Những địa chỉ văn hóa, tâm linh ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Độc đáo chùa "Phật nằm"

Thứ Hai, 23/12/2019, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Niết Bàn tịnh xá còn có tên gọi khác là chùa Phật nằm có ý nghĩa là nơi thanh cao nhất của đạo Phật, tọa lạc ở sườn Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu. Là một công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ, bao gồm nhiều phần, nhiều cấp, trên khuôn viên rộng hơn 1ha, Niết Bàn tịnh xá được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu.

Một góc Niết Bàn tịnh xá.
Một góc Niết Bàn tịnh xá.

Niết Bàn tịnh xá được xây dựng từ năm 1969 đến năm 1974, do Thượng tọa Thích Thiện Huệ chủ trì việc xây dựng. Chi phí xây dựng chùa đều là công đóng góp của các tăng ni, phật tử. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách đến thăm viếng.

Trước cổng chính của ngôi chùa có tấm đại tự ghi bốn chữ: “Niết Bàn Tịnh Xá”, nghĩa là nơi thanh cao nhất của đạo Phật. Hai bên là hai câu đối “Niết bàn thị hiện, độ chúng niệm Phật, tâm thông, chân giải thoát”, “Tịnh xá quang vinh, vô lậu giác ngộ chánh pháp hiển Như Lai”. Phía bên phải có một bức phù điêu cao 4m, rộng 2m, chạm hình long mã, đầu rồng, ngựa phi trên sóng nước. Phù điêu ốp sứ men trắng vẽ lam, sắc hoa văn tươi tắn, sống động. Phía trong cổng là 2 pho tượng ông Thiện, ông Ác, cao lớn uy nghiêm. Ngay gần đó là một chiếc lư đồng có hình tượng Tứ linh, chạm bốn con vật: Long, Lân, Quy, Phụng. Chiếc lư đồng này đặc biệt ở chỗ nó được một nghệ nhân ở Bến Tre dày công lao động trong 2 năm để gửi tặng nhà chùa vào năm 1971. Hai bên lư đồng là 2 tòa tháp cao 5m, tháp bên phải đặt tượng Phật Dược Sư, tháp bên trái đặt tượng Phật A Di Đà.

Trước chính điện là một tòa tháp cao 21m, có 42 bậc, tượng trưng cho 42 trang kinh Phật đầu tiên được lưu truyền vào Việt Nam ở thế kỷ thứ II sau công nguyên. Tòa tháp đúc bê tông, xung quanh ốp gạch men màu vàng đỏ, trên có ba nhánh búp sen tỏa đều ra ba hướng, vô cùng độc đáo.

Bước vào chùa, du khách sẽ tận hưởng một không gian thanh bình và yên tĩnh với vườn hoa sala theo cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn. Chánh điện đặt bức tượng “Phật nằm” dài 12m, tượng trưng cho “Thập nhị nhân duyên” (12 nhân duyên), cao 2,5m, tạo điểm nhấn độc đáo cho ngôi chùa. Mặt ngoài của bệ thờ có bức phù điêu miêu tả các đồ đệ của Đức Phật Thích Ca Mâu ni đang chứng kiến cảnh ngài nhập Niết Bàn.

Phía sau chính điện là nơi đặt bàn thờ Đức Phật Thích Ca Mâu ni và các vị sư tổ đã có công truyền bá đạo Phật. Sau bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu ni có treo một bức tranh vẽ hình Đạt Ma Sư Tổ, vị cao tăng đầu tiên truyền bá giáo lý nhà Phật vào Việt Nam. Gần đó là pho tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, biểu tượng cho sự thông tuệ siêu phàm của nhà Phật.

Phía hậu điện, chùa dùng làm nơi thờ Phật Thích Ca và các vị tổ có công truyền bá đạo Phật. Qua chính điện lên tầng 2 có trưng bày chiếc thuyền rồng Bát Nhã, dài 12m, tượng trưng cho sự cứu rỗi chúng sinh thoát khỏi khổ ải, đưa họ đến chốn vĩnh cửu. Đi qua thuyền Bát Nhã, du khách đến với điện thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát với bức tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhân từ, độ thế. Trên tay Bồ Tát là bình nước cam lộ đang được đổ xuống trần gian để chữa bệnh cho chúng sinh và làm trong sạch cõi trần.

Khoảng sân lầu 3 của Niết Bàn tịnh xá còn có một lầu chuông, thiết kế vuông vắn, đỉnh đắp nổi hình rồng, trong đó đặt một quả đại hồng chung cao 2,8m, nặng 3,5 tấn. Điểm độc đáo nữa của ngôi chùa là 34 bức tranh được treo trong phòng trai đường của chư tăng, diễn tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu ni từ khi sinh ra đến khi ngài nhập Niết Bàn, cảnh cuối cùng là các đệ tử chia nhau Xá lợi khi ngài về miền cực lạc.

Niết Bàn tịnh xá là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, hòa quyện với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng của Núi Nhỏ, bên cạnh Bãi Dứa. Vào các ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày rằm, lễ, Tết, du khách đến Niết Bàn tịnh xá thăm viếng, vãn cảnh, chiêm bái rất đông.

TRẦN QUANG VINH

 
;
.