹ thuật mới, các cơ sở y tế còn xã hội hóa các dịch vụ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân.

Khoa Dịch vụ, BV Lê Lợi được thành lập từ đầu năm 2020, với 10 phòng và 30 giường bệnh. Phòng có đầy đủ tiện nghi nên từ khi thành lập đến nay, Khoa Dịch vụ luôn đạt và vượt 100% công suất giường bệnh. Bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi, ở phường 10, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Tôi bị bệnh huyết áp cao nhiều năm nay. Tôi chọn điều trị tại Khoa Dịch vụ, BV Lê Lợi vì không gian thoáng mát, ít bệnh nhân nên không ồn ào, giúp tôi có thời gian nghỉ ngơi. Nhân viên y tế cũng nhiệt tình và vui vẻ khiến tôi rất hài lòng”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi thông tin thêm, từ đầu tháng 6/2020, BV đưa vào hoạt động Phòng khám chất lượng cao và chuyên gia. 2 phòng khám này do các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh cùng ban giám đốc và lãnh đạo các khoa của BV Lê Lợi trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân đến khám tại 2 phòng khám này.

Nhằm giúp người dân rút ngắn thời gian chờ đợi trong quá trình khám bệnh, rút ngắn thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân, từ năm 2018, BV Bà Rịa đã triển khai thẻ khám bệnh thông minh. Theo đó, người bệnh gọi điện đến tổng đài 1900 6888 để đặt lịch, đăng ký phòng khám, ngày khám. Sau đó, khi đến BV, người bệnh không phải xếp hàng chờ lấy số thứ tự mà chỉ cần quẹt thẻ để in phiếu đăng ký và đi thẳng đến phòng khám đã đăng ký trước. Hình thức này giúp người bệnh giảm thời gian chờ xếp hàng từ 10 đến 20 lần so với việc không đặt lịch trước. Ngoài ra, thông tin về người bệnh, thông tin về kết quả xét nghiệm, kết quả cận lâm sàng, chẩn đoán, toa thuốc của từng người bệnh được lưu trên hệ thống. Người bệnh tự truy vấn dữ liệu hoặc khi khám khác tuyến, dữ liệu vẫn được chia sẻ để các bác sĩ ở bệnh viện khác có thể biết tiền sử của bệnh nhân.

Cùng với BV Bà Rịa và Lê Lợi, Trung tâm giám định y khoa tỉnh đã triển khai thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc cung cấp dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp y tế. Bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả về các tiêu chí: tiếp cận dịch vụ, quy trình về thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục, thái độ phục vụ của công chức, viên chức.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, giai đoạn 2020-2025, ngành y tế tiếp tục phát triển các chuyên khoa sâu, chuyên khoa mũi nhọn đầu ngành tại 2 BV Bà Rịa và Lê Lợi; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến. Đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế; xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án nâng cao giường bệnh cho một số đơn vị có công suất giường bệnh quá tải; phấn đấu hơn 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế.

Giai đoạn 2015-2020, ngành y tế tỉnh thành lập 28 khoa, phòng mới; triển khai 206 kỹ thuật mới. Trung bình mỗi ngày, BV Bà Rịa và BV Lê Lợi tiếp nhận từ 1.800-2.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú; các TTYT huyện, thị xã, thành phố có từ 400-600 bệnh nhân/ngày đến khám ngoại trú. Công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh đạt trên 100%, tuyến huyện đạt 70%


Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.