Giáp Tết, coi chừng "bà hỏa"

Chủ Nhật, 13/01/2019, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Giáp Tết là cao điểm mùa khô, trong khi lượng hàng hóa nhiều, người dân hay đốt vàng mã... khiến nguy cơ xảy ra cháy, nổ tăng cao. Lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn PCCC. Nhưng, để phòng ngừa cháy nổ, sự chủ động của các cá nhân, tổ chức là rất quan trọng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chung cư DIC Phoenix (Khu đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu). Ảnh: TRÍ NHÂN
Lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chung cư DIC Phoenix (Khu đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu). Ảnh: TRÍ NHÂN

CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA

Sáng 12-1, mới bước vào cổng chợ Rạch Dừa (phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu), chúng tôi đã nghe loa phát thanh của Ban quản lý chợ thông báo: “Cấm xe vào chợ, cấm bày bán hàng hóa lấn chiếm đường đi, cấm thắp nhang, đèn cầy, nấu ăn trong các quầy sạp, cấm tự ý câu móc điện… để bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ trong chợ”.

Bên trong khu nhà lồng, lượng hàng hóa nhiều hơn những ngày thường nhưng được sắp xếp, treo móc gọn gàng, người mua dễ dàng đi lại, lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Hải, kinh doanh nón, dù tại chợ đã hơn 10 năm nay. Như nhiều hộ kinh doanh khác, dịp lễ, Tết, chị cũng nhập về nhiều hàng hóa hơn ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. “Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết rằng thời điểm giáp Tết, nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao hơn ngày thường. Do vậy, chúng tôi luôn chú trọng công tác phòng ngừa cháy, nổ để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và mọi người. Tôi cũng đã được nhân viên ban quản lý chợ hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu”, chị Hải cho hay.

Ông Dương Văn Dũng, Trưởng Ban quản lý chợ Rạch Dừa cho biết, chợ Rạch Dừa có diện tích hơn 23.000m2, được chia thành 7 khu với 700 tiểu thương đang buôn bán. Vào những ngày lễ, Tết, lượng hàng hóa nhập về nhiều hơn ngày thường nên công tác PCCC luôn được Ban quản lý chú trọng. “Chúng tôi đã cho các tiểu thương ký cam kết mua bảo hiểm PCCC, không thắp nhang, đèn cầy, câu móc điện, nấu ăn… ở các quầy sạp trong chợ. Đồng thời, lực lượng bảo vệ chợ thường xuyên kiểm tra để kịp thời nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Dũng nói. 

Không chỉ các chợ, mà các cơ sở sản xuất cũng chạy đua để kịp đơn hàng vào dịp cuối năm. Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ một xưởng mộc trên đường Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP. Vũng Tàu cho biết: “Khách nào cũng muốn giao hàng sớm để kịp đón Tết nên công nhân phải tăng ca cả ngày Chủ nhật và buổi tối. Bên cạnh việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, tôi cũng luôn chú trọng công tác an toàn lao động, đặc biệt là phòng ngừa cháy, nổ. Bởi, gỗ là vật liệu dễ bắt lửa, nếu không cẩn thận để xảy ra cháy thì thiệt hại rất lớn”.  

NGUY CƠ CHÁY, NỔ GIA TĂNG

Đại úy Nguyễn Phú Quốc, Phó phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh cho biết, giáp Tết là thời điểm có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn cháy, nổ. Nguyên nhân là thời gian này các hộ gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, đốt bỏ rác thải, cây cỏ; cơ sở sản xuất kinh doanh nhập nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; các chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa phục vụ thị trường Tết nên kho chứa dồn ứ, các lối thoát hiểm bị hẹp lại, bình chữa cháy bị che khuất... Song song đó, các DN tăng ca sản xuất để kịp đơn hàng, kéo theo nhu cầu sử dụng nhiên liệu, điện tăng cao, trong khi hệ thống điện không thay đổi, nên dễ dẫn đến quá tải, chập cháy.

Bên cạnh đó, sự chủ quan, lơ là của người dân trong công tác PCCC cũng tạo nên nguy cơ cao về cháy nổ. Đơn cử, chiều 2-12-2018, một vụ cháy đã xảy ra tại quán cà phê số 1007/35 đường 30-4, TP. Vũng Tàu. Dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều 2 xe cứu hỏa cùng hơn chục chiến sĩ đến xử lý nhưng do mái nhà được lợp bằng lá dừa khô; cột, kèo bằng gỗ nên lửa, khói lan rất nhanh và bao trùm cả quán (rộng hơn 100m2) nên quán cà phê đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người. Gần đây nhất, chiều 7-1, tại số 164 đường Phạm Hồng Thái, TP. Vũng Tàu, người dân đốt rác, cỏ khô đã để lửa lan nhanh ngoài tầm kiểm soát nên phải gọi điện báo lực lượng Cảnh sát PCCC đến ứng cứu. Nếu đám cháy không được dập tắt kịp thời, lan vào nhà dân gần đó thì hậu quả sẽ khó lường. 

Lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh chữa cháy tại quán cà phê số 1007/35 trên đường 30-4, TP.Vũng Tàu.
Lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh chữa cháy tại quán cà phê số 1007/35 trên đường 30-4, TP.Vũng Tàu.

Nhận định những diễn biến phức tạp của cháy, nổ trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tăng cường nhân lực, phương tiện để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn. Đồng thời, Cảnh sát PCCC chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, DN, ban quản lý các chợ... tăng cường các biện pháp PCCC, bảo đảm lực lượng và phương tiện sẵn sàng chữa cháy 24/24 giờ. Phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh lưu ý các cơ sở sản xuất, DN, chợ, trung tâm thương mại thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, tránh sự cố quá tải, chập cháy; bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động và các phương tiện chữa cháy; sắp xếp hàng hóa hợp lý, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh tình trạng ùn ứ, cản trở lối thoát nạn. 

Nhân viên Ban quản lý chợ Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu kiểm tra van họng nước cứu hỏa.
Nhân viên Ban quản lý chợ Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu kiểm tra van họng nước cứu hỏa.

Ngoài việc kiểm tra công tác PCCC đợt cao điểm cuối năm, lực lượng Cảnh sát PCCC còn tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các đơn vị, DN, chợ và khu dân cư nhằm giúp mọi người nắm được cách xử lý tình huống và kịp thời thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. “Cảnh sát PCCC cũng tăng cường tuyên truyền về phòng ngừa cháy, nổ dịp trước và trong Tết. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân đối với công tác PCCC, tăng cường khả năng phối hợp ứng phó, xử lý với các tình huống cháy, nổ”, Đại úy Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh.

Các gia đình cần nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC, nhất là cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thực hiện các biện pháp an toàn khi đun nấu, thắp nhang, thờ cúng; kiểm tra và thay thế các thiết bị dùng điện đã cũ, tắt các thiết bị điện không sử dụng; không tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép pháo, vật liệu nổ... 

(Đại úy Nguyễn Phú Quốc,
Phó phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh)


Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy làm 4 người bị thương, thiệt hại 100,3 tỷ đồng. Trong năm, lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh tiếp nhận 172 tin báo cháy, đã huy động lực lượng xử lý kịp thời không để cháy lan, cháy lớn.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

;
.