"Gỡ rối" cho học sinh trước kỳ thi THPT Quốc gia

Thứ Ba, 29/01/2019, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, từ cuối năm 2018 đến nay, Sở GD-ĐT và các nhà trường đã tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Các hoạt động đó giúp HS tìm ra hướng đi đúng đắn trong việc chọn ngành, chọn trường cũng như nắm rõ phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

BĂN KHOĂN CHỌN NGÀNH, CHỌN TRƯỜNG

Sắp đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia nhưng em Dương Anh Khoa (HS lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ) vẫn lúng túng trong việc chọn ngành, chọn trường. Anh Khoa chia sẻ: “Em dự kiến chọn bài khoa học tự nhiên để xét tốt nghiệp và dùng kết quả tổ hợp A1 (Toán, Lý, Anh) để xét tuyển ĐH. Nhưng thực sự là em chưa chọn được trường và ngành phù hợp với mình”. Cũng như Anh Khoa, em Đỗ Ngọc Minh Thư (HS Trường THPT Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu) phân vân: “Em đang băn khoăn lựa chọn giữa ngành thể thao em đam mê và có khả năng; và một bên là ngành kinh doanh theo định hướng của gia đình nhưng em không biết đâu mới là lựa chọn chính xác”.

Chương trình tư vấn mùa thi tại Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) đã cung cấp cho HS những kiến thức về chọn trường, chọn ngành, tư vấn tâm lý mùa thi.
Chương trình tư vấn mùa thi tại Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) đã cung cấp cho HS những kiến thức về chọn trường, chọn ngành.

Ông Đoàn Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Kỹ năng hành trang sự nghiệp (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, nhiều HS đang lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành. Các em thường lựa chọn theo một số xu hướng như đăng ký theo bạn bè; đăng ký những ngành hấp dẫn mà không biết có hợp với mình hay không, chọn ngành nghề theo mong muốn, nguyện vọng của ba mẹ, thậm chí đến giai đoạn nước rút thì chọn bừa một ngành có mức điểm vừa sức. Những sự lựa chọn đó có thể đưa các em tới sai lầm về nghề nghiệp sau này. 

Theo ông Hưng, các yếu tố tác động tới việc lựa chọn nghề là: sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội. Trước khi lựa chọn, các em cần liệt kê các ngành nghề bản thân yêu thích theo thứ tự ưu tiên (trả lời câu hỏi “tôi thích ngành nghề gì?). Mỗi ngành nghề cũng cần xác định các yêu tố: công việc, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, tính chất công việc, uy tín xã hội. Sau đó, các em hãy tìm hiểu về các nghề đó, về các yêu cầu của từng ngành nghề. Từ đó tìm ra các điểm chung giữa ngành nghề yêu thích, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Bước cuối cùng là dựa trên ngành nghề đã chọn xem ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào và có những nơi nào đào tạo ngành nghề đó. Sau khi xác định hệ đào tạo sẽ xác định lựa chọn trường đào tạo bằng cách lập danh sách các trường đào tạo theo hệ đã lựa chọn: Công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu, uy tín, địa điểm, học phí, khối xét tuyển… để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với mình.

HỌC NGÀNH NÀO DỄ KIẾM VIỆC? 

Em Nguyễn Hoàng Việt Anh (HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Bà Rịa) trăn trở với câu hỏi nên học ngành nào để dễ tìm việc. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo phát triển nhu cầu nguồn nhân lực Sở LĐ-TBXH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, BR-VT là tỉnh phát triển cả dịch vụ cảng biển, dầu khí, thủy sản, du lịch, kết hợp công nghiệp, thương mại, nhưng vẫn giữ nền tảng nông nghiệp. Đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, mới đạt trên 55%. Mỗi năm, toàn tỉnh có 55.000 nhu cầu việc làm với 8 nhóm ngành cơ bản: công nghệ-kỹ thuật (33% nhu cầu nhân lực). Ngành này đang thiếu hụt trên phạm vi cả nước, gồm các ngành nhỏ là công nghệ thông tin và điện tử, chế biến thực phẩm, công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ robot. Tiếp đến là các nhóm ngành về kinh tế-tài chính-hành chính, pháp luật và nhân sự; Kiến trúc, xây dựng, thiết kế; Tâm lý học, xã hội học, du lịch; Nhóm ngành sư phạm; Nhóm ngành chăm sóc sức khỏe; Nhóm ngành công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành văn hóa, thể dục - thể thao.

