.

Những phận người trên bãi rác

Cập nhật: 08:56, 22/03/2019 (GMT+7)

Mỗi ngày tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh có hàng trăm người mang theo sọt tre, cuốc sắt, đội nắng tìm phế liệu, kiếm tiền mưu sinh. Công việc ở bãi rác vất vả, ô nhiễm nặng nề nhưng cũng nhờ những bãi rác đó, họ có tiền nuôi sống gia đình, lo cho con cái học hành. 

Hai người phụ nữ nhặt ve chai ở bãi rác Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Hai người phụ nữ nhặt ve chai ở bãi rác Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).

RÁC ĐI ĐẾN ĐÂU, NGƯỜI THEO ĐẾN ĐÓ

Tại Khu xử lý chất thải tập trung 100ha (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ), từ 5 giờ sáng, hàng trăm người lượm ve chai đã có mặt để mưu sinh. Họ cặm cụi nhặt trong đống rác bất cứ thứ gì có thể sử dụng và tái chế để kiếm tiền mỗi ngày. Giữa bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt rộng 38ha (do Công ty TNHH Kbec Vina vận hành) không có cây cỏ, không có bóng mát, chỉ mênh mông rác. Phía trước bãi rác là những căn lều lụp xụp dựng tạm bằng bao ni-lông hoặc mấy tấm bạt rách cũ để che mưa che nắng cho những người nhặt rác ở đây nghỉ ngơi trong chốc lát. 

Em Nguyễn Thị Mai (quê Hậu Giang) mới 19 tuổi, dáng người nhỏ thó như đứa trẻ lên 10 nhưng khuôn mặt Mai lại già nua vì rám nắng. Đưa tay áo quệt từng dòng mồ hôi đang lăn dài trên má, Mai chạnh lòng: “Em phải đi làm từ khi hơn 10 tuổi, không chỉ để nuôi bản thân mà còn vì mẹ. Mẹ em bị bệnh tiểu đường, mấy năm gần đây càng trở bệnh nặng hơn”. 

Kế bên Mai, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (43 tuổi) quê ở Cần Thơ cũng đang hùng hục giữa bãi rác. Sau khi nhặt đầy bao, anh Hùng đẩy nhanh chiếc bao tải lên lưng rồi vác về phía đằng xa. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Bích Vân và đứa con trai 17 tuổi Nguyễn Văn Khải vẫn chăm chỉ nhặt những bao khác cho đầy. Đặt chiếc bao tải xuống đất, anh Hùng nói: “Hôm nay lao động cật lực, cả nhà được 4 bao, bán được chừng 400 ngàn đồng”. 

Xình xịch… xình xịch… tiếng xe tải ì ạch chở rác thu gom từ các nơi vào bãi, cả nhóm người đang ngồi trong lều bỗng gọi nhau: “Rác vào, rác vào” rồi ai nấy nhanh chân chạy theo xe hòa mình vào đống rác. Nguyễn Thị Mai cũng nhanh chóng đội chiếc nón lá rồi chạy ào ra ngoài bãi. Mấy đứa trẻ trong các lều cũng túa ra chạy theo xe rác. Chỉ vài phút sau, trên bãi rác đã có hàng trăm người chen chúc nhặt ve chai… Vừa làm chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vừa kể, quê ở Vĩnh Long, chị Hạnh đến bãi rác Phước Cơ (TP. Vũng Tàu) từ năm 13 tuổi. 18 tuổi lấy chồng, chồng chị cũng là người lượm ve chai trong bãi rác này. Khi bãi rác Phước Cơ đóng cửa, vợ chồng chị mỗi sớm lại cơm đùm cơm nắm đánh xe honda lên bãi rác Kbec Vina nhặt ve chai đến tối mịt mới về. Nhấc đôi dép xỏ ngón ra khỏi chân, chị Hạnh nói: “Hơn 10 năm nay tui chưa từng mua một đôi dép. Giày dép, thậm chí cả quần áo cũng lượm trong đống rác ra giặt sạch rồi mặc, rồi mang chứ hổng có tiền mua”. Không riêng gì chị Hạnh, hàng trăm người phụ nữ làm công việc này đều vậy. Họ sống vật lộn trong đống rác để kiếm cơm. Khi trở về nhà, họ lại lo miếng cơm ăn qua bữa rồi đi ngủ sớm để ngày mai còn có sức làm. Chuyện son phấn với những người phụ nữ này lại càng trở nên xa xỉ. 

SỐNG NHỜ VÀO RÁC, BỆNH CŨNG VÌ RÁC

Trời tháng 3 nắng như đổ lửa, đã 11 giờ 30 phút nhưng ông Nguyễn Ngọc Tuấn (50 tuổi) vẫn nhoài mình trên bãi rác Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), cần mẫn nhặt nhạnh từng cái bao tải, vỏ nhựa, thanh nhôm… Tất cả những gì có thể bán ve chai là ông gom hết cho vào một góc bên phải của bãi rác, để cho khô ráo rồi kêu lái đến cân. Theo lời kể của ông Tuấn thì đến nay ông đã có 14 năm nhặt rác. Hồi xưa, ông Tuấn nhặt ở bãi rác Bưng Riềng, từ năm 2017 huyện Xuyên Mộc dời bãi rác về Phước Thuận, ông Tuấn cũng theo về đây nhặt ve chai tiếp. Ông được cho phép cất cái chòi nhỏ trong bãi rác vừa ăn, ngủ vừa trông coi bãi rác và nhặt ve chai trong bãi kiếm sống. Ông Tuấn kể: “Bọc ni lông bán sỉ với giá 1.200 đồng/kg; bao tải bán được nhiều hơn chút đỉnh 1.500 đồng/kg. Mỗi ngày hai vợ chồng siêng việc thì cũng kiếm được khoảng 300-400 ngàn đồng. Nhờ rác mà chúng tôi nuôi 2 đứa con ăn học. Đứa con gái lớn đã trưởng thành, lập gia đình riêng. Cậu con trai 20 tuổi nay kiếm được việc làm ngoài thị trấn thỉnh thoảng cũng vào bãi phụ ba mẹ. Biết là ảnh hưởng sức khỏe nhưng mình không có trình độ, học thức, muốn nuôi sống bản thân và gia đình thì phải làm thôi chứ biết sao giờ”. 

Trong khi đó theo chị Nguyễn Thị Chín (quê ở Vĩnh Long) gia đình chị 3 người đã có hơn 10 năm nhặt ve chai kiếm sống ở bãi rác Phước Cơ và Kbec Vina. “Hồi xưa tui nặng 64-65kg. Vậy mà chỉ trong một tháng đầu tiên đặt chân đến bãi rác, tui sụt mất 10 kg chứ không ít. Nhiều người mới vào nghề, dễ chui vào đống rác là ói mửa. Nhưng làm riết rồi quen”, chị Chín nói.  

Vẫn biết, làm việc ở các bãi rác là rất độc hại nhưng vì miếng cơm manh áo, những người làm công việc này hàng ngày vẫn phải bám lấy rác để mưu sinh. Rác đến đâu, họ lại theo đến đó. “Làm những nghề lao động khác thì công việc không thường, còn rác thì ngày nào cũng có nên dù khó khăn vất vả cũng phải bám lấy những đống rác mà mưu sinh kiếm sống”, anh Phạm Văn Khôi, quê ở Hậu Giang đang mưu sinh tại bãi rác phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) cho biết. 

Bài, ảnh: CÁT TIÊN

.
.
.