Đột tử do tập luyện, vận động quá sức

Thứ Bảy, 14/12/2019, 07:58 [GMT+7]
In bài này
.

Cái chết của ngôi sao trẻ Đài Loan Cao Dĩ Tường kéo dài thêm danh sách những người tử vong do tập luyện, vận động quá giới hạn của bản thân dù trước đó khỏe mạnh, không có biểu hiện đáng ngờ.

Việc không biết được giới hạn của bản thân trong tập luyện, vận động sẽ rất nguy hiểm. Trong ảnh: Cao đến 1,95m và thường tham gia các hoạt động thể thao, Cao Dĩ Tường là một trong những nam nghệ sĩ được đánh giá là có sức khỏe tốt nhất showbiz Hoa ngữ.
Việc không biết được giới hạn của bản thân trong tập luyện, vận động sẽ rất nguy hiểm. Trong ảnh: Cao đến 1,95m và thường tham gia các hoạt động thể thao, Cao Dĩ Tường là một trong những nam nghệ sĩ được đánh giá là có sức khỏe tốt nhất showbiz Hoa ngữ.

Đột tử khi đang chạy để ghi hình

Ngày 27/11, tài tử mới 35 tuổi Cao Dĩ Tường bất ngờ ngất xỉu rồi đột tử khi đang ghi hình cho chương trình truyền hình thực tế “Đuổi theo tôi đi” của đài Chiết Giang - Trung Quốc. Chương trình đã diễn ra liên tục từ 20h30 ngày 26/11 tới rạng sáng 27/11. Anh ngất khi đang chạy, qua đời sau 3 giờ cấp cứu trong bệnh viện.

Sự kiện này đã gây sốc, bàng hoàng cho đồng nghiệp, người hâm mộ và cộng đồng mạng ở các nước châu Á vì anh là diễn viên, người mẫu nhiều lần vào danh sách sao đẹp nhất thế giới và theo quản lý của nam diễn viên, anh không có vấn đề về tim mạch, chỉ bị cảm nhẹ khi ghi hình.

“Đuổi theo tôi đi” chủ yếu ghi hình ban đêm, yêu cầu người chơi thể lực tốt, chạy nhanh, có những cảnh phải leo cao gần 100m và đu dây xuống. Nguồn tin tại hiện trường cho biết trước khi ngã xuống, ngôi sao này đã nói: “Tôi hết sức rồi”. Bác sĩ thực hiện hồi sức tim phổi song anh vĩnh viễn không tỉnh lại nữa.

Chuyện không còn lạ

Trong những năm vừa qua, các tai biến xảy ra trong lúc vận động cũng thường xảy ra, đáng tiếc nhất là những trường hợp đột tử mà trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện đáng ngờ như trường hợp của Cao Dĩ Tường.

Tại Việt Nam trong năm nay, đã có trường hợp một nam thanh niên trẻ, 24 tuổi, quê Bình Thuận bất ngờ đột tử khi đang chạy trong một cuộc đua marathon tại TP.HCM dù không hề có tiền sử về tim mạch. Trước đó 1 năm, anh từng nằm trong top 90 người hoàn thành marathon cự ly 42km trong thời gian sớm nhất. Ekip điều trị đã tiến hành hồi sức cấp cứu tại hiện trường, ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch hồi sức cho tim rồi chuyển bệnh nhân về bệnh viện cấp cứu nhưng đành bất lực. Theo chuyên gia y tế, nguyên nhân tử vong có khả năng do vận động viên trên hoạt động quá sức chịu đựng của tim, dẫn đến trụy tim.

Tương tự, ngày 21/4/2019, khi đang đá banh, một bác sĩ trẻ ở Hà Nội bỗng ngã xuống rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn và tử vong, kết quả chụp X-quang thấy xuất huyết dưới nhện.

Đột tử trong thể thao cũng thường xảy ra ở những môn đòi hỏi cường độ vận động gắng sức cao như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, chạy marathon. Theo các chuyên gia y tế, những trường hợp này có liên quan bất thường tiềm ẩn của hệ tim mạch nhưng bất thường ít bộc lộ hoặc không được phát hiện trước đó, khi gặp yếu tố gắng sức hay chấn thương trực tiếp sẽ gây ra những bệnh lý tim mạch cấp tính, gây tử vong ngay lập tức.

Hãy biết giới hạn của sức khỏe trước khi vận động

Theo PGS.TS. BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, việc không biết được giới hạn của bản thân trong tập luyện, vận động sẽ rất nguy hiểm.

Thời gian qua, khi đo gắng sức tim mạch - hô hấp bằng cách cho bệnh nhân đạp xe đạp hoặc chạy trên thảm lăn tại Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM), các bác sĩ đã phát hiện không ít bệnh nhân trẻ tuổi có triệu chứng của một số bệnh lý như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, lên cơn suyễn hoặc đóng dây thanh âm dù trước đó họ không có biểu hiện bệnh.

Nếu những người này vẫn tiếp tục tập luyện theo ý muốn mà không biết mình đã tới ngưỡng của huyết áp sẽ gây ra đứt mạch máu não, còn khi đã xuất hiện loạn nhịp, nhồi máu cơ tim mà vẫn tập luyện tiếp sẽ gây ra đột tử.

Điều nguy hiểm là những người này lúc bình thường vẫn thấy rất khỏe nên thường chủ quan khi vận động mạnh. PGS.TS. BS Lê Thị Tuyết Lan khuyên, mỗi người cần phải biết rõ giới hạn bản thân của mình để có chế độ vận động hợp lý.

Người cần vận động mạnh có thể đi đến cơ sở y tế để làm nghiệm pháp gắng sức tim mạch-hô hấp. Người cần vận động sẽ được đánh giá đồng thời hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ và chuyển hóa từ lúc nghỉ ngơi, bắt đầu vận động nhẹ tới vận động cường độ cao. Qua đó có thể phát hiện nhiều bệnh lý không hiện diện lúc nghỉ, nhưng sẽ xuất hiện trong lúc gắng sức như: huyết áp tăng giảm bất thường, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh...

Thông qua nghiệm pháp này, các bác sĩ sẽ phân loại sức khỏe của người đến khám thành nhiều nhóm, từ nhóm rất yếu đến nhóm rất mạnh. Bạn sẽ biết được tình trạng sức khỏe thể chất hiện tại của mình, giới hạn tập luyện. Từ đó có chế độ tập luyện và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

ANH LÂM

;
.