Vận động phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế

Thứ Tư, 20/03/2019, 16:18 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là mô hình “Dân vận khéo” do Hội LHPN huyện Long Điền thực hiện hơn 1 năm nay. Với hình thức tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn, chị em ngày càng hiểu đúng và đủ về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ vậy, đông đảo hội viên phụ nữ đã đồng tình tham gia BHYT. 

Cán bộ Hội LHPN xã Phước Hưng (bìa trái) vận động hội viên tham gia BHYT.
Cán bộ Hội LHPN xã Phước Hưng (bìa trái) vận động hội viên tham gia BHYT.

Trước năm 2018, chị Nguyễn Thị Nhiên (tổ 31, ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước) chưa từng có ý định sẽ tham gia BHYT. Gia đình chị Nhiên làm nông nghiệp, công việc bận rộn, thu nhập lại không cao. Bên cạnh đó, thông tin về chế độ, chính sách BHYT mà chị Nhiên tiếp cận được còn ít. Vì vậy, chị không để ý đến BHYT. Năm 2018, cán bộ Hội Phụ nữ ấp Phước Nghĩa đến tận nhà tuyên truyền đầy đủ về các chế độ, chính sách BHYT, giúp chị hiểu rõ và quyết định tham gia. Chị Nhiên nói: “Khi được cán bộ hội phụ nữ giải thích cặn kẽ các thông tin liên quan đến BHYT, tôi thấy tham gia BHYT có lợi cho mình. Bởi lẽ, khi phải đi khám, chữa bệnh, tôi sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí. Trong trường hợp mình không dùng tới BHYT, còn có ý nghĩa san sẻ khó khăn cho những người bệnh khác”. 

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Nga (tổ 4, ấp Phước Thọ, xã  Phước Hưng, huyện Long Điền) cũng đăng ký tham gia BHYT sau khi được cán bộ Hội Phụ nữ ấp đến nhà vận động mua thẻ BHYT. Chị Nga cho biết, trước đây chị không mua BHYT vì thấy sức khỏe tốt, ít đau ốm. Hơn nữa, chị còn e ngại khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập vì thủ tục nhiêu khê, chờ đợi lâu. Thế nhưng, gần đây, chị Nga bị đau bao tử, đi khám ở các phòng khám tư nhân tốn nhiều tiền nên chị quyết định mua BHYT để giảm bớt chi phí điều trị. “Cán bộ Hội Phụ nữ ấp Phước Thọ đã nhập thông tin, đăng ký làm và trả thẻ BHYT tại nhà cho tôi nên rất tiện. Mới mua thẻ BHYT được một thời gian, tôi đã thấy có lợi. Cách đây ít tháng, tôi bị bệnh, đến khám tại Phòng khám đa khoa Bình An (TP. Bà Rịa) hết hơn 2 triệu đồng, nhưng tôi chỉ phải trả 400 ngàn đồng, còn lại do Qũy BHYT chi trả”, chị Nga thông tin thêm.  

Theo chia sẻ của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Long Điền, sau khi Hội LHPN huyện triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên phụ nữ tham gia BHYT”, lãnh đạo các cấp hội đã xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp vận động chị em mua BHYT. Căn cứ điều kiện hội viên của từng địa phương, cơ sở, cán bộ hội mỗi nơi có cách làm riêng nhưng vẫn có những điểm giống nhau trong phương pháp vận động, tuyên truyền truyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên tham gia BHYT như: Cán bộ hội tới nhà vận động, giúp hội viên nhập thông tin đăng ký mua thẻ và trả thẻ tại nhà; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt; các tổ tiết kiệm hỗ trợ cho hội viên nghèo vay tiền mua thẻ BHYT; vận động mạnh thường quân mua thẻ BHYT tặng hội viên nghèo… Nhờ những cách làm đó, tỷ lệ hội viên tham gia BHYT ngày càng tăng.

Chị Phan Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hưng cho hay, để thực hiện mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên phụ nữ tham gia BHYT” có hiệu quả, Hội LHPN xã đã phát động đến 6 ấp, các tổ tiết kiệm, vay vốn của xã. Trong đó, cán bộ hội ở các ấp và tổ trưởng các tổ tiết kiệm, vay vốn là những người đi đầu trong việc vận động hội viên tham gia BHYT. “Hầu hết hội viên phụ nữ của xã Phước Hưng phải đi làm ban ngày, với nhiều ngành nghề, công việc khác nhau. Vì vậy, sau khi nắm được thời gian làm việc của hội viên, cán bộ hội ở các ấp tranh thủ đến nhà gặp gỡ chị em vào buổi trưa, buổi tối, ngày Chủ nhật để vận động. Nhờ đó, trong năm 2018, Hội LHPN xã Phước Hưng đã vận động được khoảng 700 hội viên mua thẻ BHYT. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chị em mua mới và gia hạn thẻ cho những năm tiếp theo”, chị Hằng chia sẻ cách làm của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Điền nhận xét, sự tậm tâm của cán bộ hội phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã tạo dựng được niềm tin, uy tín trong hội viên, từ đó chị em phụ nữ an tâm đăng ký mua thẻ BHYT. Nhờ vậy, sau một năm thực hiện mô hình “Vận động hội viên phụ nữ tham gia BHYT”, huyện Long Điền đã vận động được gần 1.700 chị em phụ nữ tham gia BHYT, góp phần đưa tỷ lệ cán bộ, hội viện phụ nữ trên địa bàn có thẻ BHYT lên 80%, tăng 14% so với năm 2017.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.