Nhiều "cửa" cho học sinh không vào lớp 10 công lập

Thứ Hai, 08/07/2019, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, khoảng 4.400 học sinh (HS) không được tuyển vào lớp 10 công lập. “Cánh cửa” công lập đóng lại nhưng vẫn còn nhiều “cánh cửa” khác mở ra cho các em lựa chọn. Đó là các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề.

Học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là lựa chọn của không ít HS sau khi tốt nghiệp THCS.  Trong ảnh: SV ngành Điện công nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT trong tiết thực hành. Ảnh: KHÁNH CHI
Học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là lựa chọn của không ít HS sau khi tốt nghiệp THCS. Trong ảnh: SV ngành Điện công nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT trong tiết thực hành. 

NHIỀU ƯU THẾ Ở TRUNG TÂM GDTX

Trên địa bàn tỉnh có 8 trung tâm (TTGDTX) ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Năm học này, các TTGDTX tuyển sinh 1.585 chỉ tiêu bằng hình thức xét tuyển. Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc TTGDTX TP. Vũng Tàu phân tích, do các TTGDTX nằm trong hệ thống giáo dục công lập nên HS theo học tại đây được hưởng quyền lợi tương tự như ở bậc phổ thông. “Tại khu vực nông thôn, học phí của bậc THPT công lập là 60 ngàn đồng/tháng, hệ GDTX là 70 ngàn đồng/tháng. Tại khu vực thành thị, học phí THPT công lập là 90 ngàn đồng/tháng, hệ GDTX là 100 ngàn đồng/tháng. Mức chênh lệch này không quá lớn nên không tạo áp lực về học phí với HS”, ông Phương so sánh. 

Điểm đặc biệt tại các TTGDTX là chương trình học khá nhẹ nhàng, chỉ có 7 môn văn hóa, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, phù hợp với những HS có hoàn cảnh khó khăn, muốn tận dụng thời gian vừa học vừa phụ giúp gia đình. Trong khi đó, với chương trình THPT, các em phải học 13 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Dù chương trình học có nhiều khác biệt, song HS GDTX được tham gia kỳ thi THPT quốc gia, được cấp bằng tốt nghiệp và được xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp như HS THPT.

Bên cạnh những ưu thế chung của hệ GDTX, mỗi trung tâm cũng tự tạo sức hút, nâng cao chất lượng đào tạo với những chương trình khác nhau. Tại TTGDTX TP. Vũng Tàu, cùng với các lớp đại trà còn có mở lớp THPT định hướng, trải nghiệm nghề nghiệp. Ngay từ năm lớp 10, HS được học chương trình ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế dành cho người đi làm; được trải nghiệm nghề nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, các em có sự chủ động và hành trang để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Còn tại TTGDTX TP. Bà Rịa, năm học này, nhà trường tiếp tục thực hiện đề án “Gắn giáo dục dạy nghề với giáo dục thường xuyên”. Ông Nguyễn Đức Thiết, Giám đốc TTGDTX TP. Bà Rịa cho biết, với chương trình này, HS vừa được học văn hóa chính khóa vào buổi sáng, vừa được học trung cấp nghề vào buổi chiều với các ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp... HS học trung cấp nghề được miễn học phí. Sau 3 năm theo học, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề chính quy và được liên thông lên cao đẳng.

HS THCS huyện Đất Đỏ tham quan, trải nghiệm tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.
HS THCS huyện Đất Đỏ tham quan, trải nghiệm tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.

TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP NHIỀU TIỆN ÍCH

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 5 trường THPT ngoài công lập. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngoài công lập khoảng 700 HS. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vũng Tàu) cho hay, tại các trường THPT ngoài công lập, chương trình học chính khóa tương tự như tại các trường THPT công lập với 13 môn tự chọn và 1 môn bắt buộc. HS của trường cũng được tham gia kỳ thi THPT quốc gia, cấp bằng tốt nghiệp nếu đủ điều kiện, được thi/xét tuyển đại học như HS các trường THPT công lập. Điểm khác biệt là trong khâu tuyển sinh, HS không phải thi tuyển mà qua xét tuyển. 

