NHÂN THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS (10/11-10/12)

Đẩy mạnh dự phòng lây nhiễm HIV sớm và chủ động

Chủ Nhật, 01/12/2019, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, BR-VT phấn đấu với mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV điều trị ARV và 95% người được điều trị ARV có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế. Để đạt được yêu cầu này cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là đẩy mạnh dự phòng lây nhiễm HIV sớm và chủ động.

Bệnh nhân HIV/AIDS làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại BV Bà Rịa.
Bệnh nhân HIV/AIDS làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại BV Bà Rịa.

Trong những năm qua, nhờ việc đa dạng các hoạt động tiếp cận, can thiệp cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, tăng cường mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS, mà ngày càng nhiều bệnh nhân HIV được phát hiện và điều trị sớm. Chị M.P ở huyện Long Điền là một trong số đó. Chị phát hiện mình bị nhiễm HIV từ năm 2011; sau đó thông qua chương trình tư vấn điều trị HIV/AIDS của BV Bà Rịa, chị đã tham gia điều trị bằng thuốc ARV tại đây. Từ đó cho đến nay, đều đặn mỗi tháng, chị đến BV Bà Rịa để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, làm những xét nghiệm liên quan và nhận thuốc. Năm 2017, được tư vấn về điều trị HIV thông qua Quỹ BHYT chi trả, chị đã tham gia mua BHYT để được tiếp tục điều trị ARV miễn phí. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, sức khỏe chị dần ổn định và không bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Tương tự, anh L.T, 22 tuổi, cũng sống tại huyện Long Điền là một người đồng tính nam. Trước đây, anh lầm tưởng rằng quan hệ tình dục đồng tính không thể lây nhiễm HIV như với nữ. Vì vậy, anh không nghĩ mình có thể bị nhiễm HIV, dù anh đã nhiều lần quan hệ tình dục không an toàn với người đồng tính. Sau thời gian được tiếp cận viên cộng đồng của các nhóm đồng đẳng tư vấn, vận động, anh đã thực hiện xét nghiệm HIV/AIDS và có kết quả dương tính. Anh được giới thiệu và đã tham gia điều trị ARV tại BV Bà Rịa.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh có gần 3.000 người nhiễm HIV còn sống. Riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện thêm 192 trường hợp nhiễm HIV mới. Số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV là 2.093 trường hợp. Theo đánh giá của các cơ sở y tế, đa số bệnh nhân đều tuân thủ yêu cầu điều trị và có cải thiện sức khỏe rõ rệt.

Bên cạnh đó, những hoạt động can thiệp, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, hoạt động tiếp cận và cung cấp bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy; cung cấp bao cao su cho phụ nữ bán dâm; cung cấp bao cao su, chất bôi trơn cho đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới, đã được duy trì với tỷ lệ cao. Các hoạt động giám sát, hỗ trợ, đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS tại 8/8 huyện, thị, thành phố được duy trì ổn định.

Nhận định về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống HIV/AIDS, song tính bền vững chưa cao do HIV/AIDS tại tỉnh đang trong tình trạng thay đổi từ nguyên nhân chính là lây truyền do tiêm chích sang lây truyền HIV qua đường tình dục, đặc biệt là đối tượng đồng tính. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ vẫn còn cao, làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận các dịch vụ cho người nhiễm HIV.

Nhằm tiếp tục đạt những mục tiêu đề ra trong công tác phòng chống HIV/AIDS, trong Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 (từ ngày 10/11 đến 10/12) với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương tập trung triển khai các hoạt động: Tuyên truyền, vận động cộng đồng quan tâm và tích cực tham gia các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV sớm và chủ động; vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong KCB; cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, đẩy mạnh việc tổ chức giới thiệu, quảng bá rộng rãi lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng; các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là bệnh nhân HIV/AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Đồng thời, tổ chức vận động các DN tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho người lao động đang làm việc tại các DN; vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT và tổ chức thăm hỏi bệnh nhân tại địa phương…

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.