Khổ vì bị… "làm đẹp"!

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:06 [GMT+7]
In bài này
.

Khi lập gia đình rồi thì không thể tự do như còn độc thân. Mọi chuyện, từ giờ giấc sinh hoạt, đi đứng, vui chơi cũng phải vào khuôn khổ. Trước đây, còn đơn thân độc mã, muốn gì cứ việc, chẳng phải xin phép, hỏi ý kiến ai ngoài sự cân nhắc của chính mình. Nay thì không thể, bởi còn có một người kè kè bên cạnh. 

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Người đó luôn quan tâm đến mình mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng mọi gò bó nào cũng dần dà trở thành thói quen, chỉ riêng cách ăn mặc do vợ “làm đẹp” cho chồng hoặc ngược lại mới là nỗi niềm của nhiều người. Lúc đó, dù ấm ức ngấm ngầm phản đối nhưng rồi cũng phải chấp hành bởi đối tác đưa ra lý do rất thuyết phục: “Làm như vậy không ngoài mục đích để anh (hoặc em) đẹp hơn”. Nghe từng lời thốt ra ngọt ngào như rót mật vào tai, mà cũng hợp lý nữa, cãi sao được? Không dám cãi nhưng rồi đôi khi đi đứng không tự nhiên, lóng nga lóng ngóng. Họ bực bội bởi thấy mình đã hoàn toàn trở thành con người khác. 

Nói gần nói xa chẳng qua… nói thật. Sau khi “sở hữu” người ấy, trong tâm trí của nhiều phụ nữ rất muốn xóa sạch hình ảnh trước đó của “địch thủ” (nếu có). Dù không nói ra nhưng họ luôn có câu hỏi nghi ngờ thường trực: “Cái áo này có phải của X. tặng không? Lại nữa, cái quần này, có phải do Y. tư vấn mua không?”. Những câu hỏi “nhạy cảm” ấy đã xuất hiện nhanh như sao xẹt. Sau một hồi suy nghĩ chín chắn, cô vợ lẳng lặng thu gom quần áo của chồng giấu biệt. Thế là vào một ngày đẹp trời trước lúc đi làm, anh chồng ngạc nhiên khi thấy vợ đưa cho bộ quần áo mới keng. Sắc màu ấy rực rỡ, màu mè hoa lá cành quá. Lại môt đôi giày mới toanh, bóng lộn. Ngay cả cái dây nịt cũng khác trước, rồi cái cà vạt cũng thay màu! Khổ nỗi, chúng chẳng hợp với sở thích của anh chút nào nhưng đành chịu.

Lâu nay, khi vào cơ quan, anh chỉ cần bộ đồ đơn giản là đủ nhưng nay đã khác vì chị đã “làm đẹp” anh không kém cạnh bất kỳ một giám đốc nào. Công việc của anh thường xuyên tiếp xúc với bộ phận sản xuất, ăn mặc càng đơn giản càng tốt, có thể áo thun, quần jean, đôi giày bata là đúng điệu. Tuy nhiên, chị vẫn muốn anh chỉn chu hơn chứ không thể xuề xòa. “Có vợ rồi phải khác trước chứ anh?”. Câu nói ấy không sai chút nào nhưng ăn mặc theo “chỉ đạo” sít sao ấy đã khiến anh cảm thấy gò bó. Lúc ấy, muốn trở lại với “phong cách” như trước, nhưng rồi cũng không thể. Mà đã xong đâu. Trước kia khi độc thân, từ công sở quay về nhà, anh được ngang nhiên cởi trần, quần cụt thì nay thói quen ấy cũng thay đổi. 

Thông thường, sau khi lập gia đình, cách ăn mặc của người đàn ông vẫn không khác trước, miễn thỏa mái là được. Nhưng nhiều cô vợ lại “cao tay ấn” hơn, đã xóa sạch số điện thoại của “người cũ” thì những gì còn lại trên người anh ấy liên quan đến “người cũ” cũng phải… xóa luôn! Từ đó, hình ảnh của người chồng khác trước nhiều lắm, có điều họ cảm thấy như cực hình. Có thể liệt kê ra một vài thiện ý của vợ khiến người chồng cảm thấy khó chịu: Trước lúc bước ra khỏi nhà, những câu hỏi đều đặn vang lên như cô giáo nhắc nhở cậu học trò thường quên học bài: “Anh đã lăn khử mùi cho thơm tho chưa? Đã thoa dầu bóng lên tóc chưa? Rồi hả? Ngoan ơi là ngoan! À, bộ đồ này em mới sắm cho anh đó. Mặc thử đi anh. Sao lại không? Chà, trông đẹp như trai tân mười tám. Tha hồ cho các nàng mê tít! Anh sướng nhé!”. Nghe một loạt câu dặn dò âu yếm ấy mà lùng bùng cả lỗ tai.

Đâu chỉ có phụ nữ mới ý thức “làm đẹp” cho chồng, người đàn ông cũng vậy. Là giáo viên nên chị ăn mặc kín đáo và thường xuất hiện trước đám đông với tà áo dài nền nã, song nay khác hẳn. Do mối quan hệ ngoài xã hội nên chồng tích cực “cải tạo” hình ảnh của vợ cho “xứng đôi vừa lứa”. Anh đã tư vấn lẫn áp đặt chị phải thay đổi một loạt về thời trang, kiểu tóc, giầy dép, giỏ xách, thậm chí ngay cả cách đi đứng, màu son môi cũng nằm trong tầm “kiểm soát”! 

Rõ ràng, thiện ý ấy giúp chị trở nên tươi trẻ, xinh đẹp hơn nhưng khổ nỗi do thấy không hợp với bản thân nên trước đám đông, chị thành ra kém tự tin, cứ ngỡ mình là ma-nơ-canh được nhà thiết kế thử nghiệm các loại thời trang khoác lên người! Ngày mới yêu nhau, bất kỳ trang phục nào của chị, anh cũng khen lấy khen để nhưng nay tạo một hình ảnh mới cho chị để thiên hạ biết chị đã có chồng, đó chẳng phải một cách “khẳng định chủ quyền” sao?

Các tình huống éo le này thông thường rơi vào những đôi uyên ương son trẻ. Phải thừa nhận rằng, cả hai đều muốn một nửa của mình đẹp hơn, tốt hơn. Có điều, phong cách ăn mặc đã định hình trước đó nên khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Cả hai cần tạo ra một “lộ trình” cần thiết cho đối tác dần thích ứng. Có như vậy, “nửa kia” mới tâm phục khẩu phục và tự giác chấp hành. Còn nếu tiến hành “làm đẹp” quyết liệt quá, gấp rút quá, áp đặt quá đôi khi lại gây ra sự bực dọc, khó chịu…

LÊ MINH QUỐC 

 
;
.