Do chất lượng đầu vào thấp hơn các trường THPT công lập nên HS theo học tại các trường ngoài công lập được các nhà trường thiết kế nội dung giảng dạy vừa sức. Về học phí, không có quy định chung cho các trường ngoài công lập mà do nhà trường cân đối và công khai với phụ huynh, HS. 

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ GV giàu kinh nghiệm. Ngoài giảng dạy, nhà trường còn có thêm nhiều dịch vụ, tiện ích cho HS. Đơn cử, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có khu nội trú hơn 200 chỗ ở, hệ thống phòng học, phòng chức năng đạt chuẩn, có gắn camera quản lý, có hồ bơi, sân bóng, phòng tập thể hình, có xe đưa rước. Ngoài chương trình chính khóa, HS còn được học kỹ năng sống, cùng chương trình Anh ngữ quốc tế Cambridge, được Hội đồng Anh cấp bằng có giá trị quốc tế. Buổi tối, trường có GV truy bài cho HS nội trú. 

Còn tại Trường Học viện Anh Quốc có khu làm việc, phòng học, nhà thi đấu đa năng, thư viện, phòng định hướng, hồ bơi, nhà ăn,… theo chuẩn quốc tế. HS được cung cấp nền tảng phát triển toàn diện, từ học vấn, kỹ năng đến thể chất với sự kết hợp của 9 chương trình: Anh ngữ quốc tế Cambrigde, dự bị Đại học Anh Quốc, chương trình của Bộ GD-ĐT, kỹ năng sống, âm nhạc, STEM Robotics… Hoàn tất chương trình phổ thông, các em sẵn sàng hội nhập môi trường quốc tế với bằng tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, bằng dự bị đại học và chuẩn tiếng Anh đầu ra.

RÚT NGẮN THỜI GIAN HỌC NGHỀ 

Hiện nay, hệ thống các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng rất phát triển. HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký xét tuyển vào các trường: Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ BR-VT (920 chỉ tiêu), Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu (200 chỉ tiêu) hoặc một số trường nghề tư thục như: Trung cấp nghề Phước Lộc, Cao đẳng quốc tế Vabis… 

Ông Võ Văn Thuận, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, sau khi tốt nghiệp THCS, tiếp tục theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, HS được hưởng nhiều quyền lợi. Trước hết, các em tiết kiệm chi phí học tập do được hưởng chính sách miễn học phí học nghề của nhà nước đối với HS tốt nghiệp THCS học tiếp trình độ trung cấp. Cùng với đó, các em còn tiết kiệm được thời gian học tập, bởi chỉ sau 2 - 3 năm, các em đã tốt nghiệp hệ trung cấp hoặc sau 3,5 - 4 năm tốt nghiệp cao đẳng, rút ngắn thời gian so với học hết THPT mới đi học nghề từ 2-3 năm. 

HS không vào được lớp 10 công lập có thể lựa chọn một trong những con đường như: Học tiếp THPT ở các trường ngoài công lập, học hệ bổ túc văn hóa ở các TTGDTX hay học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Hiện nay, hệ thống các trường ngoài công lập, TTGDTX, các trường đại học, trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại, đội ngũ có trình độ, giàu kinh nghiệm, phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện. Mỗi lựa chọn lại có những ưu thế riêng, do đó, các em cần cân nhắc kỹ, dựa trên các điều kiện về năng lực, sức khỏe của bản thân, hoàn cảnh gia đình, định hướng nghề nghiệp… để đưa ra lựa chọn chính xác.
(Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT)

Đặc biệt, từ năm 2019, HS THCS theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được liên thông lên cao đẳng nếu trong quá trình học nghề HS học và thi đạt yêu cầu 4 môn văn hóa THPT (Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học) theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời học và có bằng tốt nghiệp trung cấp. Sau khi tốt nghiệp chương trình cao đẳng, HS được học liên thông lên đại học. Ngoài ra, hiện nay, các trường trung cấp, cao đẳng nghề còn liên kết với các TTGDTX mở lớp bồi dưỡng văn hóa, học song song với chương trình giáo dục nghề nghiệp. Do đó, chỉ sau 3 năm, khi tốt nghiệp, các em đã có trong tay 2 tấm bằng: Bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp/cao đẳng nghề.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.