SỨC KHỎE CHO MỌI NHÀ

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Thứ Hai, 01/06/2020, 20:58 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên toàn tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, bởi nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là khi Nam Bộ đã bước vào mùa mưa. 

Nhân viên y tế của Đội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế huyện Châu Đức) phun thuốc diệt muỗi tại gia đình bệnh nhân Lê Thị Kim Huệ.
Nhân viên y tế của Đội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế huyện Châu Đức) phun thuốc diệt muỗi tại gia đình bệnh nhân Lê Thị Kim Huệ.

SỐ CA SỐT XUẤT HUYẾT GIẢM 

Chị Lê Thị Kim Huệ (tổ 26, thôn Hiệp Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) bị SXH, đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện từ ngày 26/5 đến nay. Chị Huệ cho biết, khi xuất hiện triệu chứng sốt cao hơn 39 độ, đau nhức khắp người, chị nghĩ chỉ bị cảm thông thường nên tự mua thuốc về uống. Do không hạ sốt, chị đi xét nghiệm thì mới phát hiện bị SXH. “Tôi chỉ nghĩ bị sốt bình thường chứ không nghĩ là mắc SXH. Rất may, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức phát hiện và điều trị kịp thời nên sức khỏe tôi đã ổn định”, chị Huệ nói. 

Thông tin từ bác sĩ Ngô Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 171 ca SXH, 73 ổ dịch, trong đó chỉ có 38 ca nhập viện, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019. “Chu kỳ dịch SXH khoảng 3-5 năm xảy ra 1 lần. Bệnh thường xuất hiện và phát triển thành dịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến muộn, do đó chưa xuất hiện dịch SXH. Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, đã xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Do đó, người dân không nên chủ quan, lơ là mà cần nâng cao ý thức phòng, chống SXH”, bác sĩ Vân phân tích.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến ngày 26/5, toàn tỉnh ghi nhận 757 ca SXH và 159 ổ dịch, trong đó, TP.Vũng Tàu có số ca cao nhất tỉnh với 335 trường hợp; huyện Côn Đảo có số ca thấp nhất, với 8 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH năm nay giảm gần 63%.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG DỊCH

Hiện nay, khu vực Nam Bộ đang chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika phát triển mạnh. Để ngăn chặn nguy cơ SXH bùng phát, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống SXH, xử lý kịp thời các ổ dịch, các vùng có nguy cơ gây SXH.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế huyện Châu Đức) cho biết, Đội Y tế dự phòng huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch, như: Tăng cường công tác tuyên truyền về SXH và cách phòng chống; giám sát tại các xã, thị trấn trên địa bàn về hướng dẫn người dân thu gom, lật úp các dụng cụ chứa nước; phun hóa chất diệt muỗi… “Khi bệnh nhân Lê Thị Kim Huệ bị SXH, Đội Y tế dự phòng đã phun hóa chất diệt muỗi tại nhà và khu vực chị Huệ sinh sống vào chiều 27/5. Chúng tôi xác định ca đầu tiên bị SXH thì tính thành 1 ổ dịch và phun hóa chất khử trùng chứ không để từ 2 ca trở lên mới dập dịch. Dù vất vả, nhưng việc dập dịch ngay từ đầu sẽ ngăn chặn bệnh lây lan ra cộng đồng”, bác sĩ Hoa cho hay.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống SXH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng trên địa bàn tỉnh, với thời gian thực hiện 2 lần/năm, vào tháng 5 và 9. Ngoài ra, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức diệt lăng quăng đối với xã, phường, thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch từ 1 đến 2 tuần/lần.


Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Đức cũng đã huy động được sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống SXH. Bà Võ Thị Thanh Tuyền, chuyên trách phòng, chống dịch Trạm Y tế xã Bàu Chinh thông tin, xã đã thành lập 58 tổ thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống, phát quang bụi rậm, lật úp dụng cụ chứa nước… để phòng ngừa SXH. “Qua rà soát cho thấy, xã Bàu Chinh có 4.650 dụng cụ chứa nước của 1.550 hộ dân, trong đó có 250 dụng cụ có lăng quăng. Trạm Y tế xã đã hướng dẫn các tổ đi vận động người dân đổ nước và lật úp dụng cụ chứa nước để phòng SXH. Hầu hết người dân đều hợp tác thực hiện”, bà Tuyền nói thêm. 

Còn UBND Phường 4 (TP. Vũng Tàu) thì kêu gọi mỗi người dân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo trên địa bàn dành từ 10-15 phút mỗi tuần để làm sạch nơi làm việc và sinh sống, phát quang bụi rậm, không để vật chứa nước làm nơi phát sinh lăng quăng. Cùng với đó, 9 khu phố còn thành lập các tổ đến từng nhà dân phát tờ rơi, kiểm tra dụng cụ chứa nước, tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. Nhờ đó, ý thức của người dân được nâng lên. 

Ông Hoàng Đình Kê, Phó Chủ tịch UBND Phường 4 cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, Phường 4 ghi nhận 13 ca SXH và 2 ổ dịch. UBND phường đã tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nêu cao ý thức trong phòng, chống SXH, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn”.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.