Trạm y tế phường thưa vắng bệnh nhân

Thứ Tư, 03/10/2018, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, các phường trên địa bàn TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa đều có Trạm y tế, trong khi tại 2 thành phố này đều có trung tâm y tế, bệnh viện cấp tỉnh. Thực tế cho thấy, hầu hết các Trạm y tế phường đều thưa vắng bệnh nhân, hoạt động chưa thật sự hiệu quả, gây lãng phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và biên chế nhân sự.

ÍT NGƯỜI ĐẾN TRẠM Y TẾ KHÁM CHỮA BỆNH

Nhiều trạm y tế phường thưa vắng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Trạm Y tế phường Phước Hiệp (TP.Bà Rịa). 
Nhiều trạm y tế phường thưa vắng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Trạm Y tế phường Phước Hiệp (TP.Bà Rịa). 

Trên địa bàn TP.Vũng Tàu có 1 bệnh viện cấp tỉnh (Bệnh viện Lê Lợi), 1 trung tâm y tế thành phố, 16 trạm y tế phường và 1 trạm y tế xã. Qua đó hình thành mạng lưới khám chữa bệnh công lập đều khắp địa bàn dân cư. Tuy nhiên, việc bố trí địa điểm các trạm y tế phường chưa hợp lý, quá gần với cơ sở y tế tuyến trên. Cụ thể, Trạm Y tế phường 1 (số 19, Lê Lợi, phường 1) nằm đối diện với Bệnh viện Lê Lợi và cách Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu (số 278, Lê Lợi, phường 7) khoảng 1km. Tương tự, Trạm Y tế phường 7 (180, Nguyễn An Ninh, phường 7), Trạm Y tế phường Thắng Nhì (47, Nguyễn An Ninh, phường Thắng Nhì) cũng chỉ cách Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu vài trăm mét.

Tương tự, trên địa bàn TP.Bà Rịa có 1 bệnh viện cấp tỉnh (Bệnh viện Bà Rịa), 1 trung tâm y tế thành phố và 11 trạm y tế phường, xã. Các trạm y tế phường cũng có vị trí gần nhau. Cụ thể, trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám có đến 3 trạm y tế, gồm: Trạm Y tế phường Long Hương (số 94, Cách Mạng Tháng Tám), Trạm Y tế phường Phước Hiệp (số 299/29, Cách Mạng Tháng Tám) và Trạm Y tế phường Phước Trung (số 500, Cách Mạng Tháng Tám).

Nhân viên y tế Trạm Y tế phường 4 (TP.Vũng Tàu) sơ cứu vết thương cho người dân. 
Hiện nay, nhiều trạm y tế phường chỉ đông bệnh nhân vào những ngày tiêm chủng mở rộng, những ngày còn lại thì thưa vắng.
Trong ảnh: Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm phòng tại Trạm Y tế phường 7 (TP.Vũng Tàu). Ảnh: MINH THIÊN

Bà Trần Thị Hạnh, Trưởng Trạm Y tế phường 4, TP.Vũng Tàu cho hay, trung bình mỗi ngày, có 4-5 người dân đến trạm để thay bông băng vết thương. Chỉ những ngày thực hiện chương trình phòng, chống lao, HIV, tiêm chủng mở rộng cho trẻ, phụ nữ có thai thì mới có đông người dân đến trạm để uống thuốc, tiêm chích.

Anh Nguyễn Văn Trung (khu phố 2, phường 1, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Mỗi khi bị bệnh, tôi thường đến phòng khám tư. Khi nào cần phải làm xét nghiệm thì tôi đến Bệnh viện Lê Lợi. Tôi chưa bao giờ đến trạm y tế phường để khám chữa bệnh”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 84 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, các trạm y tế đều được xây dựng tương đối khang trang, nằm ở các vị trí thuận lợi, được xây dựng theo tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã, bảo đảm đủ số phòng và diện tích; được cấp các trang thiết bị theo quy định. Nhiệm vụ chủ yếu của các trạm y tế là thực hiện công tác sơ cấp cứu ban đầu; các chương trình, dự án dự phòng (chủ yếu là chương trình tiêm chủng rộng); hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích; tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm tại cơ sở theo phân cấp; quản lý sức khỏe hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính.

Mặc dù có cơ sở vật chất khá khang trang nhưng đội ngũ nhân lực tại các trạm y tế lại đang vừa thiếu về số lượng, vừa không bảo đảm về chuyên môn. Hiện nay, 84 trạm y tế được bố trí 721 người, mỗi trạm từ 5-10 người tùy theo quy mô dân số ở địa bàn, trong đó có 29 trạm y tế có bác sĩ. Việc thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

CÓ NHẤT THIẾT MỖI PHƯỜNG ĐỀU CÓ TRẠM Y TẾ?

Nhân viên y tế Trạm Y tế phường 4 (TP.Vũng Tàu) sơ cứu vết thương cho người dân. 
Nhân viên y tế Trạm Y tế phường 4 (TP.Vũng Tàu) sơ cứu vết thương cho người dân. 

Theo khảo sát gần đây của cơ quan chức năng tại các trạm y tế cho thấy, mỗi trạm có từ 5 đến 30 phòng chuyên môn, trong đó một số phòng chuyên môn rất ít sử dụng do không còn nhu cầu như: phòng tư vấn (từ 1-2 phòng) phòng sinh sản (từ 1-4 phòng); một số trang thiết bị y tế hiện đại (máy đo điện tim, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa…) được cấp nhưng không sử dụng do không có bác sĩ, hoặc không có bệnh nhân để thực hiện, gây lãng phí.

Theo ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, qua đợt khảo sát tại các trạm y tế cho thấy, tâm lý chung của người dân hiện nay là không muốn đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Khi có bệnh, họ thường đi khám ở phòng khám tư hoặc lên tuyến trên. Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn nhân lực y tế ở tuyến cơ sở còn hạn chế, do đó nhiều trạm y tế thiếu y, bác sĩ và kỹ thuật viên. Do vậy, hầu hết các trạm y tế phường chưa phát huy hết cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Thực tế cho thấy, trạm y tế ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện địa lý rộng, giao thông khó khăn, cách xa trung tâm y tế, bệnh viện cấp huyện nên đây là địa chỉ sơ cấp cứu, thăm khám bệnh ban đầu rất cần thiết cho người dân địa phương. Nhưng ở khu vực đô thị như TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa thì trạm y tế phường không phải là sự lựa chọn của người dân khi có nhu cầu khám sức khỏe, điều trị bệnh. Vì vậy, nên chăng cần sắp xếp lại tuyến y tế cơ sở khu vực đô thị với các trạm y tế liên phường nhằm tập trung nhân lực chuyên môn cao, sử dụng hết công năng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại để tránh lãng phí đầu tư công?

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1802 ngày 12-7-2018 phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế tỉnh BR-VT giai đoạn 2018 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, trong giai đoạn 2019 -2020, tỉnh sẽ sắp xếp lại các trạm y tế phường, xã, thị trấn phù hợp với quy định của Trung ương, phù hợp với nhu cầu thực tế ở từng địa phương. Trong giai đoạn 2021 - 2025, triển khai thí điểm mô hình “xã hội hóa” trạm y tế phường, xã, tiến tới triển khai mô hình bác sĩ gia đình đối với những đơn vị bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.

(Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế)

 

;
.