Biết tôn trọng để kết nối

Thứ Sáu, 11/10/2019, 06:31 [GMT+7]
In bài này
.

Sống trên đời ai cũng mong muốn có được thành công. Đó là mục tiêu, là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần có nhiều yếu tố để có được thành công; nếu bạn muốn thành công trong công việc, trong học tập và trong cuộc sống – đặc biệt trong thời đại của sự “kết nối” này - thì bạn cần một điều rất quan trọng, đó là: biết tôn trọng người khác.

Nhà văn Tuốc-ghê-nhép (Nga) có kể câu chuyện về ứng xử của một cậu bé khi gặp một cụ già ăn xin đáng thương. Cậu bé nghĩ rằng mình còn tiền, cậu lục hết túi quần túi áo nhưng chẳng may lại không còn đồng tiền nào cả. Cậu xấu hổ, bối rối nói lời xin lỗi ông lão. Ông lão hiểu sự bối rối chân thành ấy, và nói: “Cháu ơi, cảm ơn cháu. Như vậy là cháu đã cho lão rồi đấy!”. Và, bản thân cậu bé cũng ngay lập tức nhận thấy rằng mình vừa nhận được một điều gì đó thật quý giá từ ông lão. Đó không phải là lòng thương, càng không phải là sự ban ơn, mà là sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia trên tinh thần tôn trọng. Ông lão nhìn thấy ở cậu bé vẻ đẹp quý giá toát lên qua ứng xử thành tâm của cậu. Cậu bé lại nhận được ở ông lão lời cảm ơn bất ngờ xuất phát từ trái tim vô cùng bao dung, nhân hậu.

Biết tôn trọng người khác cũng giống như biết bắc nhịp cầu kết nối để nhận về những niềm vui trong cuộc sống. Trong quan hệ bạn bè, khi biết thông cảm hoàn cảnh của nhau, biết tôn trọng tính cách, khả năng, phẩm chất của nhau thì mới có thể chân thành chia sẻ, thấu hiểu và thân thiết với nhau; và nhờ thế mà tình bạn trở nên bền vững. Trong gia đình, nếu con cái biết tôn trọng bố mẹ, ông bà cùng những người lớn tuổi thì sẽ biết ứng xử lễ phép, lịch sự, nề nếp. Nếu bố mẹ tôn trọng con cái thì sẽ biết tạo điều kiện cho con cái chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn nhận về mọi việc với bản thân mình; biết lắng nghe ý kiến của con để sẵn sàng điều chỉnh lời nói, việc làm, quan điểm giáo dục con cho phù hợp. Nhờ sự tôn trọng và thấu hiểu nhau, tình cảm gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ được gần gũi hơn, gắn bó hơn. Trong học tập ở trường, sự tôn trọng của HS đối với thầy cô thể hiện ở sự vâng lời, sự lễ phép, tinh thần tự giác thực hiện tốt nề nếp học tập và rèn luyện. Ngược lại, sự tôn trọng từ phía thầy cô dành cho HS là sự quan tâm, sự kiên nhẫn lắng nghe những ý kiến phản hồi – dù nhiều khi có những ý kiến chưa được chín chắn, thậm chí là ý kiến trái chiều. Ở góc độ quản lý, sự tôn trọng nhau càng làm cho mối quan hệ “trên – dưới” trở nên gần gũi hơn, là sợi dây bền chặt hướng xã hội phát triển tốt hơn. Muốn biết tác hại của việc thiếu tôn trọng người khác, bạn hãy xuất phát từ… chính mình. Chính mình biết tôn trọng mình. Và quan trọng hơn, chính mình phải biết cảm giác khi không được tôn trọng. Chắc các bạn còn nhớ cảm giác ấm ức không biết chia sẻ với ai khi bạn muốn đề xuất một nguyện vọng khác với định hướng của bố mẹ nhưng lại nhận được câu gắt: “Im ngay! Trẻ con biết gì!!!”. Chắc bạn từng trải qua cảm giác hoang mang khi bạn xung phong đứng dậy trả lời câu hỏi trong giờ học, bạn trả lời có thể đúng hoặc không, nhưng nhận lấy từ bạn bè thái độ dè bỉu, kiểu “lại thích thể hiện”. Ấm ức, hoang mang,… những cảm giác ấy chính là cảm giác bị tổn thương khi không được tôn trọng.

Có lẽ những câu hỏi: “Làm sao để biết tôn trọng người khác? Làm sao để mọi người đều biết tôn trọng nhau?” mỗi người đều đã có câu trả lời. Trong sách giáo khoa môn giáo dục công dân lớp 8 đang được giảng dạy trong nhà trường phổ thông có đặt vấn đề: Muốn người khác tôn trọng mình thì mình phải biết tôn trọng người khác; tôn trọng người khác là tự tôn trọng mình. Đúng vậy, tôn trọng người khác là như sự đánh giá đúng mức, coi trọng danh dự, phẩm giá của người khác chứ không phải hạ thấp mình. Có tôn trọng người khác thì mới nhận được sự tôn trọng của người khác đối với mình. Tôn trọng người khác là thể hiện lối sống có văn hóa của mỗi người.

ĐỨC MINH

 
;
.