Gìn giữ giá trị gia đình từ việc thưa hỏi

Thứ Sáu, 09/08/2019, 08:37 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi rất ngạc nhiên khi có lần đến nhà bạn chơi, dù đã ngoài 20 tuổi nhưng về nhà là bạn cúi đầu chào người lớn. Khi thấy chúng tôi trố mắt, bạn nói nghiêm túc: “Không phải mình màu mè mà gia đình mình xưa vẫn thế. Nguyên tắc này được xây dựng, giữ vững cho đến ngày hôm nay”.

Nhìn thấy gia đình bạn như thế, rồi nhìn lại nhà mình, tôi thấy bản thân mình tệ nhiều thứ quá. Chỉ là phép tắc đơn thuần thôi nhưng tôi lại không thực hiện được. Thực sự thì lúc nhỏ, việc này hầu như thường trực với tôi. Cứ hễ đi đâu chơi, hay đi học là khoanh tay thưa từng người một. Lớn lên một chút, ở cái tuổi thiếu niên dở dở ương ương, tự nhiên tôi thấy nguyên tắc này “quê quá” nên tôi rút gọn khoanh tay thưa một lần: “Thưa cả nhà con đi học mới về”. Rồi khi đã là sinh viên, trưởng thành, tôi dần quên mất chuyện này. Mỗi lần về thăm nhà, dù không phải là đứa con hư hỏng, nhưng tôi lại chẳng thèm hỏi thăm ai, thưa gửi ai. Ba mẹ, ông bà góp ý nhiều lần nhưng tôi cứ nhớ rồi lại quên. Riết rồi mẹ bảo: “Chỉ việc nhắc con thưa hỏi mà cứ như nhắc tuồng. Đừng để người ngoài đánh giá con là người kém ngoan”. Tôi chống chế rằng đâu phải thưa, chào, hỏi là ngoan, là có giáo dục, là đạo đức. Mẹ tôi không đồng tình, lắc đầu nói: “Mọi việc trong cuộc sống này đều cần có nguyên tắc”. Cũng từ lần ghé thăm nhà bạn, bạn đã cho tôi thấy giá trị truyền thống là như thế nào nên tôi cố gò theo khuôn phép và bây giờ tôi đã quen với điều đó.

Trong những buổi họp mặt bạn bè, tôi cũng hay đề cập đến vấn đề này và lắc đầu than thở về giá trị truyền thống gia đình đang xuống cấp, khi mà học sinh bây giờ chẳng biết thưa, chào người lớn. Cứ bước ra khỏi nhà, hay đặt chân vào nhà là tung tăng tung tẩy, đắm mình trong niềm vui riêng mà quên mất ông bà, cha mẹ đang hiện diện trước mặt. Mặc dù môn đạo đức (tiểu học), Giáo dục công dân (THCS, THPT) đều không quên uốn nắn văn hóa này. Bạn bè tôi cho rằng, văn hóa thưa, chào lung lay, sắp mai một là do trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Tôi cho điều này là sai. Người phương Tây mặc dù sống rất thực tế, sòng phẳng, lý tính nhưng họ vẫn có giá trị truyền thống gia đình. Bằng chứng là trong phim ảnh, phóng sự, ngoài đời, cứ hễ gặp ba mẹ hay người lớn họ đều chào (hi, hello). Theo tôi, đây là lời một phần của lớp trẻ thích sống vội, sống “rút gọn”. Ngay chính tôi cũng đã từng có suy nghĩ như thế. Chẳng hạn khi giao tiếp, họ hay nói chuyện cộc lốc thay vì hoa mỹ. Trong ngôn ngữ viết, họ sử dụng nhiều ký tự viết tắt cho đỡ dài dòng. Trong phong cách sống, họ yêu rất nhanh và không ngần ngại chia sẻ cảnh âu yếm trên mạng xã hội. Nhất là trong những mối quan hệ giao tiếp với gia đình, vì muốn cuốn mình vào việc riêng mà người trẻ bỏ qua những phép tắc cần thiết khi gặp mặt ông bà, cha mẹ, cô chú... 

Dù rằng câu chuyện thưa hỏi chưa chắc ảnh hưởng đến đạo đức, nhưng một khi bản sắc văn hóa, phép tắc gia đình bị xáo trộn thì cuộc sống trở nên vô trật tự. Người trẻ dễ bị rơi vào trạng thái tự phụ, thích thay đổi tất cả các giá trị xưa nay, hay xem nhẹ giá trị truyền thống, lịch sử… Để gìn giữ giá trị truyền thống này thì người lớn cần phải giáo dục con cháu ngay từ lúc nhỏ, tạo ra thói quen tốt. Người lớn cũng phải làm gương bằng việc thưa hỏi những ai lớn tuổi hơn mình. Duy trì, xây dựng giá trị này từ việc tự nhắc nhở mình, nhắc nhở con cái. Có như thế mới gìn giữ được gia đình văn hóa. Nếu mỗi tế bào nhỏ đều khỏe mạnh, tốt đẹp thì xã hội mới văn minh, yên ổn. 

TRẦN THÁI HỌC

 
;
.