.

Chấn chỉnh, xử lý cơ sở mầm non, nhóm trẻ không phép

Cập nhật: 16:13, 11/07/2018 (GMT+7)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cơ sở mầm non (MN), nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) hoạt động không phép. Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở MN, NTGĐ này không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đang tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

GỬI CON NHƯNG THẤP THỎM LO ÂU

Trẻ được trông giữ tại nhóm trẻ gia đình do bà Võ Thị Ch. (ấp Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) làm chủ. 
Trẻ được trông giữ tại nhóm trẻ gia đình do bà Võ Thị Ch. (ấp Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) làm chủ. 

Khảo sát trên địa bàn TX.Phú Mỹ, chúng tôi ghi nhận, có nhiều NTGĐ, lớp MN tư thục quy mô nhỏ, tự phát đang tồn tại. Các cơ sở này có mặt bằng rất chật chội, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Cụ thể như, NTGĐ của bà Võ Thị Ch. (ấp Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) đang nhận giữ 10 trẻ từ 16-28 tháng tuổi. Các bé sinh hoạt chủ yếu trong khuôn viên nhà bếp (rộng khoảng 15m2) của gia đình bà Ch. không có sân chơi, phòng ăn, giường nằm... Phụ trông trẻ với bà Ch. còn có người mẹ già 83 tuổi và cô cháu gái 17 tuổi. Có mặt tại NTGĐ này đúng lúc các bé đang ăn trưa, điều khiến chúng tôi xót xa là bữa ăn của các bé chỉ có tô cơm trắng với lưa thưa vài con tép nhỏ. 

Cách đó không xa là NTGĐ của vợ chồng bà Nguyễn Kim A.. Trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 30m2, vợ chồng bà A. đang trông giữ 5 trẻ từ 16 - 24 tháng tuổi. Do căn phòng nhỏ, chật chội nên các bé phải sinh hoạt chung với các thành viên trong gia đình bà A., trông rất bừa bãi, lộn xộn. Chồng bà A. và cô con gái 12 tuổi cùng tham gia trông trẻ. Bà A. cho biết, đã làm nghề trông giữ trẻ đã 4 năm nay, với mức phí từ 1,5-1,7 triệu đồng/trẻ/tháng, tùy độ tuổi.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, làm việc trong KCN Mỹ Xuân A (TX.Phú Mỹ) cho biết: “Do thu nhập thấp, tôi đành gửi con tại một NTGĐ gần chỗ trọ (ấp Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) với mức phí 1,3 triệu đồng/tháng. Mỗi lần gửi con, tôi đều thấp thỏm lo âu vì không biết con có được chăm sóc chu đáo, bảo đảm an toàn hay không?”.

Còn tại TP.Vũng Tàu, chúng tôi đến NTGĐ của bà Hoàng Thị N., ở đường 30-4, phường Rạch Dừa. Theo ghi nhận, tại phòng bếp rộng khoảng 20m2 của gia đình bà N., có 5 trẻ 3-4 tuổi đang nằm lăn lóc giữa nền nhà, xung quanh không có vật dụng đồ chơi nào dành cho trẻ. Bà N. (60 tuổi) cho hay, bà nhận trẻ về trông để kiếm thêm thu nhập. Phụ giúp việc trông giữ trẻ trong nhà còn có chồng bà N. và con gái.

Chị Nguyễn Thị Út, công nhân Công ty Giày da Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Lương công nhân chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà trọ và một số sinh hoạt phí khác nên tôi đành phải gửi con ở NTGĐ dù trong lòng luôn thấp thỏm, bất an”.

Qua khảo sát thực tế, phóng viên ghi nhận, điểm chung của các NTGĐ tự phát là cơ sở vật chất chật chội, điều kiện vệ sinh không bảo đảm, người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức phòng chống dịch bệnh cho trẻ, dễ lây lan các bệnh tay chân miệng, viêm da, tiêu hóa.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 57 trường MN tư thục và 315 cơ sở MN tư thục hoạt động có phép. Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện vẫn còn 60 cơ sở MN hoạt động không phép.

