Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết

Thứ Năm, 31/01/2019, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm sẽ tăng cao, kéo theo nguy cơ ngộ độc cũng được cảnh báo. Người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn và cách xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Người tiêu dùng cần chọn thịt có màng ngoài khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra ATTP tỉnh kiểm tra quầy bán thịt sống tại chợ Phước Nguyên (TP. Bà Rịa).
Người tiêu dùng cần chọn thịt có màng ngoài khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra ATTP tỉnh kiểm tra quầy bán thịt sống tại chợ Phước Nguyên (TP. Bà Rịa).

LỰA CHỌN THỰC PHẨM AN TOÀN  

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATVSTP, hoặc ăn phải thực phẩm có chứa độc tố. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết, bác sĩ Đào Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn để hạn chế nhiễm độc thực phẩm. 

Nếu chọn thực phẩm là cá, tôm, gà, vịt... bạn nên chọn loại còn sống, cử động được, với gà, vịt tốt hơn hết là đã được kiểm dịch thú y. Những loại thực phẩm đã qua giết mổ, pha chế sẵn thì nên chọn mua ở những cửa hàng có uy tín và bảo đảm chất lượng cho khách hàng. Rau, quả nên mua ở những cửa hàng bán rau, quả sạch; không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như “quá mập”, “quá phồng” hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Thịt nên chọn thịt tươi có màng ngoài khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính, tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Những loại thực phẩm đồ hộp cần phải còn hạn sử dụng, đồ hộp không bị phồng, méo mó, han gỉ. Người tiêu dùng tuyệt đối không mua những loại thực phẩm đã hết hạn sử dụng. 

Khi mua các sản phẩm đóng gói, người tiêu dùng cần chú ý đến nhãn mác sản phẩm phải có đầy đủ các nội dung như tên thực phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của thực phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ hàng hóa...; Đối chiếu yêu cầu bảo quản sản phẩm trên nhãn mác với điều kiện thực tế của cửa hàng để lựa chọn sản phẩm. Chẳng hạn, không mua sản phẩm được yêu cầu bảo quản mát hoặc lạnh mà cơ sở không có phương tiện bảo quản mát, lạnh hoặc nơi bày bán dưới nắng, nóng...

XỬ TRÍ KHI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Chia sẻ về cách xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Hà cho biết, người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng…  Nếu ngộ độc nhẹ, cần gây nôn (khi nạn nhân còn tỉnh, không thể tự nôn, có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài), sau đó để người bệnh nằm nghỉ ngơi, thường xuyên bù nước bằng đường uống. Người bị ngộ độc thường mất một lượng nước khá lớn do nôn và tiêu chảy. Sau mỗi lần như vậy, nên cho uống bù dung dịch oresol (pha một gói oresol với 1 lít nước), hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa… Cũng có thể pha một muỗng cà phê muối gạt ngang, 8 muỗng cà phê đường gạt ngang với 1 lít nước sôi nguội cho bệnh nhân uống. Ngoài việc bù nước và điện giải, uống các dung dịch kể trên còn giúp pha loãng bớt chất độc trong cơ thể bệnh nhân, hạn chế tác hại của ngộ độc xuống mức tối thiểu.

“Nhiều người lầm tưởng rằng người bị ngộ độc thực phẩm cần nhịn ăn, chỉ nuôi dưỡng bằng truyền đạm, truyền nước hoặc chỉ ăn cháo muối cho lành là sai lầm. Thực ra, bệnh nhân vẫn cần được cung cấp chất dinh dưỡng, chỉ phải lưu ý cho ăn những thứ mềm, nhẹ, dễ tiêu, không ăn quá no để tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa đang ốm yếu”, bác sĩ Hà lưu ý.

Khi nhận thấy các dấu hiệu của ngộ độc nặng, như: Nạn nhân đau bụng quằn quại, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần...  nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.