Những địa danh đã làm nên lịch sử: Chứng tích trận đánh cuối cùng giải phóng Vũng Tàu

Thứ Tư, 10/07/2019, 18:12 [GMT+7]
In bài này
.

Khách sạn Palace (số 1, Nguyễn Trãi) từ lâu đã trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của TP.Vũng Tàu. Ít ai biết rằng, cách đây 44 năm, ngày 30/4/1975, Palace còn là một chứng tích lịch sử trong trận đánh cuối cùng giải phóng Vũng Tàu. 

Được xây dựng năm 1968 và đưa vào hoạt động từ năm 1972, khách sạn Palace là tài sản của một sĩ quan cao cấp trong chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Sau trận đánh giải phóng Vũng Tàu ngày 30/4/1975, quân giải phóng tiếp quản khách sạn Palace và đổi tên là Hòa Bình - cái tên mang dấu mốc của hòa bình, độc lập. 

44 năm sau ngày giải phóng, nhiều người dân Vũng Tàu vẫn không thể nào quên những giây phút hào hùng trong trận đánh ác liệt tại khách sạn Palace - ổ kháng cự cuối cùng ngụy quyền Sài Gòn vào trưa 30/4/1975. 

Khách sạn Palace hiện nay là địa chỉ tin cậy của du khách khi đến TP.Vũng Tàu nghỉ dưỡng.Ảnh: TƯỜNG NGÂN
Khách sạn Palace hiện nay là địa chỉ tin cậy của du khách khi đến TP.Vũng Tàu nghỉ dưỡng.Ảnh: TƯỜNG NGÂN

Ông Phạm Quang Lập là cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng. Không trực tiếp tham gia trận đánh tại khách sạn Palace, nhưng thời khắc lịch sử quan trọng giải phóng Vũng Tàu, ông đều nắm rất rõ. Theo lời kể của ông, sau khi quân giải phóng tiến vào Vũng Tàu, địch co cụm về cố thủ tại khách sạn Palace từ đêm 29/4 để tìm đường rút chạy ra biển. Trong khách sạn lúc bấy giờ có khoảng gần 500 sĩ quan và binh lính. Chúng nhốt dân tị nạn ở dưới làm lá chắn và cố thủ ở tầng trên. Theo lệnh của Sư đoàn, lực lượng ta phải quyết tâm chiếm khách sạn, bảo vệ người dân. Tiểu đoàn 6 bao vây khách sạn, dùng loa kêu gọi đầu hàng, nhưng địch vẫn ngoan cố tử thủ. Lúc bấy giờ, Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 6 đã dùng khẩu DKZ75 bắn 5 quả đạn qua cửa sổ khách sạn rồi đồng loạt xung phong đánh chiếm từng tầng lầu. Biết không thể chống cự, quân địch đành phải kéo cờ trắng ra hàng.

Sau giải phóng, năm 1977, khách sạn Hòa Bình được giao cho Công ty Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) quản lý. Đến năm 1989, khách sạn được lấy lại tên cũ là Palace. Đến khách sạn Palace ngày nay, ngoài được tận hưởng những dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hiện đại, du khách còn được nghe kể những câu chuyện lịch sử hào hùng của nơi đây. Tấm bia ghi công trận đánh cuối cùng giải phóng Vũng Tàu (nằm phía hông khách sạn, trên đường Nguyễn Trãi) là một minh chứng về trận đánh ác liệt ngày 30/4/1975 giữa Sư đoàn 3 Sao Vàng với lính thủy đánh bộ ngụy quân Sài Gòn. 

Anh Phạm Văn Toản, làm việc tại bộ phận lễ tân, người từng gắn bó với khách sạn Palace 30 năm, đưa chúng tôi đến thăm phòng số 418 ở tầng 4 - nơi cố thủ của quân ngụy Sài Gòn trong trận đánh giải phóng Vũng Tàu 44 năm trước. “Sau trận đánh, bức tường bên ngoài căn phòng này còn lưu lại nhiều vết đạn do quân ta bắn vào, nhưng đã được tu sửa, cải tạo. Ngày nay, căn phòng 418 là một trong những phòng cao cấp nhất của khách sạn”, anh Toản cho biết thêm. 

Trải qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, năm 2007, khách sạn Palace được công nhận là khách sạn 4 sao đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đó đến nay, khách sạn không ngừng đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng phục vụ. Anh Hoàng Văn Thiện, Trưởng phòng Kinh doanh cho biết, khách sạn có 8 tầng với 95 phòng ngủ và 17 căn hộ cao cấp đầy đủ tiện nghi. Nơi đây thường xuyên được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh, các hội nghị quốc tế, là nơi tiếp đón các đoàn khách ngoại giao và các nguyên thủ quốc gia. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, khách sạn Palace phục vụ khoảng 3.400 lượt khách trong và ngoài nước. 

Chị Nguyệt Linh (quê Hậu Giang), nghỉ dưỡng tại khách sạn Palace chia sẻ: “Khi biết đây là một địa điểm gắn liền với sự kiện lịch sử giải phóng Vũng Tàu, tôi rất bất ngờ và thích thú. Nhờ lưu trú ở khách sạn mà tôi biết thêm một phần lịch sử của đất nước”. 

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

 
;
.