Không giao khoán đất rừng sản xuất cho hộ dân

Thứ Ba, 04/12/2018, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Vụ khiếu nại của các hộ dân ở huyện Xuyên Mộc về việc bị Lâm trường Xuyên Mộc (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT) thu hồi đất, giao khoán đất rừng không đúng đối tượng đã kéo dài hơn 20 năm qua. Quá trình lãnh đạo tỉnh giải quyết khiếu nại của người dân, bảo đảm tinh thần trọng dân, lắng nghe và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các hộ dân của 3 xã Hòa Hội, Hoà Hiệp và Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) ngày 15-11-2018. Ảnh: GIA AN
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các hộ dân của 3 xã Hòa Hội, Hoà Hiệp và Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) ngày 15-11-2018. Ảnh: GIA AN

ĐẤT RỪNG BỊ XÂM CHIẾM

Cách đây 40 năm, ngày 13-5-1978, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 546/QĐ-UBT thành lập Lâm trường Xuyên Mộc (LTXM) với nhiệm vụ tổ chức kinh doanh tổng hợp toàn diện về lâm nghiệp trên diện tích 16.100ha, gồm: quản lý, bảo vệ, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, trồng mới, khai thác tận thu hợp lý lâm sản theo quy hoạch, kế hoạch hàng năm được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đến cuối năm 1996, UBND tỉnh BR-VT ban hành Quyết định số 3075/QĐ-UBT giao 8.273ha đất lâm nghiệp tại các xã Bưng Riềng, Hòa Hội, Bông Trang, Hòa Hiệp cho LTXM quản lý, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng mới để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

Giai đoạn từ năm 1986 – 1995, làn sóng di dân tự do từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung ồ ạt đổ về huyện Xuyên Mộc. Do nhu cầu về đất sản xuất tăng lên, trong khi công tác quản lý rừng và đất rừng của LTXM bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng người dân tự ý xâm chiếm đất rừng làm rẫy, sang nhượng đất trong diện tích đất rừng được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho LTXM.

Thực hiện nhiệm vụ trồng mới rừng hàng năm, từ năm 1992 đến năm 1995, LTXM đã tiến hành thu hồi đất rừng thuộc phạm vi quản lý của LTXM bị hộ dân xâm chiếm sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là khoảng thời gian bắt đầu phát sinh khiếu nại, tố cáo của người dân các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc về việc bị LTXM giải tỏa, thu hồi đất. Người dân cho rằng, họ có công khai hoang diện tích đất này. Sau đó, LTXM thu hồi lại đất của người dân để trồng rừng. Vì vậy, các hộ dân yêu cầu giao trả đất cho họ sản xuất nông nghiệp.

Khiếu nại trên của các hộ dân đã được Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra vào tháng 8-2001. Theo đó, Thanh tra Nhà nước đã có văn bản số 903/TTNN-XKT ngày 18-10-2001, nêu rõ: Vào thời điểm từ năm 1988-1990, các hộ dân tự ý bao chiếm đất, xâm canh trên diện tích đất trước đây tỉnh Đồng Nai và sau này là UBND tỉnh BR-VT giao cho LTXM quản lý, sử dụng nhưng không được cơ quan thẩm quyền cho phép, không kê khai, đóng thuế cho Nhà nước là sai quy định của Luật Đất đai năm 1988, 1993 và 1998. Do vậy, không có cơ sở để xem xét việc giao trả lại đất cho các hộ dân. Hành vi tự động vào lấn chiếm đất LTXM của các hộ dân là vi phạm pháp luật. 

KHÔNG CÓ CƠ SỞ ĐỂ GIAO KHOÁN 

Thế nhưng, các hộ dân ở 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc vẫn tiếp tục khiếu nại đòi được giao trả đất sản xuất nằm trong diện tích đất rừng do LTXM trước đây và từ năm 2006 chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT quản lý. Việc khiếu nại đã kéo dài hơn 20 năm qua, diễn biến ngày càng phức tạp, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực với các cơ quan chức năng các cấp từ xã đến huyện và tỉnh; khiếu nại, tố cáo đến cơ quan Trung ương. Sau hàng chục lần tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các hộ dân khiếu nại, sự việc được phân tích thấu tình, đạt lý với sự nhất quán xuyên suốt là: Hành vi tự động vào lấn chiếm đất LTXM của các hộ dân là vi phạm pháp luật. Do vậy, không có cơ sở để xem xét việc giao trả lại đất cho các hộ dân.

Gần đây, ngày 15-11, tại buổi tiếp đại diện của các hộ dân 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc khiếu kiện liên quan đến giao khoán đất trồng rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh đã công bố Văn bản số 11646/UBND-VP ngày 13-11-2018 của UBND tỉnh, nêu rõ nội dung: “Không giao khoán đất trồng rừng sản xuất cho một số hộ dân khiếu kiện liên quan đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT”. Văn bản này cũng yêu cầu UBND huyện Xuyên Mộc khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, trong đó có 219 hộ dân trước đây thuộc diện được xem xét yêu cầu giao khoán đất trồng rừng sản xuất tại 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc.

Trước đó, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, báo cáo của Đoàn công tác đặc biệt của tỉnh và xem xét tình hình thực tế tại địa phương, ngày 5-11-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận số 1528-TB/TU, nêu rõ: Không thực hiện việc giao khoán đất trồng rừng sản xuất cho 219 hộ dân trong danh sách được xét nhận khoán đất trồng rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT. Bởi, việc giao khoán đất rừng cho hộ dân là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp Nhà nước”.

SỚM ỔN ĐỊNH DÂN SINH

Chiều 4-12, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng “Kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc”, hiện nay, UBND huyện Xuyên Mộc đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch này. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, địa phương xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, nhưng không đánh đổi môi trường và tỉ lệ che phủ rừng để lấy tăng trưởng kinh tế; phấn đấu tạo thêm 2.000 việc làm mới để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân trên địa bàn 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc; bổ sung quy hoạch và tiến hành đầu tư cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Hòa Hội với quy mô 70ha… Tổng nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, kế hoạch này hơn 234 tỷ đồng. 

Ông Trần Văn Phương - người dân ấp 4, xã Hòa Hội, bày tỏ: “Hiện nay, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu tỉnh có chủ trương không giao khoán đất rừng sản xuất thì cần có những chính sách khác để hỗ trợ cho người dân như xây dựng nhà máy, tổ chức làng nghề nhằm tạo việc làm ngoài sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ổn định đời sống kinh tế”.

Theo ông Nguyễn Minh Thích, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, sau khi UBND tỉnh có thông báo về việc không thực hiện giao khoán đất trồng rừng sản xuất cho các hộ dân khiếu kiện liên quan đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chính quyền và người dân xã Hòa Hội mong muốn tỉnh sớm triển khai cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã để tạo việc làm cho bà con địa phương. 

“Kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc đã được địa phương trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Sau đó, huyện sẽ tổ chức triển khai thực hiện nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân”, ông Đặng Thanh Minh cho hay.

GIA BẢO

;
.