Cảnh giác với kiến ba khoang

Thứ Hai, 28/09/2020, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số trường hợp người dân bị kiến ba khoang cắn. Chất độc trong cơ thể của kiến ba khoang làm tổn thương da của nạn nhân, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ để lại sẹo, thậm chí gây biến chứng nặng. 

Kiến ba khoang.
Kiến ba khoang.

Cậu con trai 9 tuổi của chị Quyên (ngụ đường 30/4, TP. Vũng Tàu) vừa bị kiến ba khoang cắn vào mặt. Do cháu bị ngứa ngáy nên đã gãi và chà mạnh vào các vùng da bị kiến cắn nên độc tố lan rộng, gây tổn thương sang toàn bộ vùng da mặt và cả hai cánh tay. Thấy vậy, gia đình chị đưa con đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu và điều trị. Sau gần 10 ngày, các vết thương mới lành và may mắn không để lại sẹo. 

Còn theo ghi nhận của Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, từ đầu mùa mưa đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2-3 ca bị viêm da do kiến ba khoang cắn. Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu cho biết, các bệnh nhân đến bệnh viện với các triệu chứng như: xuất hiện vết xẩm, mảng hồng ban trên da, có những chùm mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ trên bề mặt da. Những tổn thương này rất dễ lan rộng ra các vùng da khác, đặc biệt là khi bệnh nhân lỡ chạm vào những vị trí bị tổn thương rồi lại tiếp xúc vùng da khác. 

“Khi bị kiến ba khoang cắn, bác sĩ sẽ kê thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Thông thường, từ 7 đến 10 ngày, các tổn thương sẽ khỏi, ít để lại sẹo. Tuy nhiên, một số trường hợp cơ địa lâu lành hoặc tổn thương lan rộng do tác động cơ học (cào, gãi trầy xước) khiến tổn thương lâu lành hơn và khả năng cao để lại sẹo”, bác sĩ Phương Thảo cho biết.

Vùng da ở cánh tay bị tổn thương do độc tố kiến ba khoang gây ra.
Vùng da ở cánh tay bị tổn thương do độc tố kiến ba khoang gây ra.

Theo các bác sĩ, chất độc trong cơ thể kiến ba khoang có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát. Cụ thể độc tố này là Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chủ yếu gây bỏng da. Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, tay. Ban đầu là những nốt ban đỏ, sau đó sưng thành mụn mủ, có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không cẩn thận, bết thương gây lở loét, rỉ dịch. Các vùng tổn thương do kiến ba khoang cắn thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân. 

Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi bị độc tố của kiến ba khoang dính vào da, nạn nhân nên dùng nước sạch xối vào chỗ kiến cắn rồi rửa bằng xà bông. Sau đó, dùng hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc) để thoa vào chỗ bị thương. Nếu nốt ban đỏ chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp, nạn nhân dùng thêm mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh để bôi lên da. Nếu vết đốt có dấu hiện lở loét, nhiễm khuẩn, bị rỉ mủ cần bôi thêm dung dịch xanh metilen 1%. Để yên tâm, nạn nhân nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. 

Kiến ba khoang hay còn gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong… Loài côn trùng này có màu là các khoang đen-vàng cam xen kẽ, có thân mình thon như hạt thóc, dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm. Kiến có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, một đôi cánh dài mỏng trong suốt và giấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn, giúp kiến bay và chạy rất nhanh. Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác, công trình đang xây dựng… Kiến xuất hiện nhiều vào mùa mưa khi độ ẩm cao. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Ngoài ra, khi kiến ba khoang đã tiếp xúc với cơ thể, bệnh nhân không nghiền, chà xát kiến khi nó xuất hiện trên cơ thể mình để tránh độc tố tiết ra từ kiến làm tổn thương phần tiếp xúc. Khi bị dính độc tố, nạn nhân không gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương, không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố. Người bị kiến cắn cần rửa sạch vết thương (nhất là ở vùng mắt) càng nhanh càng tốt và bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng, nạn nhân cần đi khám bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid, chất giải độc tố… 

Theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng tránh kiến ba khoang, người dân cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt bóng điện có ánh sáng xanh, tím thay vào đó là bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng. Trước khi ngủ, nên kiểm tra kỹ giường, gối, chăn chiếu. Trước khi mặc quần áo cần giũ sạch, phòng trường hợp có kiến ba khoang trú ngụ.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.