Giúp bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong "giờ vàng"

Thứ Ba, 19/02/2019, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Trước đây, những trường hợp bị đột quỵ trên địa bàn TP.Vũng Tàu thường buộc phải chuyển viện lên tuyến trên trong tình trạng nguy hiểm do không được cấp cứu vào “giờ vàng” - khoảng thời gian 3 giờ từ khi xảy ra cơn đột quỵ. Trước tình trạng này, BV Lê Lợi đã thành lập đơn vị cấp cứu đột quỵ, giúp nhiều bệnh nhân được cấp cứu sớm kịp thời, tránh di chứng hoặc tử vong.

Bác sĩ Trần Thiện Trường khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ nằm tại Khoa HSTCCĐ.
Bác sĩ Trần Thiện Trường khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ nằm tại Khoa HSTCCĐ. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hàng năm có 200.000 bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, bệnh đột quỵ không giống các bệnh khác, thường xảy ra bất ngờ, không báo trước, thường là trên người đang khỏe mạnh, đang sinh hoạt, làm việc và không loại trừ bất cứ ai. Việc nhận biết các dấu hiệu người đang bị đột quỵ, cách xử lý tại chỗ có ý nghĩa sống còn với người bệnh. Bởi “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ chỉ khoảng 3 giờ và mỗi phút trôi qua có 2 triệu tế bào thần kinh của người bệnh bị mất đi. Do đó, Bộ Y tế đã có chỉ đạo yêu cầu mỗi tỉnh thành phải thành lập ít nhất một đơn vị đột quỵ. 

Dưới yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Y tế, từ năm 2015, BV Lê Lợi đã thành lập đơn vị cấp cứu đột quỵ trực thuộc khoa HSTCCĐ. Sau khi thành lập, BV đã cử 3 BS, mỗi người học một chuyên khoa về thần kinh, nội tim mạch, hồi sức cấp cứu. Đến giữa năm 2016, đơn vị được BV Nhân dân 115 (TP.Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật sử dụng tiêu sợi huyết cấp cứu bệnh nhân đột qụy do nhồi máu não. Từ đó đến nay, BV đã cấp cứu kịp thời cho nhiều trường hợp đột quỵ bằng kỹ thuật này.

Mới đây nhất, BV Lê Lợi đã cấp cứu rất kịp thời cho anh Nguyễn Văn Quân (47 tuổi, ngụ tại phường 1, TP.Vũng Tàu). Anh Quân đang trong trạng thái bình thường thì đột nhiên bị chóng mặt dữ dội, tay chân tê bì. Anh được người nhà đưa đến khám tại BV Lê Lợi. Sau khi khám lâm sàng và chụp MRI (cộng hưởng từ) não cho thấy anh bị tắc nghẽn mạch máu não dẫn đến đột quỵ. Anh đã được các bác sĩ sử dụng thuốc cấp cứu và điều trị các biến chứng. Nhờ được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của anh Quân dần ổn định và trở lại sinh hoạt bình thường.

Tương tự, ông Hoàng Bá Sinh (87 tuổi, ngụ tại phường 8, TP.Vũng Tàu) cũng đã được BV Lê Lợi cứu sống khi bị xuất huyết não. Ông Sinh được gia đình phát hiện trong tình trạng mê man, tay chân lạnh và cứng, lay gọi không có phản ứng. Khi được đưa vào cấp cứu, ông vẫn trong tình trạng hôn mê, đồng thời nửa thân bên phải bị liệt, huyết áp thì tăng cao. Sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành điều trị, cứu bệnh nhân Sinh thoát khỏi cơn nguy kịch.

Bác sĩ Trần Thiện Trường, Trưởng Khoa Khám bệnh, phụ trách đơn vị cấp cứu đột quỵ của BV Lê Lợi cho biết: Trung bình mỗi tuần, BV Lê Lợi tiếp nhận từ 5-7 trường hợp đột quỵ. Các ca đột quỵ xuất phát từ 2 nguyên nhân là xuất huyết não và tắc nghẽn mạch máu não (nhồi máu não). Dù là nguyên nhân nào thì đột quỵ cũng đều rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề.

Việc lập đơn vị cấp cứu đột quỵ đã giúp xử lý bệnh nhân kịp thời trong thời gian vàng (ít hơn 3 giờ kể từ xảy ra cơn đột quỵ), bệnh nhân sẽ dễ được cứu sống, hạn chế tối đa di chứng, đặc biệt là đối với đột quỵ do nhồi máu não.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trường, khó khăn hiện nay là đơn vị này vẫn rất thiếu nhân sự. Do đó, BV chưa bố trí bác sĩ phụ trách chuyên về lĩnh vực này. Cả 3 bác sĩ phụ trách thì đều còn phải kiêm nhiệm các công việc khám và điều trị của các khoa khác. Cũng vì lý do này mà đơn vị cấp cứu đột quỵ mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân, chứ chưa tổ chức điều trị phục hồi cho bệnh nhân sau giai đoạn cấp cứu. “Để đơn vị cấp cứu đột quỵ hoạt động tốt cần bổ sung ít nhất 3 bác sĩ chuyên trách về lĩnh vực đột quỵ”, bác sĩ Trường cho biết.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.