Dành yêu thương cho những người bất hạnh

Thứ Ba, 11/06/2019, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm tạo cho người bệnh cảm giác thoải mái như ở nhà, cán bộ, nhân viên  Trung tâm xã hội tỉnh (ấp 6, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) đã xây dựng lối ứng xử văn hóa, văn minh, giàu lòng yêu thương để giúp đỡ những người kém may mắn.

Ông Nguyễn Quốc Phiệt (người ngồi) bên người thân và cán bộ Trung tâm xã hội tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Phiệt (người ngồi) bên người thân và cán bộ Trung tâm xã hội tỉnh.

CHĂM SÓC TẬN TÌNH, CHU ĐÁO

Đến Trung tâm xã hội tỉnh, tôi tình cờ gặp những người thân của ông Nguyễn Quốc Phiệt từ TP.Hồ Chí Minh xuống đón ông về nhà. Được gặp lại ông sau một thời gian bị lạc, các cháu là anh Vũ Hoàng Tấn (21 đường 31E, khu An Phú, phường An Khánh, quận 2, TP.Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Hội tay bắt mặt mừng, xúc động ôm lấy ông. Anh Tấn cảm ơn các anh chị trong Trung tâm đã tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng và nỗ lực kết nối với người nhà để hôm nay gia đình được gặp lại ông. 

Ông Phiệt năm nay đã 74 tuổi, quê gốc ở xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, hiện sống ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ông đã đi khỏi nhà cách đây 6 tháng nhưng do đầu óc không còn minh mẫn nên không nhớ nhà ở đâu. Anh Bùi Văn Mạnh, nhân viên bộ phận quản lý hồ sơ, Trung tâm xã hội tỉnh cho biết, mấy ngày đầu mới vô Trung tâm, ông Phiệt không nhớ mình là ai, quê ở đâu. Sau một tuần gần gũi nói chuyện, động viên tinh thần, ông Phiệt ổn định tâm lý và dần dần nhớ lại. Từ thông tin ông Phiệt cung cấp là quê ở xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Trung tâm đã gửi văn bản cung cấp thông tin qua Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh để tìm người thân cho ông. May thay, văn bản đến đúng quê người nhà ông Phiệt, nên các con, cháu của ông từ Ninh Bình và TP.Hồ Chí Minh nhanh chóng liên hệ lại với Trung tâm để đón ông về. Anh Vũ Hoàng Tấn cháu ruột ông Phiệt cho biết: “Nhân viên ở Trung tâm làm việc nhiệt tình, hồ sơ giải quyết nhanh, gọn. Chỉ hai ngày sau khi tôi viết đơn bảo lãnh là được đón ông về”. Ông Phiệt là một trong số nhiều trường hợp mà Trung tâm xã hội tỉnh nỗ lực giúp đỡ hồi gia. Năm 2018, Trung tâm đã kết nối, phối hợp với các Trung tâm Bảo trợ xã hội, gia đình ở các tỉnh đến nhận 56 người; 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã hồi gia cho 35 người. 

Ngoài việc kết nối với người thân, Trung tâm xã hội tỉnh còn tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Theo chân chị Trần Thị Mùi, nhân viên Trung tâm trong một ngày làm việc, ghi nhận sự nhiệt tình của chị với bệnh nhân. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, chị Mùi đi từng phòng ở của bệnh nhân nữ để đôn đốc người bệnh chuẩn bị ăn sáng. Rồi chị hướng dẫn cho người bệnh các việc: đi lấy đồ ăn, uống thuốc an thần, dọn dẹp khu nhà ăn, quét rác ở sân, giặt đồ, phơi quần áo. 

XEM NGƯỜI BỆNH NHƯ NGƯỜI NHÀ

Trung tâm xã hội tỉnh là nơi tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề cho người mắc bệnh tâm thần điều trị nhiều lần không khỏi; người tàn tật; người sống lang thang. Hiện Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng 542 người, trong đó, có 503 người bệnh tâm thần, 14 người khuyết tật, 4 trẻ em lang thang, còn lại là người già không nơi nương tựa, người bị bỏ rơi. Với sự quan tâm ân cần, tận tình, sự nỗ lực chăm sóc về mặt tâm lý lẫn sức khỏe của cán bộ, nhân viên Trung tâm đã tạo cho những người bệnh ở đây có tinh thần cộng đồng, sống biết thương yêu, giúp đỡ nhau. Chị Nguyễn Thị Hồng Niêm, 30 tuổi, (quê Đức An, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, chị vào Trung tâm đã được 3 tháng nay. Là người trẻ, khỏe khoắn, nhanh nhẹn nên hằng ngày, chị đều giặt đồ, lau nhà giúp các cô, các chị bị bệnh, người già yếu không còn khả năng làm việc.

Mỗi cách chăm sóc, quan tâm người bệnh của cán bộ, nhân viên Trung tâm là những câu chuyện đẹp, ý nghĩa. Gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm đã 8 năm nay, anh Ngô Quang Cường, nhân viên Phục hồi chức năng cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Khi cho họ uống thuốc hoặc tập các bài tập vật lý trị liệu, đa số người bệnh không chịu hợp tác, họ kháng cự lại, giải thích thì họ không nghe hoặc không hiểu, chỉ cho họ tập thì họ không nhớ cách làm. “Tôi biết họ bị bệnh rất đau đớn, sợ hãi, bất an nên mới phản ứng như vậy. Những lúc như thế, mình phải mềm mỏng nói chuyện để xoa dịu tâm lý, giúp họ ổn định tinh thần, từ từ họ mới hợp tác. Dù vất vả nhưng tôi cũng ráng giúp họ, xem việc chăm sóc họ như là chăm sóc ba mẹ mình khi về già yếu vậy”, anh Cường nói. 

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.