Theo ông Trần Anh Tuấn, thị trường lao động đang mở ra, với tinh thần khởi nghiệp để tạo ra việc làm mới, thì việc chọn ngành nghề, cấp bậc học phù hợp là hết sức quan trọng. “Không có bậc học nào cao hay thấp, mà chỉ có những con người không tư duy, không biết hành động, xây dựng giá trị ngành nghề để vươn lên phát triển mới là người thụt lùi. Người lao động trong thời đại mới phải có tư duy phát triển, luôn nỗ lực rèn luyện nghề nghiệp, giỏi ngoại ngữ, công nghệ, có kỹ năng và kỷ luật sẽ gặt hái được thành công”, ông Tuấn chia sẻ.

CÁCH NÀO VƯỢT QUA BÀI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC?

Nhiều HS cũng lo lắng trước thông tin một số trường ĐH xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực. Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, nhìn chung quy chế xét tuyển ĐH vẫn ổn định. Bên cạnh việc xét tuyển bằng kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển học bạ THPT, tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển thẳng, nhiều trường còn dùng kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực riêng để xét tuyển. Ví dụ, các trường thuộc ĐH Quốc gia dùng bài kiểm tra năng lực để xét tuyển 40% tổng chỉ tiêu. Một số trường khác lại lấy kết quả của kỳ kiểm tra năng lực, kết hợp kết quả với học bạ và kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Ngoài ra, có trường lại đăng ký dùng kết quả bài đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia tổ chức để xét tuyển. HS quan tâm đăng ký xét tuyển vào trường nào nên tham khảo thông tin chính thức trên website, liên hệ trực tiếp ban tư vấn tuyển sinh để có thông tin cụ thể, nhằm đạt kết quả xét tuyển như mong muốn. 

HS lớp 12 Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong giờ học.
HS lớp 12 Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong giờ học.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh thông tin: Việc tổ chức bài kiểm tra năng lực tùy thuộc yêu cầu đào tạo phù hợp với trường và ngành đào tạo. Đơn cử, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh cần người học có khả năng tư duy, lập luận, diễn đạt. Trên cơ sở đó, bài kiểm tra đánh giá năng lực của trường gồm 3 phần: tư duy logic, kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ tiếng Việt và kiến thức xã hội. Trong đó có phần quan trọng là các kiến thức của bộ môn giáo dục công dân cũng như khả năng sử dụng tiếng Việt chuẩn xác - một yêu cầu cần thiết với một luật sư tương lai. Theo tiến sĩ Phước, việc kiểm tra năng lực là một phần thi chiếm 30% tổng điểm xét tuyển vào trường (bên cạnh 10% điểm xét tuyển học bạ và 60% điểm thi THPT Quốc gia).  

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để xét tuyển. Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7-2019, với 120 câu trắc nghiệm. Điểm của bài kiểm tra này được bảo lưu 2 năm nên HS lớp 11 cũng có thể tham dự kỳ thi này và sử dụng kết quả để xét tuyển vào năm sau. Bài thi gồm 3 phần: ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; Toán logic và phân tích số liệu (thuộc chương trình lớp 12 và thống kê xác suất khối 11); kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. “Bài kiểm tra năng lực đánh giá cao khả năng nhận thức, tư duy logic và kiến thức xã hội. Do đó, những HS nắm vững kiến thức tổng hợp dễ đạt điểm cao”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn khẳng định.

Ông Phan Sơn Trường, Trưởngphòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 cơ bản vẫn được duy trì ổn định, chỉ có một số thay đổi nhỏ về mặt kỹ thuật để tăng sự minh bạch, khách quan. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Sau đó, Sở GD-ĐT sẽ triển khai tới các địa phương, nhà trường. Các nhà trường sẽ có hướng dẫn cụ thể cho HS làm thủ tục đăng ký dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.