.

Nhà vệ sinh trường học: Đã sạch hơn

Cập nhật: 15:15, 20/05/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các địa phương và ngành GD-ĐT đã chú trọng xây dựng môi trường học đường xanh, sạch, đẹp, nhất là việc bảo đảm vệ sinh môi trường tại các nhà vệ sinh (NVS). Đến nay, phần lớn các NVS trường học đều đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo bảo đảm quy chuẩn, sạch sẽ.

CƠ BẢN ĐẠT CHUẨN

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo công tác xây dựng trường học xanh sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh trường lớp tại trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (huyện Xuyên Mộc) trong đợt khảo sát các trường học vào tháng 11-2017.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo công tác xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (huyện Xuyên Mộc) trong đợt khảo sát các trường học vào tháng 11-2017.

Theo Sở GD-ĐT, đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã có NVS kiên cố, có hệ thống thoát nước, bơm xả nước đạt chuẩn, điện để thắp sáng, thông gió… để tránh mùi hôi. Các khu NVS đều được bố trí hợp lý, nam - nữ riêng, có bồn, vòi nước rửa tay, xà phòng... để phục vụ HS. Đặc biệt, với những trường học mới xây dựng, khu NVS cho GV, HS được thiết kế hiện đại, phần lớn được bố trí liên hoàn, khép kín cùng với các dãy phòng học. Một số trường còn bố trí hệ thống loa trong NVS để tuyên truyền, nhắc nhở HS giữ gìn vệ sinh chung.

Khảo sát công tác vệ sinh trường học tại Trường TH Hải Nam (TP.Vũng Tàu), chúng tôi ghi nhận, tại 7 khu vệ sinh dành cho HS đều được lắp đặt 1 chiếc loa nhỏ, thường xuyên phát những bản nhạc du dương. Thỉnh thoảng, chiếc loa lại vang lên lời nhắc nhở HS giữ gìn vệ sinh, bỏ giấy, rác đúng nơi quy định, rửa tay sau khi đi vệ sinh... Theo cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Hải Nam, ý tưởng này được nhà trường triển khai từ đầu năm 2017. Lời nhắc nhở do HS của trường tự đọc rồi thu lại, các bản nhạc cũng do GV lựa chọn phù hợp với lứa tuổi của HS. “Phần lớn HS đều thích thú với ý tưởng này. Từ chỗ thích thú, các em thực hiện theo và hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng”, cô Hằng chia sẻ.

Bên cạnh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp NVS đạt chuẩn, việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại NVS cũng được các nhà trường quan tâm hơn. Tại nhiều trường học, từ nguồn xã hội hóa, nhà trường tổ chức thuê mướn lao công phụ trách công việc dọn dẹp để giữ NVS luôn sạch sẽ, thoáng mát. Cô Thúy Hằng cho biết thêm, hiện nay, nhà trường có 4 tạp vụ, trong đó, 2 tạp vụ được trả lương từ nguồn xã hội hóa. Nhờ vậy, dù diện tích trường khá rộng nhưng vấn đề vệ sinh trong trường học nói chung, đặc biệt là các NVS được bảo đảm.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tại tỉnh BR-VT, ngay từ năm học 2015-2016, trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề vệ sinh trường học, trong đó NVS đã được Tỉnh ủy, UBND, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Bởi, vấn đề tưởng chừng rất nhỏ này lại có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe HS nói riêng và môi trường học đường nói chung. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát vấn đề này. Về phía ngành giáo dục cũng đã có những chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn HS vệ sinh cá nhân, giữ gìn NVS sạch sẽ. Đồng thời, hằng năm, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường rà soát, có kế hoạch đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, trong đó NVS cho HS là hạng mục trọng tâm. Kinh phí cho công tác này được trích từ nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương và nguồn xã hội hóa. Để chuẩn bị cho năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT và các địa phương đã đầu tư khoảng 156 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đặc biệt là NVS trường học.

Bên cạnh đó, hiện nay, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện dự án xây dựng “60 nhà vệ sinh cho em” tại các trường MN, TH, THCS trong toàn tỉnh bằng nguồn xã hội hóa. Tính đến nay, đã có 4 công trình NVS được xây dựng cho các trường học vùng sâu, xa.

“Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành và địa phương, đến nay, NVS trong các trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu”, ông Nguyễn Thanh Giang thông tin.

VẪN CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

HS trường mầm non Ánh Dương (TP.Vũng Tàu) rửa tay bằng xà bông trước khi ăn.
HS Trường mầm non Ánh Dương (TP.Vũng Tàu) rửa tay bằng xà bông trước khi ăn.

Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, bên cạnh phần lớn NVS bảo đảm vệ sinh môi trường, vẫn còn một số trường mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, khu NVS được xây dựng khá kiên cố, nhưng vấn đề giữ gìn vệ sinh chung còn nhiều mặt chưa tốt. Không ít trường vẫn còn để xảy ra tình trạng các thiết bị lắp đặt trong NVS như: chậu rửa tay, vòi nước... hỏng hóc, han rỉ lâu ngày mà không được sửa chữa. Mặt khác, một vài trường học do cơ sở vật chất xuống cấp, trường lớp quá tải, NVS thiết kế không phù hợp, ẩm thấp, có mùi hôi… Tại khu NVS dành cho HS của Trường TH Phan Đình Phùng (TX.Phú Mỹ), 1 NVS bị hỏng nên không sử dụng được, phải đóng cửa. Do đó, HS nam và nữ phải sử dụng chung một NVS. Bên cạnh đó, NVS tại đây cũng không được dọn dẹp sạch sẽ nên bốc mùi khó chịu, HS không có xà bông rửa tay. Còn tại Trường THCS Bưng Riềng, THCS Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), hệ thống NVS có mùi hôi, thiếu ánh sáng do không được trang bị đèn chiếu sáng. Tại Trường TH Lê Văn Tám (huyện Châu Đức), nền NVS dơ bẩn, nhớp nháp do không được lát gạch men mà chỉ tráng xi măng.

Ghi nhận tại các trường cho thấy, một trong những vấn đề khó khăn là thiếu nhân viên dọn vệ sinh. Hiện nay, nguồn thu để trang trải chi phí thuê mướn nhân viên dọn vệ sinh phụ thuộc vào đóng góp của cha mẹ HS theo hình thức tự nguyện do Hội cha mẹ HS đứng ra đóng góp, hoặc xã hội hóa dịch vụ dọn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với những trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khoản đóng góp này rất hạn chế, thậm chí không có.

Giáo viên Trường Mẫu giáo phường 8 (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn học sinh lớp Lá 2 rửa tay sau khi ăn. Ảnh: THIÊN CHI
Giáo viên Trường Mẫu giáo phường 8 (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn học sinh rửa tay sau khi ăn.

Cùng với đó, ở một số trường, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho HS chưa thực sự được quan tâm. Do vậy, HS chưa có thói quen giữ gìn vệ sinh chung khi đi vệ sinh. Chẳng hạn, trong một lần khảo sát tại Trường TH Trần Đại Nghĩa, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc), chúng tôi ghi nhận, một số HS sau khi đi vệ sinh xong thì không xả, giội nước và cũng không rửa tay.

Thực trạng nói trên cho thấy, để NVS trường học luôn sạch sẽ, bên cạnh việc quan tâm đầu tư nâng cấp NVS đạt chuẩn, cần phải nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ, giữ gìn, sử dụng NVS hợp lý của HS và nhà trường.

Bài, ảnh: THIÊN CHI

Phải xây dựng không gian học đường xanh, sạch, đẹp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong chuyến khảo sát thực tế tình hình cơ sở vật chất tại các trường học vào cuối năm 2017. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo ngành giáo dục, Ban giám hiệu, các thầy cô đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh trường học. Các trường cần thường xuyên dọn dẹp, nâng cấp, cải tạo NVS trường học để bảo đảm đạt chuẩn, sạch sẽ, an toàn cho HS. Quan trọng hơn nữa là cần chú trọng giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho HS để chính các em là người hiểu và thực hành việc xây dựng không gian học đường xanh, sạch, đẹp trong ngôi trường mà mình đang học.


Năm 2014, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành quy định thiết kế khu nhà vệ sinh trong các trường học. Theo đó, NVS trong các trường học phải bảo đảm một số tiêu chuẩn như: ưu tiên bố trí nơi thoáng mát, cuối hướng gió; bảo đảm sự thông gió và chiếu sáng tự nhiên; thuận tiện cho HS tiếp cận sử dụng; khu vệ sinh nam và nữ (không tính trường MN) phải được bố trí ngăn cách, có lối ra vào độc lập; Sàn phòng vệ sinh có độ dốc 2% về phễu thu sàn, ống thoát lớn để bảo đảm thoát nước nhanh; Vật liệu lát nền khu vệ sinh bảo đảm dễ lau chùi nhưng không trơn trượt, không thấm nước; Vật liệu ốp lát tường màu sáng, dễ lau chùi; Cửa không được dùng vật liệu hút ẩm, dễ mối mọt, rỉ sét, ăn mòn trong quá trình sử dụng, cửa đi rộng ≥ 1m... Ngoài các tiêu chuẩn chung, UBND tỉnh quy định NVS ở mỗi cấp học còn phải tuân thủ những quy định riêng trong thiết kế.

 

.
.
.