Lội sình bắt cá tại KDL Bưng Bạc

Thứ Năm, 11/06/2020, 09:05 [GMT+7]
In bài này
.

Nằm tại ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa, KDL sinh thái Bưng Bạc được ví như một làng quê miền Tây Nam bộ thu nhỏ với cảnh sông nước hữu tình, không khí trong lành, yên tĩnh, tách biệt khu dân cư, thích hợp cho những ai muốn tìm về thiên nhiên, tránh xa ồn ào của phố thị.

Khách du lịch chụp hình check-in tại KDL sinh thái Bưng Bạc.
Khách du lịch chụp hình check-in tại KDL sinh thái Bưng Bạc.

Những ngày cuối tuần, KDL sinh thái Bưng Bạc khá đông đúc, nhộn nhịp bởi du khách đến tham gia các hoạt động trải nghiệm như: câu cá, bắt cua, trồng rau và được thưởng thức những trái cây tươi ngon ngay tại vườn. Ông Trần Ngọc Cường, Chủ nhiệm HTX Phước Lập, đơn vị chủ đầu tư KDL sinh thái Bưng Bạc cho biết, KDL sinh thái Bưng Bạc nằm trong làng cổ Bưng Bạc xưa có diện tích khoảng 1,7ha, được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ tháng 6/2015. Tên gọi Bưng Bạc có nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian xưa rằng, có một vị vua khi dẫn quân chinh chiến qua vùng sình lầy rộng lớn này đã lệnh cho binh sĩ chôn giấu nhiều kim ngân tại đây. Từ đó, nhân dân trong vùng truyền nhau với cái tên Bưng Bạc để chỉ về những đặc trưng của nơi này.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lợi dụng địa bàn hiểm trở, Bưng Bạc trở thành căn cứ nuôi giấu cán bộ cách mạng. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân ấp Phước Hữu đã khai phá và định cư ở đây. Những ngày đầu đào mương lập vườn, họ đã tìm thấy nhiều cọc gỗ, hiện vật tiền sử - cổ sử bằng đá, đồng thau, sắt, gốm, răng, xương động vật… Qua nhiều đợt khai quật của các nhà khảo cổ học, đặc biệt đã thu được 1 giáo đồng, 2 chày nghiền, bàn nghiền và nhiều vật dụng khác có chất liệu, hình dáng và hình khắc trang trí giống với hiện vật cùng loại trong văn hóa Óc Eo.

Du khách nhí tham gia lội sình bắt cá giải trí tại KDL sinh thái Bưng Bạc.
Du khách nhí tham gia lội sình bắt cá giải trí tại KDL sinh thái Bưng Bạc.

Ông Cường thông tin thêm, trước đây, khu đất này được bà con xã viên đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn trái, rau xanh. Nhận thấy địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch như địa đạo Long Phước, các vườn cây ăn trái đa dạng để phát triển thành điểm du lịch sinh thái, ông Cường bàn bạc với bà con xã viên, mạnh dạn liên kết với ngành du lịch, các đơn vị lữ hành để xây dựng tour du lịch khép kín. Với tour du lịch này, sau khi tham quan tìm hiểu di tích lịch sử địa đạo Long Phước (cách 2km), du khách tiếp tục đến điểm du lịch sinh thái Bưng Bạc để cùng tham quan vườn cây ăn trái, tự tay câu những con cua, con cá, chèo thuyền tham quan hồ sen, chơi những trò chơi dân gian, như: Tát mương bắt cá, đạp xe đạp nước. Sau đó cùng thưởng thức các món ăn dân dã do chính các xã viên HTX chế biến, như: Mắm bằm đu đủ, mắm ruốc xào thịt, bánh tráng chuối, lẩu cua đồng…

Được tự tay bắt cá, hái rau, trải nghiệm làm một người nông dân thực thụ, chị Phan Thị Thu, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi rất bất ngờ trước những nét dân dã, đồng quê, không gian yên bình của nơi đây. Các con của tôi lại thích thú với các hoạt động trải nghiệm như câu cá, bắt cua”.

Ngày thường, mỗi ngày KDL sinh thái Bưng Bạc đón khoảng 50-70 lượt khách đến tham quan. Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, mỗi ngày KDL đón hơn 500 khách đến tham gia các hoạt động trải nghiệm. “Để góp phần xây dựng và tạo thương hiệu riêng cho HTX Phước Lập, tôi cùng với các xã viên đã dày công đưa các sản phẩm bánh tráng chuối, mắm kho quẹt lên kệ hàng của siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, Công ty TNHH TMDV Trí Hải. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến các hệ thống bán lẻ hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh”, ông Trần Ngọc Cường cho biết.

Bài, ảnh: MAI HOA

;
.