.

Những "liều thuốc" tinh thần cho người cai nghiện ma túy

Cập nhật: 17:34, 06/07/2018 (GMT+7)

Tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy, ở xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ), bên cạnh công tác điều trị nghiện ma túy bằng những liệu pháp khoa học, đơn vị còn chú trọng thực hiện các giải pháp tâm lý để giúp học viên vững vàng trên bước đường chiến đấu và chiến thắng ma túy.

Niềm vui của các học viên khi tham gia chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ do Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh tổ chức.
Niềm vui của các học viên khi tham gia chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ do Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh tổ chức.

Là “cây viết” thường xuyên của các bài phát thanh trong chương trình “Quà tặng âm nhạc, kết nối yêu thương” tại Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh, anh Nguyễn Đức K (SN 1971) chia sẻ, được viết lên dòng tâm sự về những thăng trầm, lầm lỗi trong cuộc đời của bản thân cũng là cách để các học viên trải lòng cho nhẹ nhõm tinh thần. Với bản thân anh K, khoảng thời gian sau khi được hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện tại trung tâm cũng là lúc anh tỉnh táo nhìn nhận lại những sự việc kinh hoàng mà ma túy đã hủy hoại bản thân mình và gia đình. Trước đây, anh là chủ một tiệm sửa xe máy tại phường 12, TP.Vũng Tàu, có một gia đình nhỏ ấm cúng với người vợ làm nghề buôn bán hải sản ở chợ và 2 con (một gái, một trai) kháu khỉnh. Năm 2013, từ sự rủ rê của những đối tượng xấu tới sửa xe tại tiệm, anh K nghiện heroin lúc nào không hay. Từ người thợ sửa xe hiền lành, chăm chỉ, anh K bỗng chốc biến thành một con người hoàn toàn khác, với tính cách ngông cuồng, lười biếng, bỏ bê gia đình. Thu nhập từ việc sửa xe không đủ để anh thỏa mãn cơn thèm thuốc, khiến anh phải lấy tiền của vợ, rồi vay mượn người thân, bạn bè. Đến lúc kiệt quệ, anh K bán cả đồ nghề, phụ tùng sửa xe, vay “nóng” để có tiền hút chích... 

“Kinh tế gia đình suy sụp, hạnh phúc tan vỡ, bạn bè, người thân xa lánh…. Đó là những hệ lụy mà ma túy đã hủy hoại tôi. Do vậy, bạn hãy tỉnh táo và kiên cường vượt qua cám dỗ của ma túy, chúng ta cùng làm lại cuộc đời vẫn còn chưa muộn…”  anh K đã viết như vậy để đọc trên loa phát thanh của Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh. Chưa hết, anh còn hát tặng những bài hát ý nghĩa trong chương trình phát thanh để mọi người cùng thưởng thức, sẻ chia.

Chương trình phát thanh “Quà tặng âm nhạc, kết nối yêu thương” được Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh triển khai từ năm 2016 đến nay đã đem đến hiệu quả thiết thực. Hàng trăm tâm sự, chia sẻ của các học viên phát trên “sóng” đã đánh động, cảnh tỉnh nhiều người đang cai nghiện tại cơ sở. 

Bên cạnh đó, Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh còn quan tâm xây dựng môi trường sinh hoạt thân thiện, giàu tính nhân văn cho học viên. Thi đấu bóng đá, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ, đọc sách (hiện thư viện của cơ sở có hơn 500 đầu sách)… là những hoạt động được Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh tổ chức thường xuyên và thu hút đông đảo các học viên tham gia, góp phần rèn luyện sức khỏe, ổn định tâm lý và bồi dưỡng tâm hồn một cách lành mạnh. Ngoài ra, học viên còn được giáo dục 12 bài học giá trị cuộc sống, giáo dục tình yêu thương, liệu pháp thay đổi hành vi, định hướng tư vấn nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch, dự định sau cai nghiện, kỹ năng, tâm lý phòng chống tái nghiện… 

Các học viên Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh chơi đá bóng để nâng cao sức khỏe.
Các học viên Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh chơi đá bóng để nâng cao sức khỏe.

Là một trong gần 200 học viên tham gia các lớp đào tạo nghề tại Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh, chị Phạm Thị N (SN 1985) chia sẻ, điều chị và các học viên trăn trở nhất là vấn đề công ăn việc làm sau khi trở về cộng đồng. Vì vậy, sau khi được tư vấn, hướng nghiệp, chị quyết định chọn nghề nấu ăn. Hiện nay, bên cạnh việc học nghề, chị N và các học viên còn tham gia các hoạt động lao động trị liệu như: Trồng rau, cắt tỉa cây cảnh, vệ sinh khuôn viên, sửa chữa các công trình nội trại… Cơ sở trích lại 50% số tiền từ các sản phẩm học viên tạo ra để các học viên mua sắm nhu yếu phẩm hoặc tích lũy một số vốn nho nhỏ. “Điều đó giúp chúng tôi cảm thấy trân trọng sức lao động, ổn định tư tưởng; quyết tâm cai nghiện thành công và sẵn sàng cho một cuộc sống mới”, chị N nói.

Ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh cho biết, đồng hành cùng học viên trong vấn đề tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng kết hợp cùng các liệu pháp điều trị khoa học để cai nghiện thành công. Các cán bộ, nhân viên của cơ sở luôn gần gũi, động viên, chia sẻ để học viên có thêm quyết tâm, thêm niềm tin vượt qua khó khăn, sớm trở về với cuộc sống đời thường. Đó cũng là những “liều thuốc” tinh thần mà cơ sở đang nỗ lực thực hiện từng ngày để giúp học viện thay đổi nhận thức và hành động, quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh đã tổ chức tư vấn, giáo dục cho hơn 1.900 lượt học viên; Tổ chức các hoạt động lao động, dạy nghề cho hơn 500 lượt học viên. Các học viên đã tham gia sản xuất gần 3.200 kg rau xanh phục vụ cho bếp ăn của cơ sở. Hơn 800 lượt học viên tham gia các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ, đọc sách… 

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

.
.
.