Thống binh Hồ Văn Quý - Người góp công mở làng ở Xuyên Mộc

Thứ Sáu, 22/11/2019, 21:17 [GMT+7]
In bài này
.

Từ Bà Rịa, đi trên Quốc lộ 55, hướng về huyện Xuyên Mộc, qua cầu sông Ray, nhìn về bên phải là ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Nơi đây là vùng đất cổ, còn lại dấu tích Núi Kho, một địa danh xưa gắn liền với Thống binh Hồ Văn Quý (tên gọi khác là Hồ Quý Thống).

Đình Xuyên Mộc thờ Thống binh Hồ Văn Quý được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đình Xuyên Mộc thờ Thống binh Hồ Văn Quý được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Thống binh Hồ Văn Quý được tôn làm Thành hoàng và được thờ cúng tại các ngôi đình thần Long Tân, đình thần Thạnh Mỹ (huyện Đất Đỏ); Phước Bửu, Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc)… Hiện nay, vào ngày 17/3 âm lịch hàng năm, tại Đình thần Xuyên Mộc, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội cúng kỳ yên truyền thống, tưởng nhớ, tri ân thống binh Hồ Văn Quý - người có công lao khai phá vùng đất này.

Vùng đất Xuyên Mộc vào năm 1788, thuộc đạo Nục Giang, huyện Phước An, dinh Trấn Biên, với những địa danh lâu đời gắn liền với tên đất tên người như: Long Xương, Nhu Lâm, Thừa Tích, Xuyên Mộc, Phước Bửu, Thuận Biên… Vào cuối thế kỷ XIX, Xuyên Mộc vẫn còn là vùng rừng hoang vu, dân cư thưa thớt. Trong “Đại Nam nhất thống chí”, sử quán triều Nguyễn có ghi chép nguồn gốc của Núi Kho, nay thuộc địa phận ấp Gò Cát, xã Phước Thuận như sau: “Núi Kho nằm cách huyện Phước An, dinh Trấn Biên, 27 dặm về phía Đông Bắc, nằm ngang đường cái (tức đường thiên lý), trông xuống sông Xích Lam (sông Ray ngày nay) cây cối um tùm, chu vi 2 dặm. Thời trung hưng (chúa Nguyễn Ánh), Thống binh Hồ Văn Quý mộ người lập ra 3 đội Bình Lâm, Tân Bình và Du Sơn đóng trại ở đây và dựng kho chứa gạo, nền cũ vẫn còn”.

Như vậy, địa danh Núi Kho của Xuyên Mộc gắn liền với việc mộ binh lập ra 3 đội quân dưới sự chỉ huy của Thống binh Hồ Văn Quý. Sau này, trước khi ông mất, quyền tập chức giao cho con trai là Hồ Văn Hiên. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, sử quán triều Nguyễn, trong mục Đền, miếu có ghi rất rõ về Hồ Văn Hiên như sau: “Đền Hiên Ngọc Hầu, ở thôn Phước Bửu, huyện Phước An (nay là đình thần Phước Bửu, thuộc thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) thờ thống binh Hồ Văn Hiên, là con tập chức Hồ Văn Quý, là thống binh đầu đời trung hưng. Hiên đóng quân ở đạo Nục Giang, sau chết ở đầu sở, tỏ dấu anh linh. Dân địa phương có cầu đảo liền ứng, năm Minh Mạng thứ 1919 (1838) án sát Biên Hòa là Phạm Duy Trinh huy động 500 dân binh đào vét sông Xích Lam (sông Ray) đêm nằm mộng thấy hiện về nên cho lập đền thờ tại thôn Phước Bửu (Xuyên  Mộc)…”. Qua các đợt khảo sát tại đình thần Thạnh Mỹ, đình thần Long Tân (huyện Đất Đỏ), đình thần Phước Bửu, đình thần xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) được biết, cả 4 ngôi đình trên đều thờ thống binh Hồ Văn Quý và được dân làng tôn làm Thành hoàng, hàng năm được người dân tổ chức lễ cúng truyền thống. Đình thần Xuyên Mộc xây dựng vào năm 1893, đến nay trải qua nhiều lần di dời, trùng tu, sửa chữa. Kiến trúc đình gồm hai lớp nhà, tòa tiền tế và chánh điện, mới được trùng tu tôn tạo, xây bằng gạch, xi măng, mái lợp ngói. Tòa chánh điện chính giữa thờ có chữ Thần (Hán) màu vàng, trên nền sơn màu đỏ. Chữ Thần này tượng trưng cho thần Thành hoàng - tức Hồ Văn Quý, là vị thần tối cao phù trợ cho dân làng. Hai bên là bàn thờ Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị là những vị thần thân cận giúp việc cho Thần Thành…

Vùng đất Xuyên Mộc trước đây phần lớn là rừng hoang vu, được lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung (Ngũ - Quảng, Phú Yên, Bình Định) vào khai phá, lập nghiệp. Các vùng ven biển: Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu… là những điểm dừng chân đầu tiên của người Việt. Sự có mặt của thống binh Hồ Văn Quý, Hồ Văn Hiên trong thời trung hưng chúa Nguyễn Ánh, đến vùng đất Xuyên Mộc để chiêu mộ binh lính, thành lập ra 3 đội quân Bình Lâm, Tân Bình và Du Sơn, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những người lính này ở lại lấy vợ, lập gia đình và cùng dân làng tiếp tục công cuộc khai phá mở đất, lập làng để có được xóm làng sầm uất đông vui tại khu vực Xuyên Mộc ngày nay.

  NGUYỄN TÂM

;
.