Tặng vật dụng cho người nghèo

Thứ Tư, 14/08/2019, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Có vật dụng gia đình dư, chị em phụ nữ tặng lại cho người nghèo hoặc người đang cần. Tinh thần tương thân tương ái đó được các cấp Hội LHPN TP.Vũng Tàu thể hiện qua mô hình “Chuyển giao, hỗ trợ phương tiện máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Huế (trái), Trưởng Chi hội 3, Hội LHPN phường Thắng Tam chuyển giao nồi cơm điện cho chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (72/67, Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu).
Bà Nguyễn Thị Huế (trái), Trưởng Chi hội 3, Hội LHPN phường Thắng Tam chuyển giao nồi cơm điện cho chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (72/67, Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu).

Gia đình chị Trịnh Thị Lan (người dân tộc Hoa, 49, Bến Nôm, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Chồng chị mất sớm, để lại gánh nặng kinh tế gia đình cho chị. Do không biết chữ nên chị Lan khó tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Hiện tại, chị đang làm tại một quán ăn, lương không đủ chèo chống cho cuộc sống của 3 mẹ con. Biết được hoàn cảnh khó khăn này, Hội LHPN phường Rạch Dừa đã vận động mạnh thường quân giúp đỡ tiền, gạo, quần áo, vật dụng cho gia đình chị. Trong căn nhà rộng hơn 20m2, những vật dụng như xe đạp, tivi, nồi cơm điện, quạt đều do hội viên Hội LHPN phường tặng lại. “Tôi rất biết ơn các mạnh thường quân và chị em trong Hội đã yêu thương, đùm bọc gia đình tôi. Nhờ vậy mà tôi bớt đi một phần chi phí cho cuộc sống”, chị Lan nói. 

Bà Lưu Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Rạch Dừa cho biết, chị Lan là một trong số nhiều chị em phụ nữ nghèo được nhận vật dụng gia đình từ  mô hình “Chuyển giao, hỗ trợ phương tiện máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình”. Thực hiện mô hình này, các chi, tổ của Hội đã tuyên truyền đến hội viên với ý nghĩa lan tỏa những tấm lòng tốt, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, khi có ý định thay đổi vật dụng gia đình hoặc có đồ dư, các chị em đều tặng lại những đồ dùng còn giá trị sử dụng cho người khác. Trung bình mỗi năm, có 50 vật dụng, 500 bộ quần áo, 300 bộ SGK… được tặng lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Hội LHPN phường Thắng Tam cũng là một trong những đơn vị làm tốt mô hình “Chuyển giao, hỗ trợ phương tiện máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình”. Để mô hình này hiệu quả, vai trò của các chi hội trưởng rất quan trọng trong việc vận động chị em hội viên cùng chung tay chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng Chi hội 3, Hội LHPN phường Thắng Tam gắn bó với công tác phụ nữ ở cơ sở 15 năm nay. Bà Huế cho biết, để người giúp thấy thoải mái vì đã làm được việc tốt, còn người nhận cũng không ái ngại, bà đến từng nhà, khéo léo, tế nhị nói chuyện và đặt vấn đề tặng lại đồ cũ còn giá trị cho người nghèo. “Trên địa bàn phường có nhiều người lao động nghèo và dân tạm cư đến ở trọ, làm thuê, làm mướn. Khi vận động, tôi trình bày hoàn cảnh của những người khó khăn nên họ sẵn sàng cho lại vật dụng dư. Nhiều người còn góp cả tiền mặt để cho những người bệnh hoạn, già yếu, tặng học bổng cho HS nghèo là con em hội viên chi hội. Hàng năm, trung bình có 40-45 người được nhận các vật dụng thiết thực như: Quạt điện, tivi, bàn, ghế, tủ, quần áo, nệm, rèm cửa…”, bà Huế cho biết.

Bà Huế dẫn chúng tôi đến gặp chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (72/67, Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu), là gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hai năm qua, chị nhận được nhiều vật dụng hữu ích phục vụ cho việc sinh hoạt gia đình từ mô hình: “Chuyển giao, hỗ trợ phương tiện máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình”. Chị Linh niềm nở giới thiệu: “Bộ ghế sofa, cái quạt, nồi cơm điện này tôi được các gia đình khác tặng lại đầu năm nay. Cũ người nhưng mới ta, các đồ dùng này còn sử dụng khá tốt. Ngoài ra, năm học vừa qua, con gái út còn được Hội LHPN phường tặng tặng 500 ngàn đồng tiền học bổng. Gia đình tôi rất vui và biết ơn vì sự giúp đỡ quý giá này”.

Theo bà Bùi Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Vũng Tàu, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ năm 2008, Hội đã triển khai mô hình “Chuyển giao, hỗ trợ phương tiện máy móc, thiết bị, vật dụng gia đình” nhằm tận dụng giá trị sử dụng của tài sản, vật dụng để giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình được thực hiện đều khắp đến 122 chi và 1.618 tổ phụ nữ trên toàn thành phố. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, các cấp Hội đã huy động được 3 xe máy, 79 xe đạp, 25 quạt máy, 1 máy may, 4 máy giặt, 18 tủ lạnh, 27 tủ, 19 bộ sofa, 23 bếp ga, 12 bộ máy vi tính, 30 tivi, 33 nồi cơm điện, 1 máy nước nóng, 33 bộ bàn ghế, 7.897 bộ quần áo, 1.246 bộ áo dài... tặng người nghèo. “Các cấp Hội LHPN trở thành “cầu nối” giữa người giúp và người nhận bằng việc làm đầu mối thu gom đồ vật cũ và chuyển giao tới những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã trở thành một phong trào lan tỏa gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần bồi đắp tư tưởng đạo đức của cán bộ, hội viên phụ nữ về tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, ý thức rèn luyện đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, bà Hạnh cho biết.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.