.

Chuyện nhà vẫn cần hơn

Cập nhật: 16:12, 14/12/2018 (GMT+7)

Trong cuộc sống, con người có nhiều thứ để quan tâm. Nhưng thay vì quan tâm những chuyện có ích, thiết thực với đời sống của mình, nhiều người lại đi lo chuyện thiên hạ, chẳng liên quan gì đến mình. Điều đó có cần thiết không?

“Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp”. Nào! Một, hai ba đọc to lên. Giỏi, đọc lại lần nữa. Ngoan lắm”. Được khen, bé út đọc lanh lảnh, tròn vành rõ chữ. Có phải người mẹ đang dạy con út tập đánh vần “r” chăng? Không sai, nhưng cốt ý là cô muốn chọc quê người chồng. Nhìn bộ dạng, gương mặt của chồng ngày nào cũng rầu rĩ, đôi lúc cô bật cười. Vì rằng, cảm xúc u ám của “một nửa” là do tác động của những chuyện “trời ơi đất hỡi”. 

Đối với cô, vấn đề “quốc gia đại sự” như hôm qua giá xăng, dầu, vàng, đô la thế giới vừa tăng hay giảm; bữa nay thị trường chứng khoán ở châu Âu đang đứng yên hay trồi sụt thất thường; rồi sắp tới ở nước nào thì núi lửa, động đất, dịch bệnh sẽ xảy ra… cô chẳng thèm quan tâm. Nếu biết đến, chẳng qua nhỡ vào công sở có ai hỏi thì cũng biết chuyện mà “tám” cho vui. Còn hằng ngày mọi việc “sát sườn” thế nào, vẫn cứ phải chu đáo, lo toan đâu ra đó.

Ngược lại, người chồng rất hay chú ý đến từng chi tiết của các sự kiện quốc tế, rồi cảm xúc vui buồn cũng tùy thuộc vào đó. “Thế có chán không hả anh?”, Hồng sau khi “kể tội” chồng đã hỏi tôi một cách nghiêm túc. Sở dĩ trong câu hỏi đó có từ “chán”, tôi hiểu đã có sự tréo ngoe về mối quan tâm “tình hình thế giới” giữa hai người.

Theo Hồng kể, nhà cô vừa xảy ra một cuộc “chiến tranh lạnh”. Nguyên cớ ngay sau cuộc bầu cử ở nước nọ, anh Giang - chồng cô rầu rĩ suốt mấy ngày liền, thỉnh thoảng lại bình luận nghe phát khiếp: “Tình hình này, các nhà bình luận cho rằng ắt ảnh hưởng đến cục diện an sinh, kinh tế trên toàn thế giới. Sắp tới, theo anh diện mạo thế giới sẽ xẩy ra theo chiều hướng, một là…, hai là…”. 

 Nghe chồng nói thống thiết quá, hùng hồn quá cứ như đang phát ngôn trong các cuộc họp tổ dân phố, Hồng bụm miệng suýt phì cười. Ấy thế, Giang vẫn phân tích thao thao bất tuyệt mà cô như vịt nghe sấm. Hơn nữa, Hồng nghĩ nếu biết thêm những thông tin đó thì có ích lợi gì? Với cô, mối quan tâm hàng đầu vẫn là bé út ngủ có đẫy giấc, ăn uống có ngon miệng không? Mỗi ngày ra chợ thì lo lắng bó rau, miếng thịt, mớ cá có tăng giá không? Năm nay, cơ quan có duy trì thưởng tháng 13 như mọi năm hay không? v.v… Đơn giản và thiết thực, vậy thôi. 

Nghe xong lời tâm sự của Hồng, tôi bèn “bào chữa” cho Giang: “Ối dào, cô khắt khe quá. Mỗi người có một mối quan tâm chứ. Cô để ý rồi phàn nàn chi cho mệt đầu?”. Cô cười: “Đồng ý. Nhưng khổ nỗi anh xã nhà mình cứ mãi canh cánh chuyện “bao đồng” ấy, rồi đâm ra rầu rĩ khiến trong nhà mất vui. Rõ chán”. 

Tôi giật mình. Không ngờ, trong quan hệ vợ chồng lại có tình huống kỳ cục ít ai ngờ. Sở dĩ nói kỳ cục vì có những vấn đề dẫu mình biết đến, có quan tâm thì nó cũng chẳng thay đổi gì. Chẳng hạn, chuyện này, ai lại không phì cười? 

Vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp gọi ly cà phê, anh Long đã than: “Gay go thật”. Bọn tôi ngớ người, hỏi dồn dập: “Chuyện gì vậy?”. Sau giây lát ngồi thẫn thờ, anh kể đại khái, lâu nay cô vợ vẫn hay lên mạng xã hội truy tìm thông tin, tán gẫu với bè bạn, chuyện nhỏ thôi. Nào ngờ, mấy hôm nay, cô ta lại tỏ ra rất ưu tư, “quan ngại sâu sắc” vì đất nước nọ vừa công bố chế tạo được siêu máy bay không người lái. 

“Vậy há. Khoa học ngày càng phát triển, càng tốt thôi”, ai đó vừa nói chen vào. Long gật gù: “Thế nhưng cô vợ mình lại bảo: “Nếu nhỡ xẩy ra chiến tranh thế giới lần thứ 3? Ắt ghê gớm hơn nhiều. Loại máy bay đó sử dụng trong tác chiến thì đối phương cầm cự, đối phó làm sao?”. 

Ai nấy cùng cười rần rần. Tưởng Long nói đùa, chứ làm gì vợ anh lại có “tầm nhìn chiến lược” sâu xa đến cỡ đó. Không hề. “Các bạn đừng tưởng mình bịa nhé. Chưa hết đâu, bà xã mình còn đưa bản liệt kê trong 2 cuộc đại chiến thế giời đã có bao nhiêu người về chầu ông bà ông vải, bao nhiêu đền đài, công trình văn hóa của nhân loại bị phá hủy, các nước tham chiến đã “ngốn” hết bao nhiêu ngân sách quốc gia? Ối dào, nghe mà muốn điên cái đầu!”, Long thở dài cái sượt. 

Thật lạ, tâm lý con người ta trái khoáy ghê. Có những chuyện đang xảy ra ngay trong nhà, cần có biện pháp giải quyết thay đổi thì người chồng/vợ không mảy may để mắt đến. Thế nhưng đối với chuyện xa tít tận đâu  đâu, họ lại xem như chuyện bức bách, “trách nhiệm” của chính mình. 

Từ những mẩu chuyện trên, tôi lại nhớ đến tích xưa: Ở nước nọ có người nọ, luôn lo trời sập, đất sụp, bản thân mình không biết nương tựa vào đâu. Anh ta lo đến nỗi quên cả ăn, cả ngủ, đêm ngày âu sầu khổ não. Sống chung với người có tâm thế ấy, ắt “nửa này” có lúc cứ tưởng “nửa kia” như vừa “trên trời rơi xuống đất”. Biết khuyên can ra làm sao? 

 Đành rằng, sự quan tâm ấy, xét ở chừng mực nào đó cũng tốt thôi, nhưng cứ ôm lấy những chuyện “tầm cỡ quốc tế” như thể chuyện nhà mình, liệu có nên chăng? Trong khi đó, nếu sự quan tâm, ưu tư ấy dành cho những việc gần gũi ngay trong nhà mình vẫn thiết thực hơn. 

LÊ MINH QUỐC

.
.
.