Ngôi nhà ấm áp của người già neo đơn

Thứ Hai, 17/09/2018, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm qua, Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã trở thành ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình của các cụ già neo đơn...

NƠI NƯƠNG TỰA ẤM CÚNG 

Nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, huyện Long Điền) chăm sóc các cụ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, huyện Long Điền) chăm sóc các cụ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.

Bà Võ Thị Lan (77 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang, vào sinh sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn đã được 8 năm) bùi ngùi kể: Năm 18 tuổi, bà lập gia đình và có 3 người con (1 trai, 2 gái). Biến cố gia đình xảy ra khi chồng Lan qua đời do tai nạn khi bà mới chỉ hơn 30 tuổi. Ít lâu sau, người con gái của bà cũng qua đời vì bệnh tật. Không có đất sản xuất, bà Lan phải làm thuê, làm mướn để tiếp tục nuôi 2 con khôn lớn. Đến khi lập gia đình, hai con của bà cũng rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Cực chẳng đã, bà đành xa quê tìm đến thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) sinh sống cách đây hơn 20 năm. Ở vùng đất mới này, bà được người dân cho mượn một mảnh đất nhỏ để dựng lều ở tạm và tiếp tục mưu sinh bằng đủ thứ công việc làm thuê, làm mướn. Những năm gần đây, do tuổi cao, sức yếu, lại mắc nhiều chứng bệnh của tuổi già như: đau nhức xương khớp, tai biến đã khiến bà không còn tự lao động để kiếm sống. Biết được hoàn cảnh của bà, năm 2010, Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn đã nhận bà vào trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến cuối đời.

Hoàn cảnh của bà Đinh Thị Thiệt (69 tuổi, quê Quảng Ngãi, vào Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn sinh sống được gần 2 năm) cũng tương tự. Bà Thiệt kể: Năm lên 9 tuổi, bà theo cha mẹ vào BR-VT sinh sống. Được 12 tuổi thì bà mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải một mình mưu sinh. Lớn lên, bà lập gia đình và có 1 người con gái nhưng con bà chẳng may chết do bệnh lúc mới được 6 tuổi. Còn người chồng thì không lâu sau đó đã bỏ nhà đi. Bà Thiệt lủi thủi sống một mình trong căn nhà trọ ẩm thấp ở phường 2 (TP.Vũng Tàu). Khi khỏe thì bà đi nhặt ve chai, bán vé số để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến năm 2016, bà bị liệt nửa người và không còn đủ sức lao động, Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn đã đón bà về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Mỗi người già neo đơn được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn đều có hoàn cảnh hết sức éo le. Chia sẻ với những khó khăn của các cụ, hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 99 cụ, trong đó hơn phân nửa số cụ già yếu, không thể tự lo cho bản thân.

CHĂM LO TỪNG BỮA ĂN, GIẤC NGỦ

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn, các cụ được chăm sóc từng giấc ngủ, bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, được đội ngũ nhân viên y tế thăm khám bệnh và theo dõi sức khỏe hàng ngày. Những năm qua, Trung tâm đã đầu tư các trang thiết bị như: Máy massage chân, máy massage toàn thân, máy tập đi bộ, máy chiếu hồng ngoại hỗ trợ điều trị đau xương, khớp… để các cụ luyện tập nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, để chăm lo về tinh thần cho các cụ, Trung tâm còn quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp các cụ khuây khỏa, vui khỏe; trang bị 12 tivi ở mỗi phòng ở để các cụ cập nhật thời sự và giải trí.

Bên cạnh đó, đội ngũ 35 cán bộ, nhân viên của Trung tâm chính là những người luôn đồng hành cùng các cụ trong cuộc sống thường nhật. Làm việc tại khu phòng ở của các cụ bệnh nặng, không tự chăm sóc được bản thân, chị Trần Thị Bạch Mai (SN 1964) đã có 16 năm chăm sóc các cụ chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định phải chăm sóc các cụ như người thân của mình. Các cụ không thể tự vệ sinh cá nhân, tự ăn uống hay đi lại khó khăn thì nhân viên luôn bên cạnh để giúp các cụ trong từng phần việc. Có nhiều cụ đã lớn tuổi, trí tuệ không còn minh mẫn, thậm chí nhiều lúc còn mắng mỏ nhưng chúng tôi luôn vui vẻ chăm sóc các cụ như những người ba, người mẹ của mình ở nhà vậy”.

Cụ Diệu Hạnh (90 tuổi, vào trung tâm được hơn 5 năm) chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn được Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc. Ở đây, chúng tôi được bầu bạn với các cụ cùng cảnh ngộ. Đây đúng nghĩa là một ngôi nhà ấm áp nghĩa tình cho những người già neo đơn chúng tôi”.

Ông Nguyễn Văn Phiệt, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn cho biết, những năm qua, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm nên cơ sở vật chất phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ ngày càng được cải thiện, nâng cao. CBCNV của Trung tâm sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ, tạo cho các cụ cảm giác được yêu thương để sống vui, sống khỏe.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

;
.