"Nghề tay trái" hái ra tiền

Thứ Năm, 09/04/2020, 21:52 [GMT+7]
In bài này
.
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh mất việc,  cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều người đã biết xoay xở,  bằng những “nghề tay trái” phù hợp để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Chị Tuyết Mai chuẩn bị hàng để giao đến nhà cho khách.
Chị Tuyết Mai chuẩn bị hàng để giao đến nhà cho khách.

Hơn 10 ngày qua, cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, chị Ngô Thị Yến (442/1/45B, Bình Giã, TP. Vũng Tàu) chạy xe máy khoảng 25km đến cảng cá Long Hải (huyện Long Điền) mua cá về làm cá khô, cá một nắng để bán. “Mình dậy sớm xuống tận cảng để đón ghe vừa cập bến nhằm lựa được những món cá tươi, ngon mà giá lại rẻ mới có lời”, chị Yến cho hay. 

Chồng chị làm thợ điện, còn chị làm quản lý nhà hàng ở KDL Hồ Mây 9 năm nay. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ ngày 22/3, KDL đã tạm ngưng hoạt động nên chị cùng nhiều nhân viên phải nghỉ việc không lương, còn chồng chị giảm việc nên tiền lương chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập chính bị cắt giảm khiến cuộc sống gia đình khó khăn. Không thể ngồi yên đợi dịch qua đi, lại sẵn chút kinh nghiệm về xẻ cá từ hồi trẻ nên chị quyết định chọn làm cá khô, cá một nắng bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hiện nay, chị đang chế biến và bán các loại cá khô như: Cá đổng, cá chỉ vàng, cá mối, cá đù… “Công việc vất vả nhưng bù lại mỗi ngày cũng kiếm được 200 ngàn đồng, tạm đủ chi tiêu trong thời gian này”, chị Yến cho biết.  

Dù làm nghề tay trái, làm tạm thời nhưng nhiều công việc đã mang về cho người lao động khoản thu nhập khá, bảo đảm ổn định cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Quế Minh (195/11/12, Hoàng Văn Thụ, TP. Vũng Tàu) là GV, kiêm quản lý ở một trung tâm bồi dưỡng văn hóa, với thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trung tâm phải tạm ngừng hoạt động hơn 2 tháng nay. Khoản tiền hỗ trợ hơn 3 triệu đồng/tháng của trung tâm không đủ chi tiêu cho 4 thành viên trong gia đình.  

Sẵn có tay nghề nấu ăn nên chị chuyển qua bán hàng ăn vặt trong thời gian nghỉ việc. Hiện nay, chị Minh bán khoảng 20 món, với khẩu vị đủ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, nhiều món do chị làm được khách khen ngon, bán rất chạy như: Bánh lọc, bánh canh, chả cá thu, sữa chua… Chị vừa bán hàng qua mạng, vừa bán tại nhà và kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng cho khách. Tuần rồi khá đắt khách, chị kiếm được gần 2 triệu đồng sau khi đã trừ tiền mua nguyên vật liệu. “Ngoài bán cho khách mua lẻ, tôi còn bỏ sỉ cho người quen. Điều quan trọng là các món ăn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Minh cho hay.

Tương tự, Trường MN Minh Đăng (TP. Vũng Tàu) - nơi chị Lê Thị Tuyết Mai công tác hơn 10 năm nay đã phải tạm đóng cửa từ tháng 2. Để xoay trở về tài chính, chị Mai đã chuyển qua bán hàng online và giao tận nhà cho khách các mặt hàng như: Rong nho tươi, trái cây, nước rửa tay, kem đánh răng, dầu gội… Chị Mai tâm sự, không chỉ chị phải tạm nghỉ việc mà thu nhập của chồng chị cũng bị cắt giảm phân nửa do dịch bệnh nên đã ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Vì vậy, khoản thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng từ bán hàng online tuy không bằng khi đi dạy ở trường nhưng cũng giúp gia đình chị vơi bớt khó khăn. “Nhờ bán hàng online mà hàng tháng tôi có đồng ra đồng vào, có thêm khoản tiền để chi tiêu trong gia đình”, chị Mai chia sẻ. 

Trong hoàn cảnh mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc sống nhiều người lao động lâm vào cảnh khó khăn. Nhưng, những trường hợp kể trên đã cho thấy, nếu người lao động biết cách làm và chịu khó thì vẫn có thể tìm ra công việc phù hợp để có thêm thu nhập, duy trì cuộc sống gia đình. Điều quan trọng đầu tiên là người lao động cần làm chủ cuộc sống của mình, không nên quá thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng. 

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.