Dốc sức ôn thi THPT quốc gia

Thứ Năm, 06/06/2019, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn gần 20 ngày nữa, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ chính thức diễn ra. Kỳ thi năm nay được dự báo căng thẳng hơn so với những năm trước. Do đó, thầy và trò lớp 12 đang miệt mài ôn tập trong chặng “nước rút” nhằm đạt kết quả cao nhất.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

KHÔNG CHỦ QUAN

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn tỉnh có 11.283 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Trong đó, TS chỉ thi tốt nghiệp là 2.503 em, vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển là 8.446 em và 334 em thi để xét tuyển. Như vậy, số lượng TS tham dự kỳ thi năm nay với mục đích tốt nghiệp THPT chiếm số lượng áp đảo. Tuy nhiên, một trong những điểm mới quan trọng của kỳ thi năm nay là cách tính điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của HS và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). 

Trước thay đổi này, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy, ôn tập cho HS ngay từ đầu năm học, bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để xây dựng ma trận đề cho HS cọ xát. Đồng thời làm công tác tư tưởng để các em nhận thức rõ vai trò của điểm thi THPT quốc gia đối với việc xét tốt nghiệp. Từ đó, giúp các em có thái độ nghiêm túc trong học tập và thi cử, không ỷ lại vào “chiếc phao cứu sinh” là điểm học bạ.

HS lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
HS lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Để HS có cơ hội tập dượt và rút kinh nghiệm trong việc ôn tập, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức thi thử cho HS lớp 12 trên địa bàn tỉnh. 38 trường THPT, trung tâm GDTX tham gia kỳ thi. Kết quả, 5.095 TS đạt điểm dưới trung bình (chiếm 50,93%); 4.690 HS đạt điểm trên trung bình (chiếm 46,88%); 41 TS có môn thi đạt từ 1 điểm trở xuống. 

Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) cho biết, trước đây, trong công thức xét tốt nghiệp, tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ đều chiếm 50% thì HS đạt điểm dưới trung bình vẫn có cơ hội đậu tốt nghiệp. Tuy nhiên, với cách tính mới mà Bộ GD-ĐT công bố, chỉ cần lơ là, chủ quan, HS có thể trượt tốt nghiệp. Đặc biệt, HS trung bình, yếu dễ rơi vào nhóm nguy cơ. Thầy Lâm cho biết thêm, nếu tính riêng điểm thi thử do Sở tổ chức mà không cộng điểm học bạ thì Trường THPT Châu Thành vẫn có 6 HS rớt tốt nghiệp. Còn theo lãnh đạo Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc), qua thi thử, nhà trường có 82 HS trong nhóm có nguy cơ rớt tốt nghiệp.

THẦY TRÒ CÙNG NỖ LỰC

Kỳ thi tới gần, áp lực ôn tập, luyện thi càng trở nên căng thẳng với cả thầy và trò. Em Vũ Tá Quyền, HS lớp 12 TN3, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Vũng Tàu) cho biết, năm nay, em dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và ĐH Sư phạm Đà Lạt với tổ hợp C01 (Toán, Ngữ văn, Vật lý). Ngoài ra, em còn xét tuyển thêm tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh). Quyền chia sẻ: “Bước vào giai đoạn nước rút, em thấy khá căng thẳng và áp lực. Do đó, dù đã kết thúc chương trình chính khóa từ cuối tháng 5, em vẫn tiếp tục ôn 6 môn thi ở trường vào tất cả các buổi sáng và 3 buổi chiều. Ngoài ra, em còn học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Vật lý vào thời gian còn lại”. Những ngày này, lịch học của Quyền gần như kín mít. Em thường bắt đầu học từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ khuya. 

Có mặt tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng ghi nhận không khí ôn thi khẩn trương của thầy và trò. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho hay, thời điểm này, nhà trường tổ chức cho HS lớp 12 ôn tập vào tất cả các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thời lượng các môn xét tuyển được tăng lên 6 tiết/tuần, các môn còn lại từ 3-4 tiết/tuần. Mục tiêu đặt ra là các môn xét tuyển của các em phải đạt từ 5 điểm trở lên, những môn còn lại, các em cố gắng đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình. 

Thầy Lâm cho biết: “Năm nay, dù chỉ có 4 HS đăng ký dự thi tiếng Nhật nhưng nhà trường vẫn bố trí lớp để các em được ôn tập một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, nhà trường còn cử giáo viên bộ môn phụ đạo miễn phí 5 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học cho gần 130 HS có lực học yếu từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng, giúp các em củng cố, bổ sung những kiến thức đang bị “hổng”. Giai đoạn này, HS chủ yếu luyện thi bằng cách vừa giải đề vừa rút kinh nghiệm. Nhà trường sẽ ôn tập cho HS đến hết ngày 21-6. Thời gian còn lại để các em nghỉ ngơi, tự học, chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào kỳ thi mang tính bước ngoặt”. 

Thời điểm này, các em nên luyện giải đề trên cơ sở bám sát ma trận đề của Bộ GD-ĐT, vừa giải đề vừa rút kinh nghiệm và dành thời gian ôn lại kiến thức cơ bản. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, các em cần chú ý kỹ năng làm bài trắc nghiệm, làm đến đâu, tô đáp án đến đó, đồng thời phải chú ý phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu, tránh sa đà, gây ảnh hưởng đến kết quả chung.

(Thầy Võ Văn Tuấn, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Vũng Tàu)

Còn tại Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc), từ đầu tháng 5, nhà trường đã sàng lọc 82 HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp và mở lớp phụ đạo miễn phí vào buổi tối cho các em. Theo thầy Hồ Sĩ Nhật Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường, số HS này được nhà trường chia làm 2 lớp. Thời gian học phụ đạo của “lớp học đặc biệt” này từ 17-19 giờ. Trong khoảng thời gian này, nhà trường huy động cùng lúc từ 2-4 giáo viên bộ môn/lớp để vừa dạy, vừa dò bài cho các em, đồng thời phối hợp cùng phụ huynh tham gia giám sát để các em có thái độ nghiêm túc hơn trong học tập. 

“Với lớp học phụ đạo buổi tối, giáo viên phải soạn riêng tài liệu cho phù hợp với khả năng của HS, giúp các em nắm được kiến thức cơ bản để đạt được điểm số trung bình. Dù vất vả nhưng cả thầy và trò đều nỗ lực hết mình trong giai đoạn quan trọng này”, thầy Nam nói. Ngoài dạy phụ đạo cho HS yếu, nhà trường tổ chức ôn thi cho HS toàn trường vào buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu với thời lượng 20 tiết/tuần. Giáo viên bộ môn vừa cho HS giải đề vừa rà soát lại các chủ đề đã ôn tập để HS không quên kiến thức. 

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.