Xem tivi là hoạt động giải trí duy nhất của trẻ ở NTGĐ do bà Hoàng Thị N. (đường 30-4, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) làm chủ. 
Xem tivi là hoạt động giải trí duy nhất của trẻ ở nhóm trẻ gia đình do bà Hoàng Thị N. (đường 30-4, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) làm chủ. 

Trong đợt kiểm tra từ ngày 5-4 đến 3-5-2018, cơ quan chức năng TP.Vũng Tàu phát hiện trên địa bàn thành phố có 14 cơ sở MN chưa được cấp phép, nhưng vẫn duy trì hoạt động trông giữ trẻ (46 phòng/1.134 trẻ), gồm: Hoa Phượng Đỏ (phường 8); Hồng Vân, Sen Hồng, Anh Thơ (phường 10); Hoàng Dương 3, Hoa Ban (phường 11); Hoa Sữa, Nắng Mai, Họa Mi, Đồ Rê Mi (phường 12); Hoàng Dương 2, Đồ Rê Mi (phường Nguyễn An Ninh); Bé Ngoan (phường Rạch Dừa) và Hoàng Dương 1 (phường Thắng Nhất). Những cơ sở MN này chưa được cấp phép hoạt động là do thiếu giấy tờ về đất đai, xây dựng… Cơ quan chức năng TP.Vũng Tàu đã yêu cầu chủ các cơ sở MN này khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.

Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho biết, thành phố sẽ thông báo công khai những cơ sở MN đã được cấp phép hoạt động, cơ sở MN chưa được cấp phép để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp bảo đảm điều kiện chăm sóc, giáo dục cho con em mình. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân trong khu dân cư, tổ dân phố giám sát, phát hiện các cơ sở MN hoạt động trái quy định, không bảo đảm an toàn cho trẻ. Phòng GD-ĐT cũng sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ các cơ sở MN ngoài công lập, hoặc kiểm tra đột xuất; Buộc đóng cửa các cơ sở MN không bảo đảm cơ sở vật chất, chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ, đội ngũ giáo viên, nhân viên không bảo đảm tiêu chuẩn.

Một buổi học của học sinh tại cơ sở mầm non tư thục Hoàng Dương (TP.Vũng Tàu).
Một buổi học của học sinh tại cơ sở mầm non tư thục Hoàng Dương (TP.Vũng Tàu).

Về phía ngành GD-ĐT TX.Phú Mỹ, ông Võ Tuất Hinh, Trưởng Phòng GD-ĐT TX.Phú Mỹ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 16 trường MN tư thục và 31 nhóm trẻ ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động. Phòng GD-ĐT thị xã có kế hoạch kiểm tra thường xuyên các trường MN và nhóm trẻ ngoài công lập trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót. Đối với các NTGĐ hoạt động không phép, không đủ điều kiện nuôi dưỡng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, Phòng GD-ĐT đề nghị UBND các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt hành chính và kiên quyết chấm dứt hoạt động nếu xét thấy không bảo đảm an toàn cho trẻ. “Các phụ huynh khi có nhu cầu gửi trẻ nên tìm hiểu kỹ thông tin, chọn các cơ sở uy tín đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động để bảo đảm các điều kiện chăm sóc trẻ”, ông Võ Tuất Hinh khuyến cáo.

Bài, ảnh: AN NHIÊN - PHƯỚC QUÝ

Sở GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra các cơ sở MN về giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, tài chính, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Qua đó, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở MN hoạt động không phép, không bảo đảm điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và công khai danh sách bằng nhiều hình thức cho người dân biết. Đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có số lượng học sinh vượt quá quy định, Phòng GD-ĐT hướng dẫn những cơ sở đủ điều kiện phát triển lên quy mô trường. Với những trường hợp không đủ điều kiện phát triển lên quy mô trường (do vướng giấy tờ nhà, đất) nhưng bảo đảm các điều kiện khác theo quy định thì tham mưu UBND cấp huyện có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động hợp pháp.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT

 

.
.
.