Trăn trở tìm hướng phát triển văn hóa đọc

Thứ Sáu, 08/03/2019, 07:22 [GMT+7]
In bài này
.

Tình cờ đến với công tác thư viện nhưng qua 12 năm gắn bó, chị Nguyễn Thị Thiên Mai - Giám đốc Thư viện Châu Đức xem đó là cơ duyên “nghề chọn người chứ người không được chọn nghề”. Từ đó, chị không ngừng tìm tòi nhiều cách làm hay nhằm phát triển văn hóa đọc và đưa sách đến gần hơn với mọi người.

Trưng bày, giới thiệu sách lưu động là hoạt động thường xuyên của Thư viện Châu Đức.
Trưng bày, giới thiệu sách lưu động là hoạt động thường xuyên của Thư viện Châu Đức.

TỪ TAY NGANG

Chúng tôi đến Thư viện huyện Châu Đức vào một ngày thứ Hai đầu tuần nhưng thư viện vẫn thu hút khá nhiều người đến đọc sách, tra cứu, mượn tài liệu. Vừa kiểm tra công tác lưu trữ, sắp xếp tài liệu sau đợt trưng bày phục vụ nhu cầu bạn đọc dịp Tết Nguyên đán, chị Thiên Mai bắt tay chấm chọn sơ tuyển bài viết tham dự cuộc thi “Quyển sách tôi yêu” lần thứ 1 do Thư viện tỉnh tổ chức. “Từ hơn 500 bài viết do HS các lứa tuổi trên địa bàn gửi về, chúng tôi chọn được 10 bài để tham gia dự thi. Hôm nay, kiểm tra lại một lần nữa trước khi gửi về Thư viện tỉnh”, chị Thiên Mai nói.

Lướt qua 10 bài dự thi, dặn dò nhân viên đóng gói cẩn thận gửi bưu điện về Thư viện tỉnh cho sớm, chị Thiên Mai tiếp tục rà soát kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam 2019. Theo chị Thiên Mai, năm nay, Thư viện Châu Đức có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21-4 như: Trưng bày triển lãm “Tuần lễ đọc sách” tại hệ thống các thư viện cơ sở; tuyên truyền lưu động, giới thiệu sách tại các trường học; luân chuyển sách đến các tủ sách cơ sở, khu dân cư, lực lượng vũ trang và các trường học; xây dựng thư viện xanh tại các trường tiểu học trên địa bàn; tổ chức Hội thi “Đại sứ Văn hóa đọc”. Trong đó, Thư viện huyện chủ trì, phối hợp Phòng GD-ĐT, Huyện Đoàn, các đơn vị trường học tổ chức Hội thi “Đại sứ Văn hóa đọc” để tuyển chọn gương mặt tiêu biểu của huyện tham gia cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” toàn quốc do Bộ VH-TT-DL phát động. “Để tìm kiếm được bài dự thi xuất sắc, đủ tầm tranh tài ở quy mô toàn quốc, công tác phát động, nhận bài, chấm giải phải hết sức kỹ lưỡng”, chị Thiên Mai cho hay.

Nhìn chị thuần thục, tận tâm, trách nhiệm với công việc, ít ai biết chị là dân tay ngang làm thư viện. Tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin và Khoa Anh văn Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh, năm 2006, chị lấy chồng rồi về làm dâu Châu Đức. Ban đầu, chị mong muốn được làm công việc đúng chuyên ngành đã học, nhưng thời điểm đó không nơi nào tuyển ngành này cả. Chị vào làm thư viện với tâm lý chờ đợi công việc phù hợp hơn. Thế nhưng vốn yêu sách, hàng ngày tiếp xúc với sách, được học những kiến thức bổ ích từ sách, rồi chị thích nghề thư viện hồi nào mà chẳng hay.

Chị kể, thời đó gần như tất cả các thư viện đều chưa có phần mềm theo dõi sách trên máy vi tính. Tài liệu, sách, báo đều được theo dõi bằng sổ sách viết tay. Mỗi lần tra cứu, thống kê đầu sách cực kỳ vất vả lại hay sai sót. Với kiến thức công nghệ thông tin, chị đề xuất lãnh đạo thư viện tự thiết kế phần mềm theo dõi xuất, nhập sách trên máy vi tính và được đồng ý. Từ năm 2008, toàn bộ tài liệu của Thư viện Châu Đức đã được quản lý trên máy vi tính.

