.

Từ tháng 1-2019, tất cả bệnh nhân HIV/AIDS phải có thẻ BHYT

Cập nhật: 17:39, 12/07/2018 (GMT+7)

Kể từ tháng 1-2019, toàn bộ người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải tham gia BHYT để được thanh toán chi phí điều trị (theo chế độ đồng chi trả). Tại BR-VT, hiện nay, vẫn còn 13% bệnh nhân HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT. Xung quanh vấn đề này và các nội dung khác có liên quan đến điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại tỉnh, PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Bác sĩ ghi sổ theo dõi tình trạng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV tại Bệnh viện Bà Rịa.
Bác sĩ ghi sổ theo dõi tình trạng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV tại Bệnh viện Bà Rịa.Ảnh: BÙI HƯƠNG

* Phóng viên: Việc điều trị và cấp thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện ra sao, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Bùi Minh Kha: Hiện nay, toàn tỉnh có 1.902 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý, điều trị tại 8 cơ sở y tế (BV Bà Rịa, BV Lê Lợi, các Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ, huyện Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo và Trại giam Xuyên Mộc). Trong đó, hơn 1.600 bệnh nhân có thẻ BHYT (chiếm tỷ lệ 87%). Năm 2017, toàn tỉnh có 66 bệnh nhân được Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ mua thẻ BHYT. Dự kiến, trong năm 2018, dự án Quỹ toàn cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho gần 300 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mua thẻ BHYT.

* Thưa bác sĩ, theo thông tin từ Bộ Y tế, từ tháng 1-2019, tất cả bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được BHYT chi trả chi phí điều trị thay cho các nguồn viện trợ khác. BR-VT sẽ xử lý thế nào trước con số 13% bệnh nhân HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT?

- Trước đây, chi phí thuốc và các xét nghiệm liên quan đến điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS do nguồn viện trợ quốc tế chi trả. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các nguồn tài trợ không còn, người bệnh phải mua thẻ BHYT và đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Hiện nay, toàn tỉnh còn 13% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT là do không đủ điều kiện kinh tế, điều kiện về pháp lý để mua (không có CMND, giấy đăng ký thường trú, tạm trú…) hoặc có thẻ BHYT nhưng không muốn sử dụng vì sợ để lộ danh tính. Trong khi đó, khi đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS phải xuất trình giấy tờ tùy thân, thông tin cá nhân phải trùng khớp trong hồ sơ quản lý của cơ sở nhưng nhiều bệnh nhân còn tâm lý e ngại, không muốn để lộ danh tính nên luôn giấu thông tin thực của mình khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Để hoàn thành mục tiêu này, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV và kinh phí đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân đang điều trị trình UBND, HĐND tỉnh xem xét để đưa mục tiêu kinh phí mua thẻ BHYT và đồng chi trả vào nguồn chi thường xuyên hàng năm của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Địa phương đang nỗ lực để bảo đảm 100% bệnh nhân HIV/AIDS đều có thẻ BHYT nhằm giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trong thời gian tới, ngành y tế của tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV chủ động mua và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh; đồng thời, vận động chính sách từ các dự án quốc tế (Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, nhà tài trợ PEPFAR) trong việc mua thẻ BHYT cho bệnh nhân đang được quản lý điều trị.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

TƯỜNG NGÂN
(thực hiện)

PHẠM VI QUYỀN LỢI VÀ MỨC HƯỞNG BHYT:

Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả: Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong KCB nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ KCB HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong KCB (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn); Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách Nhà nước chi trả); Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

(Khoản 2, Điều 6, Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26-6-2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn thực hiện KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS).

 

.
.
.