Tiết kiệm vẫn tốt hơn

Thứ Sáu, 20/07/2018, 16:10 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN.

Thời mới yêu nhau, đúng là “điếc không sợ súng”, nàng muốn hàng quán nào, chàng cũng sẵn sàng đẩy cửa bước vào, không thèm đưa tay kiểm tra tiền. Vừa gọi món này, nàng gọi thêm món nữa, chàng gật đầu dễ dãi; thậm chí có lúc nàng còn ngần ngừ, e thẹn, chàng liền gợi ý: “Gọi thêm nữa đi em. Mấy khi có dịp ngồi bên nhau”. 

Chỉ 2 người nhưng thức ăn bày la liệt trên bàn. “Hoành tráng” lắm. Sang chảnh lắm. Bao giờ cũng thế, chỉ một loáng là đã no cành hông. Do sĩ diện nên chàng vẫn tỉnh rụi khi nhìn thấy thức ăn thừa thãi còn nhiều. Lúc cầm hóa đơn, dù giá tiền cao ngất, chàng vẫn cười nhẹ nhàng như không. Dù có chi xài hết đồng tiền cuối cùng, ngày mai “cơm bụi” cũng đành lòng, miễn sao nàng hài lòng là “duyệt”. 

Nhưng sau khi cưới nhau, mọi việc lại khác. Có nhiều khoản chi xài trong nhà, khó có thể hào phóng như thuở “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Phải tằn tiện hơn. Tiết kiệm hơn. Hơn nữa cũng một phần do đã “thuộc về nhau” nên họ không cần phải “màu mè”, hoặc “diễn” như trước nữa. Sự cân nhắc này, thiết nghĩ là chính đáng, “nửa kia” cần có sự cảm thông, chia sẻ. Dù là tiền của ai làm ra đi nữa cũng là tiền chung, dành dụm cùng chăm lo cho con cái, chi trả điện, nước, sửa sang nhà cửa, phòng ngừa lúc trái gió trở trời v.v… 

Khổ nỗi, đôi lúc người vợ/chồng không nghĩ thế nên mới sinh chuyện. 

Tôi có người bạn thân là G., anh thường than phiền nỗi khổ mỗi lúc đưa vợ đi ăn. Chẳng lẽ ngày nào cũng cơm nhà, thỉnh thoảng phải ra hàng quán thay đổi không khí một chút? Đúng thế. Nhưng ngặt nỗi, G. kể, một khi đã cầm lấy thực đơn, cô vợ thường nhỏ nhẹ, rành rọt gọi món và bảo người phục vụ: “1 là, 2 là…” và đến “5 là…” - lồng ngực G. thình thịch như tiếng trống chầu! 

Có lần G. khẽ nhắc: “Gọi nhiều quá rồi đó cưng”. Cô vợ như dỗi như hờn: “Ngay cả đi ăn với em mà anh cũng tính toán nữa à? Tệ thật”. Vậy là G. im phắt. Lần khác, G. khôn khéo hơn: “Ăn nhiều quá tăng cân đó em yêu”, nào ngờ, cô vợ đáp luôn: “Anh không nhìn thấy ai ngồi bàn bên kia à?”. G. nhìn quanh, phát hiện ra bàn bên cạnh là những bạn học cũ của vợ. “Mình gọi nhiều hơn, món đắt tiền hơn cho bạn bè lác mắt luôn. Họ ắt nghĩ thu nhập nhà mình không phải bèo”! Cô vợ khẽ khàng, du dương như hát hay với cái lý do “cùi bắp” ấy khiến G. “ngất trên cành quất”, không thể thốt nên lời.

Sau khi nghe tôi kể lại câu chuyện trên, nhiều cô bạn gái cho biết họ cũng có tâm lý như vợ G.! Tại sao? Đại khái, ở chốn đông người, họ cũng muốn “sĩ diện”, nhất là đang đi với chồng/người tình. Điều đó thể hiện trước hết ở chỗ chọn hàng quán, thứ hai là… gọi món! Vì lẽ đó, lắm quý ông phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nén tiếng thở dài. Đố ai dám mở miệng ra thở than, than phiền những câu đại loại như: “Ăn không nhiều mà gọi tùm lum tùm la thế này?”. Mất mặt đàn ông lắm. Vậy hóa ra mình keo kiệt, bủn xỉn, ngay cả dẫn vợ/người yêu đi vào quán xá mà cũng chắt bóp từng đồng? Thế là những lần đi ăn chung, lắm lúc họ phải cố ăn thật mạnh. Ngốn thật nhiều. No cành hông. Rồi ì ạch ngồi thở hắt. Không chỉ họ tiếc tiền mà còn cảm thấy hoang phí, nếu để lại thức ăn thừa. 

Không chỉ có thế, sự sĩ diện ấy lại diễn ra lúc có thêm bè bạn, người thân, đối tác làm ăn ngồi chung bàn. Đi ăn trong “nội bộ” gia đình, chẳng sao, gọi món gì cũng chừng mực, vừa phải nhưng khi tiếp đãi khách thì họ lại “vung tay quá trán”. Một phần do hiếu khách đã đành, nhưng cái chính vẫn muốn khoe thiên hạ biết kinh tế nhà mình không phải bết bát, dù có thế đi nữa cũng “gồng mình” lên. Lúc đó, ngồi cạnh dù cảm thấy hoang phí, tiếc tiền hùi hụi nhưng người chồng/vợ khó thể can ngăn. Nhiều người còn nhăn mặt, khi sau bữa ăn phải đùm đùm đề đề, tay xách nách mang vì “một nửa” đãi khách đã gọi món vô tội vạ. 

Mới đây thôi, dù đã 9, 10 giờ đêm nhưng chị dâu tôi còn đem qua nhà biếu con gà luộc, nửa con vịt quay và ít bánh, trái. “Ủa, nhà anh chị vừa cúng kiếng gì à? Sao em không biết?”, tôi ngạc nhiên. Chị xụi lơ một lát rồi kể lại nguyên cớ. Thì ra, anh Sáu nhà tôi đãi bạn. Dù thu nhập không phải dư dả gì, nhưng vì sĩ diện, muốn “nở mặt, nở mày” với bồ tèo chiến hữu nên mua thừa mứa thức ăn như vậy.

Có ai đó bảo rằng, thường sau khi trả tiền: có thể “nửa kia” phởn phơ, hài lòng; nhưng “nửa này” cảm thấy tiếc vì nhẩm tính muốn có được số tiền ấy phải mất mấy ngày lao động cật lực - nhất là thời buổi “kinh tế khó khăn”. Chuyện này, nếu xẩy ra lúc còn là tình nhân, có thể châm chước hoặc dễ dàng chịu đựng một cách vui vẻ. Lúc ấy, “qua sông phải lụy đò”, than phiền làm chi. Tặc lưỡi một cái cho xong. Nhưng nay, đã vợ chồng mà còn phải rơi vào tình huống đó thì éo le thật. 

LÊ MINH QUỐC

;
.