ĐẾN NỖ LỰC ĐƯA SÁCH GẦN BẠN ĐỌC

Gắn bó với công tác thư viện 11 năm, năm 2017, chị được bổ nhiệm giám đốc. Trong bối cảnh văn hóa đọc ngày càng yếu thế do các loại phương tiện nghe nhìn khác lấn át, làm thế nào để thu hút người đọc đến thư viện, đến với sách? Câu hỏi này luôn thường trực trong chị từ nhiều năm trước khi chứng kiến thư viện ngày càng ít bạn đọc. Trong cương vị mới, chị bắt đầu đi tìm lời giải cho câu hỏi đó. Chị mở một cuộc khảo sát nhu cầu bạn đọc với các nội dung: Thời gian mở cửa phục vụ bạn đọc phù hợp, vốn tài liệu, cơ sở vật chất và dịch vụ người đọc cần khi đến thư viện. Sau khảo sát, chị điều chỉnh ngay giờ mở cửa thư viện vào các tối thứ Năm, Sáu, Bảy đến 20 giờ 30; tăng nguồn tài liệu đáp ứng đa số nhu cầu của bạn đọc; tiến hành cấp thẻ thư viện miễn phí và thống nhất một loại thẻ sử dụng xuyên suốt từ thư viện huyện đến xã; trang bị thêm máy vi tính phục vụ nhu cầu tra cứu đa dạng của bạn đọc.

Năm 2018, Thư viện Châu Đức tổ chức 60 đợt trưng bày sách lưu động đến trường học các cấp trên địa bàn huyện với tần suất luân phiên từ 1 đến 2 trường/tuần. Qua hoạt động trưng bày sách lưu động, Thư viện Châu Đức đã giới thiệu hơn 27.500 đầu sách đến HS, cấp 5.400 thẻ thư viện miễn phí cho các em. Cũng trong năm 2018, Thư viện Châu Đức là thư viện cấp huyện duy nhất trên cả nước được Bộ VH-TT-DL tặng Bằng khen và trao “Giải thưởng phát triển văn hóa đọc toàn quốc”.

Để lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc đến mọi người, chị xác định hoạt động trưng bày, giới thiệu sách lưu động là rất quan trọng. Trong đó, lứa tuổi thiếu nhi, thanh niên là đối tượng thư viện hướng tới. Từ năm 2018, mỗi tuần, thư viện đều đặn tổ chức 1 đến 2 đợt đưa sách đến các trường TH, THCS trên địa bàn. Không đơn thuần là hoạt động giới thiệu sách, buổi đưa sách được kết cấu như ngày hội với những câu hỏi đố vui về sách kết hợp trò chơi hoạt náo rèn luyện trí nhớ, sự nhanh trí và kỹ năng đoàn kết đồng đội cho HS như: rung chuông vàng, đoán ô chữ, chuyền sách và nhớ tên sách, vẽ tranh, tô màu. Thầy Lê Công Minh Hải, Hiệu Phó Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bình Ba) nhận xét: Cách giới thiệu sách đến HS cấp THCS của Thư viện huyện rất hay, vừa tạo cho HS sân chơi thư giãn sau giờ học căng thẳng nhưng cũng khơi gợi tình yêu và hình thành thói quen đọc sách cho các em. “Sau vài lần Thư viện huyện giới thiệu sách lưu động kết hợp tặng sách cho nhà trường, tôi thấy lượng HS đến thư viện trường đọc sách tăng dần”, thầy Lê Công Minh Hải cho hay.

Theo chị Thiên Mai, năm 2019, Thư viện Châu Đức tiếp tục duy trì hoạt động trưng bày sách lưu động đến trường học các cấp và mở rộng độ tuổi xuống bậc mầm non bằng cách chuyển tải nội dung, nhân vật dưới dạng múa rối (rối tay hoặc rối người) nhằm kích thích sự hứng thú, hình thành thói quen đọc sách từ lứa tuổi mầm non. Bên cạnh đó, thư viện sẽ phối hợp với đoàn thanh niên xây dựng góc đọc xanh ở những địa bàn dân cư xa, kinh tế khó khăn, đồng thời vận động các nhà xuất bản, công ty, xí nghiệp chung tay xã hội hóa nguồn sách, trang thiết bị theo hướng tiện ích nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

;
.