Bánh chưng xanh giao thoa hương vị 3 miền

Thứ Tư, 15/01/2020, 21:16 [GMT+7]
In bài này
.

Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết truyền thống của người Việt từ ngàn xưa. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình tại BR-VT vẫn còn gìn giữ phong tục gói và nấu bánh chưng ngày Tết, vừa là dịp để gia đình quây quần, vừa thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.

Vào dịp 28 tháng Chạp hàng năm, gia đình ông Nguyễn Hồng Việt lại quây quần gói bánh chưng.
Vào dịp 28 tháng Chạp hàng năm, gia đình ông Nguyễn Hồng Việt lại quây quần gói bánh chưng.

Nguyên liệu chủ đạo của bánh chưng là nếp, đậu, thịt, nhưng tùy vào phong cách ẩm thực của từng vùng miền, cách tạo nhân bánh khác nhau về hương vị. BR-VT vốn là địa phương có sự giao thoa vùng miền rất đặc biệt, vì thế, chiếc bánh chưng có sự hòa trộn tuyệt vời của hương vị 3 miền Bắc, Trung, Nam. 

Ông Nguyễn Hồng Việt (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu), quê ở Bắc Ninh đã gìn giữ truyền thống gói bánh chưng ngày Tết trong suốt gần 40 năm, kể từ ngày ông và gia đình đến lập nghiệp tại TP. Vũng Tàu. Ông Việt cho hay, khi mới vào Vũng Tàu sinh sống, gia đình ông vẫn giữ nguyên cách gói bánh như ở quê. Chiếc bánh không gói bằng khuôn mà dùng lá dong lớn đùm và buộc bằng lạt giang. Lớp ngoài là nếp Bắc, nhân bằng đậu xanh nguyên hạt, kèm thịt ba rọi ướp tiêu, hành tím bằm nhỏ. 

Qua thời gian sinh sống ở Vũng Tàu, ảnh hưởng ẩm thực miền Nam, gia đình ông dần thay đổi cách nêm nếm nhân bánh cho hợp khẩu vị. Mỗi lần chuẩn bị nhân bánh, ông Việt thường thêm chút đường nâu để bánh đậm đà hơn. Nhân cũng được thay đổi khi dùng đậu luộc mềm, giã nhỏ và rải đều lên nền nếp cái hoa vàng. Bánh được gói bằng khuôn với cách xếp lá chéo và tạo góc vuông, nhìn bắt mắt hơn. “Các con tôi đều tỏ ra thích thú với hương vị mới của bánh chưng. Mỗi năm tôi lại thay đổi một chút, có khi trộn nếp với gấc để làm bánh chưng gấc, có năm xay lá riềng trộn vào nếp để tạo màu xanh cho bánh. Vào ngày 28 tháng Chạp hàng năm, gia đình, con cháu quây quần gói và nấu bánh chưng. Sau khi vớt, bánh được ép chặt, để ráo nước qua đêm. Sang hôm sau, tôi sẽ chia cho các con và gửi biếu gia đình bạn bè thân thiết”, ông Việt chia sẻ.

Gia đình ông Đặng Minh Đức (ở phường 10, TP. Vũng Tàu), quê gốc ở TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cũng có 30 năm gìn giữ truyền thống gói bánh chưng ngày Tết. Gia đình ông thường gói bánh chưng có vị ngọt. Mỗi chiếc bánh được gói với 1 chén nếp cái hoa vàng, đậu xanh đã nấu chín, 1 miếng thịt ba rọi. Tất cả đều được nêm đường cát trong lúc gói, chứ không trộn trước. Bánh được nấu bằng than củi khoảng 8 tiếng. Sau khi vớt ra, để bánh giữ màu xanh, ông thường trụng bánh qua nước lạnh, rồi dùng khuôn gói ép từng chiếc cho bánh giữ hình vuông, không bị nhão. Sau đó, bánh được xếp từng chiếc ra bàn lớn cho nhanh nguội. 

Một số gia đình còn biến tấu cách gói bánh chưng khi dùng lá chuối làm lớp ngoài cùng (lớp bên trong vẫn gói bằng lá dong) cố định bằng ghim tăm tre thay lạt, để bánh vuông vắn, bắt mắt hơn. Có gia đình thì biến tấu nhân bánh chưng với thịt nạc thay vì thịt ba rọi theo cổ truyền. Dù có ít nhiều thay đổi theo văn hóa vùng miền, nét ẩm thực của từng gia đình, song chiếc bánh chưng vẫn giữ nguyên những nguyên liệu truyền thống: lá dong, nếp, đậu xanh, thịt heo, hành... là những thành phần chính và là phần “hồn” của chiếc bánh tượng trưng cho “Đất”, nguồn sản sinh và nuôi dưỡng sự sống. 

Ngày nay, những gia đình ít người hoặc không có điều kiện tự gói bánh thường chọn mua tại các cửa hàng, siêu thị hoặc đặt các mối quen. Tuy nhiên, khi chọn mua bánh, các gia đình cần lưu ý đến vấn đề VSATTP để có chiếc bánh thơm, ngon trọn vẹn. Cục ATTP, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm mua ở các địa chỉ uy tín; đặt mua bánh sớm và chú ý thời gian nhận hàng để bảo đảm chất lượng. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.