.

Bảo đảm an toàn thực phẩm ở trường học

Cập nhật: 16:50, 20/03/2019 (GMT+7)

Do ảnh hưởng từ thông tin về tình hình dịch tả heo châu Phi và heo nhiễm sán tại một trường mầm non ở tỉnh Bắc Ninh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng sử dụng thịt heo trong các bữa ăn của trẻ tại trường. Sở GD-ĐT đã có yêu cầu các trường học không “tẩy chay” thịt heo mà cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

Hiện nay, nhiều trường học đã ngưng sử dụng thịt heo trong bữa ăn bán trú của HS.  Trong ảnh: Trường Mầm non Thùy Vân (TP. Vũng Tàu) ngưng sử dụng thịt heo trong thực đơn bán trú từ ngày 19-3.
Hiện nay, nhiều trường học đã ngưng sử dụng thịt heo trong bữa ăn bán trú của HS. Trong ảnh: Trường Mầm non Thùy Vân (TP. Vũng Tàu) ngưng sử dụng thịt heo trong thực đơn bán trú từ ngày 19-3.

NHIỀU TRƯỜNG KHÔNG DÙNG THỊT HEO

Ngày 15-3, Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa) đã có thông báo ngưng sử dụng thịt heo trong bữa ăn bán trú của trẻ. Đến ngày 18-3, toàn bộ bữa ăn của trẻ đều không có thịt heo, thay vào đó là thịt bò, thịt gà, tôm, cá, trứng. Cô Đặng Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng cho biết, nhà trường tạm dừng sử dụng thịt heo để phụ huynh an tâm trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang bùng phát và thông tin về thịt heo nhiễm sán ở một trường mầm non tại tỉnh Bắc Ninh. Cô Mai Hoa bày tỏ: “Trong bữa ăn bán trú, thịt heo là một trong những nguồn thực phẩm chính có mức giá hợp lý. Khi ngưng sử dụng thịt heo, việc cân đối dinh dưỡng cho bữa ăn của HS với chi phí không đổi khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn”. Theo cô, nhà trường sẽ liên tục theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh để có sự điều chỉnh hợp lý. Cùng với đó, nhà trường cũng yêu cầu bộ phận tiếp phẩm của trường kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào, kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường nhằm bảo đảm cho bữa ăn bán trú của HS an toàn, chất lượng.

Tương tự, Trường Học viện Anh Quốc (UK Academy, TP. Bà Rịa) cũng thông báo tạm ngưng sử dụng thịt heo trong bữa ăn cho HS từ ngày 18-3 cho đến khi tình hình dịch tả heo châu Phi được kiểm soát. Tại Trường TH Quang Trung (TP. Vũng Tàu), nhà trường cũng gửi tin nhắn qua ứng dụng VNEdu cho từng phụ huynh thông báo dừng sử dụng thịt heo trong bữa ăn bán trú từ 18-3. Các trường học trên địa bàn TP. Vũng Tàu như: Mầm non Hương Sen, Tiểu học Trưng Vương, Tiểu học Quang Trung… cũng ra thông báo tương tự.

Một số trường khác dù không ngưng hoàn toàn nhưng cũng cắt giảm tối đa lượng thịt heo trong bữa ăn của HS. Cô Hoàng Thị Xuân Lành, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương (huyện Châu Đức) cho hay, việc cắt giảm thịt heo trong bữa ăn bán trú bắt đầu được thực hiện từ ngày 18-3. Lượng thịt heo trong bữa ăn đã giảm khoảng 20% so với trước đây để phụ huynh bớt lo lắng. Bên cạnh việc niêm yết công khai thực đơn hàng tuần của trẻ, nhà trường còn yêu cầu đơn vị cung cấp nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường kiểm soát khâu tiếp phẩm.

KIỂM SOÁT THAY VÌ “TẨY CHAY”

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở không khuyến khích các trường “tẩy chay” thịt heo. Việc này là không cần thiết và chỉ làm cho phụ huynh thêm lo lắng. Thay vào đó, các trường nên chú trọng kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, nhất là nguồn gốc, quy trình chế biến thực phẩm phục vụ bữa ăn cho HS. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế kiểm tra các bếp ăn trường học, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đưa vào bếp ăn chế biến thức ăn cho HS. 

Về phía phụ huynh, nhiều người cũng cho rằng, nhà trường không nhất thiết phải “tẩy chay” thịt heo mà nên tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn thịt heo nhập vào bếp, tạo điều kiện để phụ huynh cùng tham gia công tác này. Chị Ngô Thị Thúy, một phụ huynh đề nghị: “Ngoài việc công bố cơ sở cung cấp thực phẩm cho phụ huynh được biết, nhà trường cần chủ động mời phụ huynh cùng tham gia kiểm tra bếp ăn định kỳ”. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 170 trường mầm non và 100% trường tổ chức nấu ăn bán trú ngay tại trường; 139 trường tiểu học, trong đó có 65 trường tổ chức bán trú (35 trường hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, 30 trường tự tổ chức nấu ăn tại trường).

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, HS, cha mẹ HS về việc đảm bảo vệ sinh, ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa, dịch bệnh dễ bùng phát. Song song đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, y tế nhằm huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, ATTP tại các cơ sở giáo dục. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN-KHÁNH CHI

 
.
.
.