.

Lao động nữ mưu sinh ở cảng cá

Cập nhật: 01:20, 09/03/2014 (GMT+7)

Mỗi ngày, cảng cá Phước Tỉnh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đón lượng lớn ghe tàu ra vào mua, bán cá. Đây cũng là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ với đủ công việc, từ bán hàng ăn đến xẻ cá, bưng bê, khuân vác…

Hầu hết lao động làm việc ở cảng cá là phụ nữ.
Hầu hết lao động làm việc ở cảng cá là phụ nữ.

Trời vừa hửng sáng, những lao động nữ tay cầm nón, chân mang ủng, bịt khẩu trang nhanh chóng kéo về cảng cá Phước Tỉnh. Mỗi khi ghe cập cảng, các chị lại nhanh chóng chia thành từng tốp để làm việc. Người nhặt, người cho cá vào giỏ, người phân loại cá… Trung bình mỗi chiếc ghe có 10-12 chị làm việc. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng có điểm chung là do cuộc sống ở quê khó khăn, không có việc làm ổn định nên các chị tụ họp về đây mưu sinh. Công việc của các chị không có giờ giấc cố định. Hôm nào cá về nhiều, các chị phải làm việc từ sáng sớm đến khuya và cũng không có ngày nghỉ. Suốt ngày phơi mình dưới nắng, mưa, mỗi người nhận được trung bình 130 ngàn đồng tiền công/ngày.

Chị Lê Thị Nhiều (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm việc tại cảng cá đã được 5 năm. Chị Nhiều cho biết, thời điểm này ghe vào đông, cá nhiều nên chị và các nữ “đồng nghiệp” cũng bận rộn hơn. Sáng đi làm từ sớm, trưa các chị tranh thủ nghỉ chừng mươi phút ăn vội hộp cơm rồi tiếp tục công việc. “Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì vất vả hơn bởi suốt ngày người ướt nhẹp. Bây giờ cái gì cũng tăng giá nên hai vợ chồng tui đi làm suốt mà chẳng để dư được. Tháng nào cũng lo trả tiền thuê nhà, đóng tiền học cho con, phải gói ghém lắm mới đủ”, chị Nhiều nói. Vợ chồng chị Nhiều có hai người con, con lớn học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 7. Chồng chị theo bạn ghe đi biển, tiền công mỗi tháng được 5-6 triệu đồng nhưng cũng không đủ nuôi cả gia đình nên chị Nhiều phải xin vào cảng làm thêm.

Một ngày làm việc của các chị tại cảng cá bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối, có lúc đến 9 - 10 giờ đêm.
Một ngày làm việc của các chị tại cảng cá bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối, có lúc đến 9 - 10 giờ đêm.

Rời quê hương Nam Định vào cảng cá này làm việc lúc 18 tuổi, đến nay chị Nguyễn Thị Hà đã 30 tuổi. Vừa sắp cá vào giỏ, chị Hà vừa cho biết, chồng chị theo bạn ghe vào Nam lập nghiệp nên chị phải vào cùng. Sau nhiều năm chắt bóp dành dụm, vợ chồng chị đã cất được căn nhà nhỏ nên không còn phải đi ở trọ. Chồng đi biển 2 tháng mới về một lần, chị ở nhà vừa đi làm, vừa nuôi mẹ già 80 tuổi và lo cho hai con nhỏ. “Cháu nhỏ mới 2 tuổi nhưng tôi phải đi gửi nhà trẻ vì ở nhà không có người trông. Những hôm ghe vào đông, cá nhiều, tôi phải làm tới 9-10 giờ đêm mới về, lúc đó lại phải nhờ người đón và giữ con dùm”, chị Hà nói.

Mỗi chị một hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là chấp nhận bám trụ ở cảng cá để kiếm sống. Trong số các chị, có những người làm việc tại cảng cá từ khi tóc còn xanh, nay đã bạc. Bà Mai Thị Đủ, 60 tuổi, có thâm niên 30 năm làm việc tại cảng cá là người như thế. Ba người con của bà Đủ nay đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng vì không muốn làm phiền con cái nên bà vẫn đi làm để tự nuôi mình. Đôi tay thoăn thoắt lựa cá theo từng loại, bà Đủ chia sẻ: “Làm nghề này sợ nhất là bệnh đau cột sống. Lắm hôm đi làm về tôi đứng dậy không nổi. Biết là lớn tuổi, sức đã yếu rồi nhưng con cái cũng khó khăn nên tôi vẫn phải ráng vì không muốn làm phiền chúng”.

Chuỗi ngày mưu sinh của những người phụ nữ trên cảng cá cũng là chuỗi ngày của những công việc cực nhọc, nhưng không vì thế mà họ vơi đi ước mơ, hy vọng. Và niềm hy vọng lớn nhất của họ chính là những đứa con. Từ công việc ở cảng cá này, không ít chị đã nuôi con khôn lớn, đỗ đại học, cao đẳng, có cuộc sống tươi sáng hơn.

Chúng tôi rời cảng cá khi hoàng hôn đang buông. Các cô, các chị vẫn cặm cụi với công việc thường ngày là lựa cá, phân loại, chuyển cá vào giỏ, đưa lên bờ… Công việc của họ như một vòng quay bất tận.

Bài, ảnh: TUYẾT MAI

.
.
.