Cho chừa thói kệch cỡm

Thứ Bảy, 04/01/2020, 07:09 [GMT+7]
In bài này
.

- Hổm rồi ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong lúc chờ giờ ra máy bay tui ngồi gần 2 cháu bé. Chúng líu lo “tám” với nhau bằng tiếng Anh nghe rất “đã”. 

- Chắc sắp nhỏ là con em của Việt kiều?!

- Tui cũng nghĩ vậy nhưng hỏi ra mới biết cha mẹ 2 cháu là người “nội địa” 100%.  

- Ngày nay trẻ con học ngoại ngữ rất sớm. Trong nước lại có nhiều trường quốc tế, sắp nhỏ nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cũng là điều dễ hiểu. 

- Nhưng qua việc các cháu nói tiếng Anh lưu loát, còn tiếng Việt thì phải tìm từ, phải đệm tiếng Anh vào mới tròn nghĩa… thấy cũng buồn!

 - Buồn quá đi chứ. Tiếng Việt mình giàu và đẹp, nếu không muốn nói là “dư hàng”. Tại sao phải cứ “chêm” tiếng Anh vào khi nói chuyện, phát biểu kia chứ.

- Không ít “sao” trong giới sô-bít cũng hồn nhiên sử dụng tiếng Anh chen lẫn tiếng Việt khi phát biểu trước công chúng.  

- Kiểu nói chuyện nửa Việt nửa Tây này rất chói tai. Nó sẽ làm tiếng Việt bị pha tạp và dần mất đi sự trong sáng. 

- Tui biết. Chẳng hạn trong một chương trình hẹn hò giấu mặt, một cô gái nói câu nói nửa Việt nửa Tây như thế này “Team help em về vấn đề này nhé, nếu có chỗ nào wonder thì please feel free to voice up” (“Dịch” là mọi người coi giúp em vấn đề này nhé, nếu có chỗ nào thắc mắc thì cứ tự nhiên lên tiếng). 

- Ông thấy bó tay chưa?

- Sao lại bó tay? Phải cùng lên tiếng mạnh mẽ cho họ chừa cái thói kệch cỡm đến lố bịch ấy đi chứ!

HẢI LĂNG

 
;
.