Tôn trọng nội tâm của "một nửa"

Thứ Sáu, 08/11/2019, 07:31 [GMT+7]
In bài này
.

Tâm lý con người đôi lúc kỳ cục lắm. Khó có thể lý giải một cách rạch ròi, cân đong đo đếm một cách khoa học. Không phải dù đã lập gia đình nhưng họ vẫn cứ tơ tưởng bóng hồng “ngoài luồng” kiểu như: “Non non, nước nước, tình tình/Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ”. Nói như thế, vì nhu cầu về tình cảm của con người ta có muôn sắc màu.  

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Mà dù sắc màu gì đi nữa, thì người trong cuộc cần bình tĩnh phán xét, chứ đừng vội vàng “nâng quan điểm” cho rằng người này phản bội người kia. Có thể, vào một ngày đẹp trời thay vì ở nhà hú hí với vợ con, họ lại thích tếch xuống phố cà kê dê ngỗng với cô nàng mới quen. Cô nàng này chưa chắc đã hơn gì vợ mình, nhưng có thể do tính nết, nhan sắc ngồ ngộ, giọng nói hay hay, tiếng cười mơn trớn nên thúc giục họ phải tìm gặp cho bằng được. Gặp gỡ, cũng chỉ dăm ba câu chuyện trên trời dưới biển, trăng mây tuyết nguyệt, vô thưởng vô phạt rồi… về.

Nghĩ cho cùng, các tình huống này cũng “bình thường thôi”. Chẳng có gì phải ầm ĩ cả. Mọi chuyện chỉ trở nên ầm ĩ, nếu mối quan hệ này không dừng lại đó mà ngày càng có nguy cơ đi xa hơn. Vậy thì, giới hạn của sự việc đến đâu là do cả hai quyết định và điều chỉnh.

Lại nữa, mỗi con người luôn có nhiều mối quan hệ khác nhau. Có thể là mối tình thời đi học, không đến với nhau được, rồi đường ai nấy đi nhưng khi tình cờ gặp lại có thể tránh được cảm xúc cũ bồi hồi dậy sóng? Một câu chào hỏi, một cuộc hẹn hò ở quán cũ của ngày xưa thân ái có thể diễn ra lắm chứ? Giây phút này có thể chấp nhận được không? Được quá đi chứ, nếu người đàn ông chỉ dừng lại đó chứ không dại dột “đứng núi này trông núi nọ”, quên béng đi “hậu phương vững chắc” đã tạo dựng từ bấy lâu nay. Vậy, vấn đề đặt ra vẫn chính là thái độ và ý thức của người trong cuộc.

Đừng bao giờ nghĩ rằng, khi đã là vợ chồng thì người này hoàn toàn thuộc về người kia. Suy nghĩ như thế là máy móc, không phù hợp với chuyển biến tâm lý của con người nói chung. Mỗi con người, dù nam hay nữ thì cũng có những góc khuất riêng mà ngay cả người đầu ấp tay gối, có với nhau vài mặt con cũng không thể chạm đến sự sâu kín ấy. Khó biết lắm.

Thậm chí, ngay cả khi chung sống với nhau, con người còn có những nhu cầu khác. Ừ, ắt có người phùng mang trợn mắt cãi lại cho bằng được. Cãi rằng, “lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy”, ban đầu có thể chỉ là những tình cảm bạn bè, đồng nghiệp nhưng biết đâu họ sẽ “được đàng chân lân đàng đầu” thì sao? Đáng lo quá. Phải tìm cách ngăn chặn, cấm đoán ngay thôi.

Suy nghĩ này chỉ có thể của người yếu bóng vía, thiếu bản lĩnh và điều quan trọng là không tin vào người bạn đời của mình. Đã yêu thì tin. Tin chắc rằng, dù chàng/nàng của mình thật sự có nhu cầu đó. Trong trường hợp này, cách tốt nhất vẫn hãy đặt câu hỏi, vì sao có những chuyện mà chàng/nàng lại chia sẻ với người khác? Khiếm khuyết ấy là do chính mình, chứ đừng đổ lỗi hoặc trách móc, dằn vặt người kia.

Vì thế, khi đứng trước bất kỳ một tình huống nào, nếu thấy có “nguy cơ” đụng chạm đến “chủ quyền”, có lẽ khôn ngoan nhất là người đàn ông/phụ nữ đó phải tự hỏi chính mình, chứ không phải đổ lỗi cho người kia. Mà nhu cầu đó là lẽ tự nhiên, không thể dùng biện pháp hành chính để cấm đoán. Nếu muốn là cả một nghệ thuật khôn khéo, không thể chụp mũ, bắt nọn, nghi ngờ theo “chặt to kho mặn”.

Đã đến lúc cần thay đổi suy nghĩ, hôn nhân lứa đôi không phải kết thúc các mối quan hệ. Thế giới nội tâm của con người ta thiên hình vạn trạng. Làm sao có thể cấm đoán một người đã có vợ/chồng không được quyền si mê một giọng ca hay? Không được tơ tưởng một gương mặt kiều diễm dẫu chỉ gặp thoáng qua? Không được có những lúc thư giãn với người bạn khác giới để chia sẻ một sở thích nào đó? Những tình cảm, cảm xúc ấy chỉ giúp đời sống tình cảm con người ta phong phú hơn thêm. Ta biết rằng, quá khứ hoặc sở thích riêng của họ cũng là một thứ năng lượng. Người có bản lĩnh là ở chỗ không thô bạo can thiệp sâu mà biết cách “quản lý” từ xa một cách khôn khéo. Được tôn trọng, được tin cậy thì chẳng ai dám vượt ra ngoài sự quy ước chung.

Vấn đề đặt ra có lẽ cần thiết nhất vẫn là sự tự điều chỉnh hành vi của mình khi đón nhận tình cảm, cảm xúc ấy. Bởi lẽ, dù có bất kỳ nhu cầu, nỗi niềm riêng gì nữa thì đừng quên rằng bên cạnh mình còn có một người khác nữa. Người đó luôn đóng một vai trò thiết thực nhất trong cuộc đời mình.

LÊ MINH QUỐC

;
.