Văn hóa giao thông với bình yên sông nước

Chủ Nhật, 04/08/2019, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 7 vừa qua, Ban An toàn giao thông tỉnh ra mắt mô hình thí điểm “Cảng dịch vụ Sao Mai an toàn, văn minh”. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, nhằm hướng đến mục tiêu hình thành văn hóa giao thông, bảo đảm ATGT trên các tuyến, luồng, bến bãi.

Báo cáo của Sở GTVT cho biết, trên địa bàn tỉnh có 21 luồng, sông rạch với 110km đường thủy nội địa (ĐTNĐ), kết nối với các tỉnh trong khu vực và cả nước; hơn 60 cảng, bến thủy nội địa và gần 2 ngàn phương tiện ĐTNĐ đang hoạt động cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, ĐTNĐ tại tỉnh BR-VT vẫn còn tồn tại tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mất an toàn cảng bến và các hành vi vi phạm khác trên đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão.

Tàu của Công ty TNHH Hoàng Nguyên, một đối tác của Cảng tàu dịch vụ Sao Mai đang vận chuyển hàng hóa và các chuyên gia qua cảng của dự án hóa dầu Long Sơn.
Tàu của Công ty TNHH Hoàng Nguyên, một đối tác của Cảng tàu dịch vụ Sao Mai đang vận chuyển hàng hóa và các chuyên gia qua cảng của dự án hóa dầu Long Sơn.

Nhằm phòng ngừa TNGT đường thủy, thời gian qua, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh chương trình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” bằng các hình thức cụ thể như: Tổ chức hơn 500 lượt tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT trong lĩnh vực ĐTNĐ; phát hơn 300 tờ rơi cho thuyền trưởng, thuyền viên, ngư dân có phương tiện hoạt động trên các tuyến ĐTNĐ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự ATGT trên các tuyến ĐTNĐ tương đối ổn định, không xảy ra tai nạn trên các vùng nước. Lực lượng CSGT cũng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 46 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự ATGT trên các tuyến ĐTNĐ, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, với mục đích phòng ngừa TNGT đường thủy, tháng 4/2019, Ban ATGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-ATGT về xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” năm 2019. Theo đó, Cảng tàu dịch vụ Sao Mai (phường 5, TP.Vũng Tàu) được lựa chọn là cảng đầu tiên của tỉnh tham gia thí điểm xây dựng mô hình “Cảng tàu Dịch vụ Sao Mai an toàn, văn minh”. Thượng tá Trần Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban chỉ đạo cuộc vận động “Xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước” cho biết: Cảng tàu dịch vụ Sao Mai được lựa chọn làm thí điểm vì đây là bến tàu khá phức tạp, tập trung hàng trăm đò máy, đò chèo, ghe, tàu trung chuyển hàng hóa. Nơi đây cũng có một số công trình nổi lấn chiếm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy. Tại khu vực này còn có một bến đò tự phát với hàng chục phương tiện loại nhỏ chuyên vận chuyển người, hàng hóa ra ghe, tàu đang neo đậu ngoài biển, cửa biển. Do đó, Ban chỉ đạo kỳ vọng, nếu triển khai thành công mô hình “Bến tàu văn hóa, văn minh, an toàn” ở một khu vực phức tạp như Bến tàu dịch vụ Sao Mai, sẽ là cơ sở để có thể nhân rộng mô hình ở các khu vực khác.

Ông Trần Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sao Mai cho biết: Khi tham gia chương trình, Ban lãnh đạo Cảng tàu dịch vụ Sao Mai đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, người tham gia giao thông nêu cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật giao thông ĐTNĐ, như: sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi tàu thuyền, cách cứu hộ đuối nước. Nhờ vậy, tình hình trật tự ATGT tại địa bàn khu vực quanh cảng tương đối ổn định, không xảy ra tai nạn nào.

Cảng tàu dịch vụ Sao Mai được đầu tư nâng cấp mở rộng năm 2017 và hoàn thành đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Đây là cảng dịch vụ kết hợp hàng hóa và hành khách. Cảng có chiều dài 80m, chiều rộng 10m có khả năng tiếp nhận phương tiện hàng hải có trọng tải tới 2.000 tấn, tàu khách có sức chứa 600 khách. Cảng được trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị, biển báo, bảo đảm cơ sở hạ tầng tốt nhất cũng như thực hiện tốt công tác an toàn, phòng cháy chữa cháy.

Ngoài khu vực Cảng tàu dịch vụ Sao Mai, ở TP.Vũng Tàu còn có 7 bến đò khách ngang sông tự phát đang hoạt động, gồm: 2 bến nằm trên sông Chà Và, 4 bến trên sông Rạng, 1 bến ở sông Dinh. Tại huyện Đất Đỏ có 1 bến đò tự phát, 1 bến có giấy phép hoạt động nhưng đã hết hạn (đều tại ấp An Hòa, xã Lộc An). Trên địa bàn huyện Tân Thành cũng có 3 bến tự phát từ nhiều năm nay, gồm: bến đò tại ấp Phước Long (xã Tân Hòa), bến đò trên sông Thị Vải (xã Tân Phước), bến đò tại cầu Rạch Ngã Tư (xã Tân Phước). Từ thành công mô hình cấp tỉnh thí điểm “Cảng tàu Dịch vụ Sao Mai an toàn, văn minh”, hiện một số địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” thuộc địa bàn quản lý như: Từ nay đến cuối năm 2019, Công an huyện Đất Đỏ sẽ chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Phước Hải và Công an xã Lộc An, TT. Phước Hải xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tại cảng cá Lộc An và các khu dân cư thuộc địa bàn TT. Phước Hải, xã Lộc An. Đồng thời, để mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tiếp tục được duy trì và đạt hiệu quả cao hơn, nhiều ý kiến cho rằng, Ban chỉ đạo cần nhân rộng và để các địa phương tham quan học hỏi, áp dụng vào công tác xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tại địa phương mình.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.