Giữ lửa nghề rèn truyền thống

Thứ Sáu, 24/05/2019, 07:32 [GMT+7]
In bài này
.

Lò rèn Ba Điền, Hai Lịch (huyện Châu Đức); Bảy Cảnh (huyện Đất Đỏ); Năm Thạnh (huyện Xuyên Mộc)… là những lò rèn nổi tiếng một thời. Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, lò rèn dần vắng khách nhưng những người thợ lâu năm vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của gia đình. 

Vợ chồng ông Ba Điền (thôn Hưng Long, xã Kim Long) với công việc thường ngày.
Vợ chồng ông Ba Điền (thôn Hưng Long, xã Kim Long) với công việc thường ngày.

Từ ngã ba Tư Uẩn trên QL56 (thuộc địa bàn xã Kim Long, huyện Châu Đức) rẽ theo con đường nhựa vào thôn Hưng Long, chúng tôi đã nghe thấy tiếng búa đập chan chát. Trong tiết trời oi bức, anh Võ Văn Lịch (SN 1973) cùng vợ Lê Thị Nhạn đang rèn các loại nông cụ. Anh Lịch cho biết, anh quê gốc ở Bình Định. Năm 1978, cha mẹ anh vào đây lập nghiệp mang theo nghề rèn thủ công. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã tiếp xúc với hơi nóng của lò lửa, tiếng đục, tiếng mài, tiếng búa gõ chan chát và rồi khi lớn lên, anh cũng theo nghề truyền thống của gia đình.

Theo anh Lịch, nghề rèn phải có sức khỏe, bởi để làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn tạo dáng là khó nhất. Người thợ không chỉ dùng sức để uốn nắn những miếng thép (cắt từ nhíp ô tô) mà còn phải phối hợp nhịp nhàng với người phụ đập búa để rèn ra nông cụ ưng ý. Sau khi tạo dáng cho sản phẩm là tiến hành trui sắt. Cuối cùng là khâu làm chuôi, tra cán, mài thành phẩm. Sản phẩm gồm: dao, búa, liềm, rựa, cuốc… đã gắn bó với người dân trong vùng hàng chục năm qua. Giá bán các loại nông cụ dao động từ 120 - 200 ngàn đồng/cái, tùy kích cỡ lớn hay nhỏ và chất liệu thép. 

Theo anh Võ Văn Lịch (thôn Hưng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) vẫn cố gắng giữ lửa cho nghề rèn truyền thống của gia đình.
Theo anh Võ Văn Lịch (thôn Hưng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) vẫn cố gắng giữ lửa cho nghề rèn truyền thống của gia đình.

Ở thời điểm thịnh vượng, nghề rèn của gia đình anh Võ Văn Lịch cho thu nhập rất khá. Nhờ nghề rèn, gia đình anh xây được ngôi nhà khang trang và mua được mấy miếng đất để dành. Hiện nay, dù khách đã thưa vắng nhưng nghề rèn vẫn là nghề chính mang lại thu nhập cho gia đình và đủ nuôi 2 con ăn học. “Nghề rèn dần vắng khách, lao động lại vất vả nên tôi không hướng các con theo nghề của cha ông. Hiện tại, cháu lớn đang theo nghề công an”, anh Lịch chia sẻ. 

Hơn 40 năm làm thợ rèn, hàng ngày ông Bùi Cảnh (64 tuổi, ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cùng vợ vẫn miệt mài giữ lửa cho nghề. Ông Cảnh nhớ lại, khoảng những năm 1995 trở về trước, nghề rèn phát triển cực thịnh. Khi đó, xã Long Tân có đến 15 hộ mở lò rèn thủ công, chưa kể lò rèn ở các xã khác. Riêng lò rèn của nhà ông có tới 6 thợ làm mới kịp gia công dao, rìu, cuốc, xẻng, liềm… Thu nhập của thợ và chủ cùng khấm khá.  

Hình ảnh về những lò rèn đỏ lửa suốt đêm ngày đang dần đi vào quá khứ, bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa, máy móc hiện đại thay thế lao động thủ công khiến nghề rèn mất dần chỗ đứng. Hiện nay, số lò rèn trên địa bàn huyện Đất Đỏ duy trì hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các thợ rèn lớn tuổi dần giải nghệ vì sức yếu, trong khi số người trẻ thì tìm nghề khác mưu sinh. “Lò rèn nhà tôi chỉ còn có vợ chồng tôi làm. Đứa con trai hơn 30 tuổi không theo nghề cha ông mà đang làm việc tại một nhà máy bên TX. Phú Mỹ”, ông Bùi Cảnh tâm sự.

Theo một số thợ rèn cao niên, nếu như trước năm 2000, mỗi xã trên địa bàn huyện Châu Đức có từ 4-5 lò rèn, thì nay toàn huyện chỉ còn khoảng 10 lò rèn hoạt động. Ngồi nhìn lò rèn của gia đình, ông Ba Điền (67 tuổi, ở thôn Hưng Long, xã Kim Long) chép miệng: “Cũng biết là quy luật phát triển, đất nước đang ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì những lò rèn thủ công rồi cũng sẽ tắt lửa. Nhưng đây là nghề truyền thống, đã nuôi sống tôi và gia đình nên còn sức khỏe, tôi vẫn thổi lửa để rèn cho khách. Hiện nay, những nông cụ chủ yếu mà khách hàng vẫn thường đặt thợ rèn thủ công là rựa và xạc cỏ. Việc ít nhưng vẫn đủ trang trải sinh hoạt cho hai vợ chồng già”, ông Ba Điền nói.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 
;
.